Chuyện shock 2010-05-02 07:08:03

Đáy nhân gian thăm thẳm một nỗi đau


Đây là phần 1 của bài viết :"3000 làm vợ tù binh da đen…" … tớ post cho các bạn đọc hết nội dung.

Nhân loại đã có nhiều luận lý về cái sự khổ của kiếp phận con người. Có người thích khổ hạnh để “tu”, có người chỉ mong được đòn roi vấy máu để gánh tội cho một đấng siêu nhiên xa thẳm nào đó của mình, lại có những người tìm cách hiến đời vào trong nhục nhằn hy sinh vì một lẽ đời bác ái hơn. Cũng thật khó để biết thế nào là khổ, thế nào là sướng, khổ bằng nào là quá sức con người. Tựu trung, người ta chỉ thực sự lâm vào khổ nạn, khi người ta coi những gì người ta gặp là… đớn đau. Bởi thế, loạt bài này chỉ nói về những tròng ách số phận mà “khổ chủ” trằn truội cả một đời không thoát ra được. Những đau đớn mà tự người gặp phải (cùng với chúng ta) đều thấy là không thể tưởng tượng được.

Bóng ma của chế độ phong kiến ở Việt Nam chính thức bị tiêu diệt cách năm 2008 này những 63 năm (từ 1945), thực dân Pháp bị đuổi khỏi Việt Nam cách đây 54 năm (từ 1954), cho nên, điều không mấy khó hiểu là: những “nhân vật” thậm khổ sở còn đang sống để kể chuyện mà chúng ta có thể gặp được hiện nay, thường họ đến từ… chế độ phong kiến, dưới ách xâm lược thực dân, phát xít, đế quốc. (Có lẽ, chỉ một hai thập niên nữa, “thế hệ” này sẽ hầu như không còn một nhân chứng sống nào). “Thì buổi” quái đản ấy, bao giờ cũng là cái nôi sản sinh ra những phận người sống dưới mức sống của một con người, sống buồn nhục nhất, buồn như bóng tối; như góc khuất của những khát khao được tử tế sống làm người. Họ bị vô cớ bắn giết người thân, bị tù đày, ly tán, bị hãm hiếp, bị ép làm nô lệ tình dục, bắt ăn cơm trộn dầu luyn, trộn máu của chính họ, bắt ăn phân người cùng dòi bọ (theo đúng nghĩa đen), bị “trừng trị” bằng cách cắt tai, cắt tay chân một cách thú tính nhất…

Nỗi đau của họ luôn làm ta thấy căm phẫn, thấy ngượng ngùng và hoang mang tột độ. Lại thấy rằng, lịch sử luôn được mang tải sinh động nhất, ám ảnh nhất chính trong mỗi phận người nhỏ bé kia. Không chỉ có chính sử bằng giấy trắng mực đen với các “điểm mốc” lớn in trong sách vở mà con trẻ đang học thuộc lòng - mỗi đời người, dù “vô danh”, “khuất nẻo”, “đáy cùng” nhất vẫn khắc tạc được lồng lộng từng bước đi của cộng đồng. Không có cội người kia, lịch sử chỉ là một bức tranh xơ cứng. Chính vì vậy, khi ghi lại những câu chuyện dài miên man, buồn thê lương, chi tiết mộc mạc mà rợn người sau đây, chúng tôi không mong gì hơn là để chúng ta cùng biết đến, sẻ chia với một “giai đoạn sống” mà cha anh ta, không ít người, đã phải đối mặt, mà đồng bào mình từng phải oằn lưng gánh chịu. Chẳng đâu xa, các pho sử sống ấy, vẫn lặng lẽ, sương khói, tủi hờn sống, viết tiếp những trang sử tươi mới cùng tôi và các bạn hôm nay.

