[justify]
Thế giới mạng ảo đang trở thành một xã hội thu nhỏ, nơi tồn tại đầy đủ mọi thứ như một thế giới thật. Bằng một nickname, mỗi người đã có một tài khoản mạng xã hội tương đương với một tấm thẻ chứng minh thư, chứng minh cho sự tồn tại ở thế giới đó.
Thế giới mạng ảo không giới hạn, cũng chẳng có luật pháp như thế giới thật. Mỗi thành viên thoải mái sống theo cách thể hiện của bản thân, tự do ngôn luận, hành động và đặc biệt không có sự ngăn cản của bất cứ ai. Chính vì bản chất tự do đó đang dần mài mòn đi con người thật, dần hình thành lên một hệ đạo đức thật giả lẫn lộn ở chính những con người tham gia mạng xã hội.
Có lẽ chưa bao giờ trong xã hội loài người, những “nhà đạo đức” lại nhiều như hiện nay. Những chiêu trò phổ biến nhất vẫn là khoe thân để tạo làn sóng trong dư luận. Họ sử dụng mạng xã hội như một bàn đạp để thoả mãn cơn khát "vọng tưởng hào quang".
Xuất phát từ những bức ảnh nhạy cảm đơn thuần, dần dần rộ lên trào lưu tung ảnh “hot”. Chẳng bao lâu, chiêu trò tung ảnh “nhạy cảm” biến thành hiện tượng khoe thân lố lăng vượt xa giới hạn cho phép. Hiện tượng Bà Tưng đã phản ánh rõ nét nhất khi cô tung những clip sexy, thả rông ngực để nổi danh. Cùng với đó, hàng loạt những hotgirl của thế giới ảo bắt đầu a dua tung ảnh để hòng hòng nổi tiếng.
Ẩn sau câu chuyện hám danh ảo này là vấn đề đạo đức đáng quan tâm hơn của một bộ phận các bạn trẻ hiện nay. Nhiều cá nhân đứng trên quan điểm một phía của mình chỉ trích, ném đá người khác, thậm chí dùng lời lẽ nặng nề lên án. Thực tế, hành động và cách thể hiện của họ lại phản ánh hoàn toàn ngược lại.
Mai Thỏ - cô hotgirl của một trường đại học tại Hà Nội từng bị cư dân mạng chỉ trích bởi cái thói huyếch hoác “nói không đi đôi với làm”. Cô nàng từng lên báo nói thẳng thừng suy nghĩ của mình về hiện tượng Bà Tưng. Cô cho rằng, Bà Tưng khoe thân lố bịch, cực kỳ phản cảm. Cô cảm thấy lạ lẫm khi mọi người lại hùa nhau để ủng hộ một hiện tượng thích gây sốc để nổi tiếng.
Trong khi đó, những hình ảnh của Mai Thỏ không cho thấy cô kín đáo, "gợi cảm" hơn bà Tưng
Nhìn lại, người ta lại thấy Mai Thỏ đang dùng đạo đức của mình để lên án người khác mà không nhìn lại những hình ảnh của chính mình khi xuất hiện trước công chúng. Chính Mai Thỏ đang “tự tay vả mặt” mình vì chính cô cũng có xuất phát điểm như Bà Tưng.
Lật lại những bức ảnh cũ của Mai Thỏ có thể thấy, cô nàng có cả kho ảnh “khoe thân” lộ liễu với vòng một, vòng ba nóng bỏng. Mới nhất là bức ảnh cô để lộ gần như trọn vẹn vòng 1 trong chiếc váy quây ngắn cũn, ôm đàn violon bên người nghệ sỹ già khiến cư dân mạng xôn xao và "tặng" cô không ít "gạch đá".
Hiện nay, không ít người mượn mạng ảo để sẻ chia những bức bối, những cảm xúc yêu ghét mà thực tế cuộc sống không thể thổ lộ. Xét cho cùng đó là cách để người ta xả stress, tự giải tỏa tâm lý trong cuộc sống bí bức của mình. Nhưng mặt trái của nó lại lộ ra khi quá nhiều người lạm dụng mạng xã hội để thể hiện “cái không thành có”.
Liên quan đến câu chuyện đạo đức, ý thức của không ít cô nàng hotgirl thời nay khi thể hiện đạo đức hai mặt trên mạng xã hội và đời thực. Cư dân mạng từng châm biếm hot girl bằng một "văn bản" dài ngoằng, với những lời lẽ hài hước nhưng không kém phần chua cay.
