Teen 24h 2009-01-03 15:03:35

Đầu tư tiền tỉ, giáo trình vẫn lạc hậu


Đầu tư tiền tỉ, giáo trình vẫn lạc hậu





Những cuốn giáo trình cũ kĩ xếp chồng chất tại hệ thống thư viện các trường ĐH lớn tại TP.HCM.

Theo Th.S. Văn Thị Bông, Trưởng Ban thư viện - xuất bản Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, bình quân mỗi năm trường này đầu tư 1 tỉ đồng cho việc phát triển sách giáo trình, sách tham khảo. Hiện nay, đây là trường có số lượng giáo trình do các thầy cô trong trường viết nhiều nhất trong số các trường ĐH ở TP.HCM: gần 70%.

Tiền đầu tư soạn giáo trình mới lên tới 1 tỷ đồng/năm, nhưng hiện tại, ở thư viện trường vẫn còn "tồn" rất nhiều giáo trình tuổi "cụ" từ những năm 60, 70 để phục vụ học tập, nghiên cứu cho sinh viên, đơn cử như Bộ môn phát dẫn điện, Ổn định trong hệ thống điện (1976), Thiết kế chi tiết máy (1979), Giáo trình công nghệ kim loại (tập 1 năm 1969, tập 2 năm 1972)…

Nguyễn Chiến Thắng, sinh viên của Trường cho biết, rất nhiều môn, sinh viên thà học "chay", tức là học từ kinh nghiệm của giáo viên, còn dễ tiếp thu hơn là học theo giáo trình cũ kỹ.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng chung cảnh ngộ tương tự. TS. Thái Khắc Định, Trưởng khoa Vật Lý, ĐH Sư Phạm TP.HCM cho biết, đến nay, trường này vẫn sử dụng giáo trình nhiều môn khoa học kỹ thuật của những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Nội dung các giáo trình này được viết theo quan điểm đào tạo cũ, nặng về hàn lâm: Nhiều lý thuyết, ít ứng dụng, không sát thực tiễn.

Vì đã là kiến thức hàn lâm thì có viết lại cũng không thay đổi gì nên sinh viên vẫn phải theo những chuẩn mực cũ. Chính tính chất này gây nguy hại cho SV hiện nay vì cách học nặng về hàn lâm đã không còn phù hợp và khó ứng dụng trong thực tế.

Trong khi sinh viên các trường đang phải học những cuốn giáo trình cổ lỗ, lạc hậu thì có một thực tế là nhiều trường ĐH sẵn sàng chi tiền cho giảng viên viết giáo trình mới phục vụ giảng dạy, học tập nhưng lại các giảng viên lại chẳng lấy làm mặn mà.

TS. Lê Khắc Cường, ĐH KHXH&NV cho biết, nhuận bút ĐHQG trả cho mỗi cuốn giáo trình là 15 triệu. Có những giáo trình là đề tài nghiên cứu trước đó, được đánh giá từ khá trở lên được trường đầu tư thêm 25 triệu. 40 triệu cho một cuốn sách không phải ít, nhưng giáo trình mới vẫn rất… hiếm. Giảng viên cứ hứa “thầy sẽ viết”, còn sinh viên cứ đợi đang là tình trạng chung của không chỉ riêng trường nào

Và hệ lụy tất yếu…

Sinh viên sẽ bị thiệt thòi vì giáo trình tụt hậu.

Sinh viên Nguyễn Lan Anh (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) cho rằng, có những môn học rất dễ “mất lửa” vì giáo trình cũ hàng chục năm nay, kiến thức vì thế trở nên cứng nhắc và lạc hậu!

Lan Anh dẫn chứng cho tôi xem cuốn giáo trình lịch sử văn học cô mượn của thư viện trường, giấy nâu, mòn vẹt, chữ rõ chữ mờ. Cô nói: "Nắng nóng, gặp sách thế này không ai muốn làm bạn với sách!".

“Quả là không sáng tạo được những nhân vật, thời gian sự kiện, trào lưu trong lịch sử văn học, nhưng cách nhìn về tính chất sự kiện thì con mắt ngày hôm nay không thể giống với cách đây năm năm. Nếu giống, coi như thất bại. Nhưng cứ theo những giáo trình hiện nay, SV có khi đang nhìn với con mắt của… hàng chục năm trước”, thầy Phan Nhật Chiêu, giảng viên khoa Nhân văn và Báo chí (ĐHKHXH&NV TP.HCM) khẳng định.

Một chuyện thật như đùa, nhiều sinh viên học trường Khoa học Xã hội Nhân văn nhưng không biết Việt Nam có thành phố Hà Tĩnh, thành phố Quảng Bình… và nhiều thành phố khác mới tách ra với tên gọi mới vì giáo trình cập nhật không kịp. Thậm chí, có nhiều tỉnh đã tách ra vài năm nhưng giáo trình vẫn không có tên tỉnh mới sau khi tách!

Bài, ảnh: Vinh Na
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)