Bị địa chủ bắt ăn… phân người rồi cắt tai “nhắm rượu”

Tháng 7 năm 2008, cơ thể đầy tật bệnh, chỉ nặng 30kg sau bữa cơm trưa no kềnh (!), bà cụ Nguyễn Thị Mùi bần thần ngồi trong nắng nỏ đợi tôi “ra nhời” trước. Bà nhìn khách lạ dò xét, bà xuýt xoa, sao gói quà khách cho lại có thể to đến mức ấy nhỉ. Chưa có ai “tiêu hoang” cho bà như thế. Khuôn mặt bà gầy choắt, dăn deo, vừa đỏ au lại vừa đen xạm một cách khó tách bạch. Khuôn mặt ấy được nắng ong ong bứt rứt của vùng rừng Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ trùm phủ lên một nửa, một nửa chìm trong bóng râm tối sậm. Chừng 80 tuổi, bà có quá nhiều góc khuất, mà chính bà không nhớ nổi hoặc vĩnh viễn không bao giờ kể cho ai nghe.

Bà Mùi vén tai, tôi như sực rơi cơn mơ ác, khi mục sở thị một bên tai bà bị gã địa chủ tàn ác cắt cụt nửa chừng rồi ép bà phải ăn hết bát… phân người. Vết dao không thảng thốt, hầm hố như vết sẹo bị lũ sài lang cắt tay, cắt gân ở tay chân bà Mùi. Đường đưa của con địa chủ có vẻ dao rất ngọt, vệt dao như còn sắc lạnh đâu đây. Nó cứa vào nỗi ám ảnh của chúng tôi. Rất lâu sau, bà Mùi vẫn chờ tôi ra nhời. Cái lý do bà dò xét tôi, hóa ra chỉ đơn giản là: “Đời bà khổ lắm, già như sung sắp rụng về cội, chả muốn giấu ai cái gì nữa. Chỉ có điều chẳng biết cháu muốn nghe chuyện nào trước. Khó kể lắm, vì chuyện nào nó cũng phải có đầu có đuôi, cháu có thì giờ mà nghe hết không? Bà phải nói nhanh thôi, chứ chuyện bà dài lắm”. Khác với sự lo lắng của tôi, khi làm việc với cán bộ của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Phú Thọ, để nghe kể về quá khứ kinh hoàng và muốn chôn vùi vĩnh viễn bằng mọi giá của bà Mùi và các bà già đau khổ “độc nhất vô nhị” ở “làng tự lập” (trước đây còn bị gọi miệt thị là “Làng Độc” này), bà Mùi rất xởi lởi. “Già sắp chết rồi, còn ngại gì” – bà nói rồi kể về cả 9 năm sống trong địa ngục giường chiếu với người hàng binh Ma-rốc ở miền rừng Ba Vì, Yên Bái. Bà quá cô độc, đẻ 3 đứa con với một hàng binh da đen, giờ ông ấy đã chết, các con đã trưởng thành, lập gia đình, quay lại đối xử với bà chẳng bằng con sen con ở. 80 năm tuổi đời, thì hơn 40 năm bà sống trong các “trại” (trung tâm) gồm toàn những thành phần bất hảo, gái nhảy, gái điếm, trộm cắp, lang thang, vợ lính lê dương Pháp này, với tiền trợ cấp hàng tháng của nhà nước. Mỏi mòn một kiếp. Với bà, đã xác định trót đời chết ở cái góc đồi thừa thẹo kia, nội trong cái việc có một người đến nghe chuyện, tâm sự rề rà, đã là một hạnh phúc ngoài tầm tay với.