Đơn giản một ngày của họ chỉ dành để chụp ảnh, chỉnh sửa qua các phần mềm sửa ảnh và đăng tải chúng lên mạng với những câu bình luận nhẹ nhàng, lãng mạn. Nhiều cô ngủ nướng cả buổi sáng, đến giờ ăn trưa chạy vào bếp chụp lại những món ăn mẹ nấu sẵn, tải lên facebook và tự nhận đó là những món ăn tự tay họ làm. Hoặc cố nặn cho ra những câu nói không thực tế, khoe mẽ bản thân đã làm được việc này, giúp được những người có hoàn cảnh khó khăn…
Ở thế giới thực tại, người ta lại bắt gặp hình ảnh cô hotgirl chanh chua, đanh đá, tha hóa về lối sống, văng tục chửi bậy chốn công cộng. Nhiều cô lười biếng, chẳng biết làm gì chỉ lo lên mạng xem ai hở ra cái gì không hay ho “chém", "dìm hàng” tơi tả, hiện thân cho một thế hệ "anh hùng bàn phím". Khi ra ngoài đường, vì muốn khoe mái tóc đẹp không thèm đội mũ bảo hiểm nhưng khi chụp được bức ảnh ai đó tham gia giao thông không đúng luật liền tải lên trang cá nhân kèm lời lẽ lên án, phán xét.
Trong mạng xã hội đã thiết lập đầy đủ các mối quan hệ thực ngoài xã hội, như: bạn bè, đồng nghiệp, đối tác, người thân… Do đó, mỗi lời nói, hình ảnh đều tô vẽ lên chân dung để người khác đánh giá. Mọi trạng thái cảm xúc, hành động thể hiện trên facebook dù được che giấu bằng những lời hoa mỹ, hình ảnh photoshop ảo đến mấy đều bị mọi người nhìn ra chân tướng.
Thời gian gần đây, mạng xã hội đã vạch trần chân tướng “đạo đức giả”, hai mặt của hai bảo mẫu trường mầm non tư thục Đông Phương từng có những hành vi dã man: ép đầu, tát vào mặt, dốc ngược các em bé dọa bỏ vào thùng nước… khi các em bé lười ăn.
Bảo mẫu Thiên Lý chụp ảnh âu yếm trẻ con và viết những lời ngọt ngào trên facebook
Ngược lại với những hành vi độc ác bị báo chí phanh phui, cư dân mạng tìm ra facebook cá nhân của hai bảo mẫu Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi) và Lê Thị Đông Phương (31 tuổi) đăng tải những hình ảnh tràn ngập tình cảm, âu yếm bên các em nhỏ, cùng với đó là những tâm sự nghề đầy tâm huyết.
Nếu chỉ nhìn vào facebook, nơi các cô vẫn hàng ngày đăng tải những câu cưng nựng bé yêu, những bức hình tình cảm, có lẽ người ta sẽ nghĩ họ là những nhà giáo mẫu mực, yêu trẻ. Chỉ khi, clip phát hiện tội đồ của họ được phát tán, người ta mới nhìn nhận cái vỏ bọc đạo đức của họ. Một sự che giấu giả tạo, khiến bao người lên tiếng, phẫn nộ.
Nhiều "nhà đạo đức" cho rằng, giới trẻ thích thú vui chơi trong tuyết trắng Sapa là vô tâm với nỗi đau, mất mát của người dân nơi đây
Trong một trường hợp mới đây, khi Sapa tuyết rơi trắng xóa, nhiều khách du lịch tỏ ra thích thú, liên tục tung những tấm hình “tự sướng” lên facebook ghi dấu hiện tượng mà từ bé tới giờ họ mới được chứng kiến. Không lâu sau khi những tấm hình được cô ng khai, những “nhà đạo đức” liên tục nhảy vào tấm hình để chửi bới, lăng mạ tác giả. Họ đưa ra những luận điểm hết sức duy ý chí cho rằng, giới trẻ bây giờ vô tâm, chỉ biết vui đùa trên khó khăn của người bản, không lo cho những cánh đồng hoa màu đang tàn lụi….
Từ những sự việc trên cho thấy, suy nghĩ nhận thức và cách sống của giới trẻ từ mạng ảo hiện nay đang dần méo mó. Chính những "nhà đạo đức" suốt ngày lên án về lối sống, nhân cách của cá nhân, bộ phận nào đó… lại là những người có khiếm khuyết trong chính lối sống và hành động không không - mấy - đạo - đức của mình.
[/justify]