Một bàn tay thô ráp đặt lên đầu tớ rồi… vò. Người đối diện nhoẻn cười, nụ cười thật rộng với hàm răng trắng giữa làn da đen nhẻm.
Buổi sáng đầu tiên của tớ ở Malawi, một quốc gia Trung Phi đã diễn ra như thế đấy. Sau đó tớ được giải thích: Ở Malawi, khi muốn chào nhau, người ta thường xoa đầu nhau và nói “Mudie Bwanji!”. Còn tớ thì nói “Xin chào!” với đất nước Trung Phi xa lạ này và bắt đầu 3 tuần làm việc như một tình nguyện viên cho tổ chức Youth Care.
Malawi hoang dã
Ở một nơi quanh năm khô hạn như Malawi, nước trở thành tài sản quý giá nhất
Malawi đúng là một cái tên xa lạ đối với tớ và cả với thế giới. Nó chỉ nổi tiếng về thứ hạng cao trong danh sách những nước nghèo nhất thế giới và những quốc gia có tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao nhất thế giới. Thật là không công bằng khi người ta không biết về một Malawi với hồ nước xanh như ngọc, với những cánh đồng ngô xa tít tầm mắt. Đặc biệt là về sự hoà hợp giữa con người với thiên nhiên. Một buổi sáng nóng đến gần 40 độ, có một con nhỏ lùn ơi là lùn (tớ đấy!) đứng dưới đất, kiễng chân, ngước nhìn lên trên cao khi thấy một nhóm (hay một gia đình) hươu cao cổ đang tha thẩn chơi đùa trước mặt. Có một buổi chiều, tim tớ như ngừng đập khi thấy một con đại bàng từ trên cao lao xuống…sát ngay bên mình và đập cánh bay lên, chân quắp một con chuột còn đang ngoe nguẩy đuôi. Ngạc nhiên chưa? Chưa ngạc nhiên nhiều bằng việc một buổi sáng kia thức dậy tớ thấy bên cạnh mình là một con rắn to ơi là to đang cuộn tròn nằm kế bên và được một em nhỏ trấn an : “Nó cũng muốn có chỗ nằm ngủ giống như chị thôi mà!”
Giữa đường gặp hươu cao cổ
Malawi hoang dã
Những bàn chân trần
Phải đi chân trần, quấn vải rốp dài chấm đất và tắm một tuần một lần là những lời dặn dò khiến tớ muốn… té xỉu trong ngày đầu tiên nhận việc ở một trại trẻ mồ côi nằm cách thủ đô Lilongwe khoảng 13 cây số về phía Bắc. Công việc của tớ là dạy học cho sáu mươi đứa trẻ đủ mọi lứa tuổi, ba ngày một tuần đến trại cách li HIV/AIDS để nghe tập huấn và chăm sóc những đứa trẻ bị nhiễm HIV từ trong bụng mẹ, lên kế hoạch cho những cuộc tuyên truyền và gây quỹ về AIDS. Những công việc nghe qua có vẻ khô khan nhưng mang tới những trải nghiệm có thể làm trái tim một con bé 18,2 tuổi như tớ đập thình thịch. Này nhé, sáng nào thức dậy tớ cũng thấy phòng mình lỏm ngỏm con nít và những đôi mắt mở to nhìn tớ chằm chằm, suỵt suỵt nhau giữ im lặng và vuốt nhẹ bàn tay tớ. Hôm tớ ngồi khâu lại cúc áo cho bé Madaliso, nó cứ đi vòng quanh tớ với vẻ mặt đầy ngạc nhiên. Sau đó, như hiểu ra, nó ngồi bệt xuống xoa xoa mặt tớ mà mắt rưng rưng. Có lẽ đây là lần đầu tiên có một người làm việc này cho bé. Tớ cũng muốn nói với bé : “Đây cũng là lần đầu tiên chị biết vá áo đấy em!” , chẳng biết vì ý nghĩa của lần đầu tiên ấy hay vì khói bếp ở chỗ nấu bột ngô làm mắt tớ cay xè. Tớ yêu nhất là những buổi tối chìm vào giấc ngủ trong tiếng kinh cầu nguyện và lửa lép bép cháy bình yên khi nhận ra trời đầy sao; cười khach khách chơi đuổi bắt các em nhỏ trên cánh đồng ngô; hì hục cuốc đất trống cà chua; thi thổi phù phù với mấy cái miệng bé tí để nấu nsima (bột ngô). Và cứ thế, tớ đi khắp nơi cùng bọn trẻ, bước vào một thế giới xa lạ nhưng trong trẻo và tinh khiết của bọn trẻ với đôi chân trần để hiểu hơn cái nóng bỏng rát dưới chân, để hiểu hơn những khát khao vươn tới, cần có một động lực để bám vào…
Bé Madalizo
Các em nhỏ đang chơi đánh trận
Ở Malawi, chữ “yêu” được đọc là “kukonda”, còn có nghĩa là “chảy”, như nước chảy. Bởi người ta quan niệm rằng tình yêu thì luôn chuyển động, trong veo và róc rách qua suối, qua nguồn. Hay cũng có thể ở nơi mà tám tháng hạn hán và ba ngày mưa khiến nước trở thành một nỗi khát khao được tôn thờ. Và tình yêu cũng vậy.
Thình thịch. Có thể đó là tiếng bước chân tớ, một con bé ú tròn nặng năm mươi lăm ký. Thình thịch. Cũng có thế là trái tim tớ đang đập như bao bạn trẻ khác, đang vác ba lô và lên đường…