Đến tận giờ phút này, bà Mùi vẫn không biết chữ, ngoài một chữ “Mờ u mu ui mui huyền mùi” là bà biết đánh vần, rồi biết viết nguệch ngoạc vào quyển sổ của cán bộ khi lĩnh tiền trợ cấp. Mỗi tháng, sau đủ thứ kiến nghị, trung tâm, huyện, tỉnh, trung ương duyệt “chiếu cố”, trong thời buổi giá cả leo thang chót vót 2008 này, bà Mùi được ký chữ “Mùi” rồi lĩnh đúng 250.000 VNĐ để sống làm người. Không còn một khoản thu nào nữa, sống nhờ nhà của nhà nước, trong trung tâm bảo trợ của nhà nước, 80 tuổi, tự rau cỏ, tự nấu nướng, phụ trách (đội trưởng) cả cái đội lao động quét tước dọn dẹp nơi này. Nhiều khi nghĩ về bà Mùi, tôi cứ nghĩ bà là một pho sử sống, nương theo các kiếp nạn của bà, chúng ta sẽ thấy những trang sử lấm láp, bi thương độ trước: sinh ra trong thời phong kiến, bố mẹ bị giết bởi địa chủ ác ôn và phát xít Nhật khi chúng xâm lược Việt Nam; đi ở cho địa chủ, bị hành hạ “trần đời có một”, bị cắt lìa tai, treo lên xà nhà, dùng dao ghè răng, tưới phân dòi bọ vào đầu, bắt ăn hết một gáo phân người; lớn lên đi làm công nhân vác đá, đập đá, rải đá đường tàu cho Nhà nước ta; sau giải phóng Điện Biên, từng chứng kiến những ngày vinh quang của người lao động xã hội chủ nghĩa. Rồi bị ép lấy một hàng binh châu Phi, bị hành hạ, bạo lực tình dục suốt gần chục năm, sinh ra 3 anh con giai, chạy bom Mỹ leo thang khắp nhiều tỉnh miền Bắc, chồng chết, mất mộ, mất xác, bới đất lật cỏ nuôi con, 3 đứa con lai Ma-rốc trưởng thành. Con nó cũng ra chiều phụ bạc ơn dưỡng dục sinh thành, bà Mùi đành sống nốt những ngày tủi nhục bằng tiền trợ cấp xã hội.

Câu chuyện của bà Mùi bắt đầu, với lời xác nhận của những người lưu giữ “hồ sơ” của bà, đã và đang làm cán bộ “quản lý” bà trong Trung tâm. Anh Hùng, người đưa tôi đến gặp bà Mùi, thở dài: nỗi khổ của bà làm tất cả chúng tôi bị ám ảnh. Nhiều lúc ghê rợn, sao con người ta có thể sống được với sự đày đọa ngần ấy?! Sao ngày xưa, cũng ở nước ta, mà lại có những “đồng bào” tàn ác như thế?

"Bà không nhớ quê, không nhớ tuổi, không tỏ tường mặt cha mẹ, bởi bà bị ném ra đường từ khi 7 tuổi đầu. Cái chứng minh thư bà đang giữ, bây giờ cũng chỉ là “khai bừa” thế thôi, chứ có ai biết mà… khai báo gì đâu, cái đời bà nó thế, cháu ạ”. Sau khúc “mào đầu”, bà Mùi bắt đầu xưng “tôi” rất trịnh trọng, và toát mồ hôi hột để kể các câu chuyện chính xác nhất, rành mạch nhất bởi “nói chuyện với nhà báo quay phim chụp ảnh chứ đâu phải chuyện đùa” (như lời bà, sau đây, xin được ghi lại 100% theo băng ghi âm):

“Năm 1945, bấy giờ tôi 8 - 9 tuổi gì đó. Nhiều đêm nằm một mình, tôi cố bắt mình phải nhớ, thì thấy hồi còn bố mẹ, tôi có được thả chơi với một “con bé”. Chắp nối lại, tôi hiểu rằng, con bé đó với tôi là hai chị em gái, nó là con bá, tôi là con dì. Tôi chỉ nhớ một câu trước lúc người ta xé hai đứa ra khỏi nhau để mỗi đứa vĩnh viễn đi một đường, con bé đó gọi thảm thiết: “Dì Bám ơi!”. Có thể mẹ tôi tên là Bám, đấy là tôi đoán thế. Biết rõ cái gì thì tôi mới dám nói chắc.

Hôm đó, tôi thấy ông bố tôi ở đâu đó về nhà, ông dẫn theo một cái người, tôi nhớ hình như là Tết. Người đó bảo bố tôi: con nó nhớ anh thì anh hãy đưa nó về nhà thăm nhà tí rồi hãy đưa nó đi. Tôi cầm cái bánh chưng lũng lẵng ở tay như thế này. Không biết họ là ai, mang bố tôi đi đâu, và mang tôi đi đâu. Nhưng tôi nhớ, đó là lúc tôi đang ở tỉnh Quảng Ninh, tôi không biết quê mình ở đâu, cái nơi tôi mất bố, làng Đình Đông, xã gì không nhớ, nhưng là của huyện Phương (Phượng) Cốc (?). Tôi bước chân ra đi ở cái chỗ đó, tôi không biết gì về nơi đó, cho đến nay. Tôi đã khóc rầm lên, tôi lăn ra, giãy đành đạch trên mặt đường, khi đến cái thị xã đó, nơi có 2 “thằng” Nhật (bấy giờ người Việt Nam bị “một cổ hai tròng” với sự xâm lược của Thực dân Pháp và Phát xít Nhật – TG) đội cái nón chóp đỏ như của vua quan trong đình chùa, nó xách súng dài dài, hai thằng nó dìu hai bên, xốc nách bố tôi đi. Tôi khóc. Hai người lính nói tiếng của người mình (tiếng Việt) mới bảo, em nín đi, chốc bố em sẽ quay về.

Từ bấy không bao giờ gặp lại bố nữa, cũng không biết bố tên là gì cả. Chủ quán ở gần chỗ tôi gào khóc, họ cho tôi ăn bánh, rồi người ấy gạt nước mắt khóc, bảo: con ăn no nê rồi, con đi chỗ khác mà… kiếm ăn. Tôi đi từ Quảng Ninh đi lên đò Rồng, gặp ai người ta cho ăn cái gì no bụng một tí là lại ra đi. Đi mãi đi mãi lên khu vực Núi Đèo, vào cái nhà ấy tôi được nhận làm con ở. Nhà ấy là cái nhà họ nhà cắt tai tôi. Đó là năm 1945 hay muộn hơn một tí, không rõ nữa.. Nhà địa chủ ấy ở Làng Xưa, Núi Đèo, xã Núi Đèo, huyện gì không nhớ.

Tôi phải làm tất cả những việc gì mà tôi có thể làm nổi ở trong nhà ấy, bất kể ngày đêm, bất kể rét hay nắng cháy da thịt tôi bóc ra từng mảng. Tôi đói, có ăn là tôi làm. Nhục lắm. Hôm ấy lão chủ bảo tôi đi chăn trâu, bò. Khi đi, phải mang theo một đôi quang ngắn ngắn đi cắt cỏ. Bấy giờ là mùa rét, rất rét. Có con trâu con bò, quả cà và củ khoai, sáng ăn cơm nguội một bát, cầm củ khoai luộc, cắn miếng khoai lại gặm một tí quả cà muối cho qua ngày đoạn tháng. Cứ là ăn cốt cầu no, ngủ cốt cầu… đến sáng.

Hôm đó trâu xuống ruộng đằm nát ruộng của làng ấy. Làng ấy nó ghét lão địa chủ mà tôi đang ở lắm, lão ta tên là Nguyễn Văn Năm. Họ không bắt được con trâu, nhân cơ hội, nó bèn túm thừng con bò, giữ bốn vó, dùng liềm cắt bỏ đuôi bò để cho bõ uất. Về nhà, lão địa chủ nó kéo tai tôi đau đến mức, tôi tê dại chả biết gì. Mà người ta bảo “rét quắt tai”, hình như trời rét quá, tai tôi chả có cảm giác gì cả. Nó cầm con dao díp sáng loáng thế này, nó gào lên, bảo tôi là: “Con Liên (tên tôi do lão Năm tự ý đặt cho… tiện gọi), tao phải xẻo tai mày nhắm rượu!”. Tôi tưởng nó nói đùa. Ai ngờ nó trói tay chân tôi, treo tôi lên xà nhà. Nó vụt roi mây vun vút. Mông tôi chỉ thấy buốt, không có cảm giác đau ở chỗ nào. Hình như trời rét quá. Lúc đầu tôi van xin, sau tôi nản, chả nói gì, cứ cắn răng, nhắm mắt cho nó đánh chán thì nó khắc… thôi.

Điều tôi không thể ngờ được, đến tận bây giờ tôi vẫn không thể ngờ được: là nó cắt tai tôi thật. Tôi khẳng định, cắt tai không đau đớn như nỗi sợ của người ta. Tôi thấy buốt ở khu vực tai, tôi tưởng nó vặn véo kéo giật tai tôi, tưởng giời lạnh quá thì thấy buốt các đầu ngón tay như kim châm rồi buốt lên cả hai tai. Tôi nghiến răng rên trên sợi dây treo, hai tay buộc vào dây thừng đều tê tái. Đến lúc tôi thấy nước gì rất lạnh chảy xuống vai, xuống cổ và xuống tận… đũng quần tôi. Trời ơi, máu! Nó cắt tai tôi thật sao? Mà nó cắt thì nó nhắm rượu thật hay nó vứt đi đâu? Đến giờ, tôi vẫn nhớ y nguyên cảm giác máu tôi lạnh buốt chảy xuống cổ, xuống vai, xuống khắp người mình hôm đó. Trời lạnh căm căm, máu vừa ra khỏi người tôi đã lạnh như… máu rắn.

Sau đó, mãi rồi nó cũng thả tôi ra. Bà hàng xóm lấy cho tôi miếng lá về dịt vào các vết loét be bét máu ở mông tôi. Nó đe đánh nữa, tôi chui vào đống rơm, rút rơm thành cái hốc như… quan tài, nằm ngủ một giấc. Ngủ giữa đống rơm, đạy rơm lên, rất ấm. Tôi nghĩ bụng, sống thế này thì chết cho xong, hay là đốt đống rơm để mình cũng chết với… rơm.

Nghĩ được một khúc, khi cơn đói đến, tôi lại quên sạch, chỉ ao ước được ăn cho thật no. Tôi vào bếp nhà lão Năm ăn vụng. Có đứa ở trông thấy tôi cơm dính đầy mặt, đầy tay, mới ton hót báo với lão Năm. Lão gọi tôi lên, bảo: tao sẽ tha tội cho mày, nếu mày ăn hết xoong cơm này, tao rỡ cơm ra cái nong để mày ăn. Mâm cơm nấu cho cả toán người ở ăn để đi làm đồng, làm sao mà tôi ăn hết được? Nếu không ăn, tao sẽ lấy chày hành đánh, tao bắt mày bắt ăn cứt (xin lỗi độc giả, đây là lời nguyên văn của bà Mùi, bà chấp nhận kể lại chuyện này cho nhà báo đăng báo - TG). Nó lại treo buộc tôi lên như treo con lợn éc. Nó lấy thứ phân người đã được đám con ở ngâm trong nồi đất để tưới rau. Nó lấy gáo dừa nó dội phân và dòi dội từ đầu đến mặt tôi, nó lấy dao nó cạy răng tôi ra, đổ cứt vào mồm. Nó bắt tôi phải ăn hết cả một bát phân người ấy. Tám mươi tuổi tôi xin lỗi nhé: tôi đã ăn cứt. Cứt không chua, không ngọt, không cay, không chát, chỉ nhằng nhặng đắng thôi! Ông bà ông vải ơi, đời tôi…”.

Nói đến đây, bà Mùi khóc rống lên. Tiếng khóc thảm thiết tới mức, tôi không nghĩ cái bà cụ 80, cắt 2/3 dạ dày, chỉ nặng có 30 kg lại có thể khóc to đến thế. Cán bộ Hùng gạt nước mắt quay đi. Tôi không dám hỏi, không dám động viên, chỉ im lặng chờ đợi bà Mùi bình tĩnh lại. Bấy giờ, điều duy nhất tôi nghĩ: chỉ có giai đoạn lịch sử lố lăng, địa chủ tàn độc, sống tham ác và bản năng như súc vật, người dân chịu một cổ hai tròng xâm lăng của Thực dân Pháp và Phát xít Nhật thì mới có thể sản sinh ra những trái ngang phẫn uất đến ngần ấy. Có thể, chúng ta sẽ không bao giờ còn gặp lại một số phận ám ảnh, bị đày đọa bởi những kẻ thất nhân tâm đến như bà Mùi từng chịu đựng; nhưng, cơ hồ, chúng ta cũng không nên quên: trên đời, có một người như bà cụ Mùi đang ngồi với tôi đây. Nỗi đau của bà, cần phải được ám ảnh với chúng ta, bởi nhiều lẽ…
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)