Vào những ngày cuối tuần trong tiết trời se lạnh của mùa thu, bạn muốn đi thưởng ngoạn núi đồi, hít thở không khí trong lành, từ giã cái nào nhiệt, xô bồ của phố phường tập nập thì không thể bỏ qua Hòa Bình – 1 trong các tình miền núi Tây Bắc với những thung lũng xanh, những quả đồi ẩn lấp trong làn sương mờ ảo, tầng tầng mây trắng.
Và tôi, trong một ngày như thế, với mong muốn cháy bỏng ấy, đã rủ rê vài đứa bạn chí cốt cùng tham gia hành trình “Tìm nơi ở ẩn”. Xuất phát vào lúc 6h sáng từ Hà nội đi 70km đến thị xã Hòa Bình và đi tiếp khoảng 65 km nữa là đến với Bản Lác, Mai Châu. Chúng tôi dừng chân tại Bản Lác – nơi sinh sống chủ yếu của người Thái trắng.
Bản Lác nằm cách thị trấn không xa, chỉ chừng một cây số. Nhưng có lẽ bởi phố núi vốn dĩ đã bình lặng, chẳng ồn ào nên dù ở rất gần thị trấn, bản Lác vẫn có một không gian tĩnh tại như kéo chậm mọi suy nghĩ và nhịp sống của con người. Chẳng thể vội vàng khi nhìn cô gái Thái ngồi lặng lẽ vắt từng mũi kim khâu túi, khăn bên cửa sổ nhà sàn, hay người đàn ông tóc đã hoa râm thảnh thơi trước sân nhà, bào từng phoi tre cho phẳng phiu ưng ý với chiếc khèn bè dài. Vẻ đẹp hùng vĩ của nui rừng Mai Châu ôm ấp bản làng xinh đẹp, xa xa là đồng lúa vàng chĩu hạt hòa cùng màu xanh mướt của cây cối, sau những rặng cây, thâp thoáng nếp nhà sàn nhỏ sinh ẩn hiện trong làn khói lam chiều… Tất cả tạo nên bức tranh thủy mặc bình yên làm say lòng du khách. Đặc biệt, nếu tới đây vào khoảng cuối thu, Mai Châu hiện lên với vẻ đẹp trù phú rực rỡ sắc vàng. Những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa lúa chín, sóng lúa vàng óng phủ kín trên khắp các sườn đồi xen lẫn trong những nếp nhà sàn.
Từ khi du lịch cộng động được tập trung phát triển, ở Bản Lác họ thành lập nhiều đội văn nghệ chuyên phục vụ du khách khi ghé thăm, giá thuê đội văn nghệ rất rẻ giá rơi vào khoảng : 600.000 đ /1 đoàn văn nghệ. Các tiết mục của họ thường là những điệu múa về công việc hàng ngày chẳng hạn như : điệu múa xạp, điệu múa hái bông, hái lương,cầy, cấy, gặt…và những bài hát về núi rừng Tây Bắc rất hay.
Bản Lác là nơi cư trú của người dân tộc Thái, nhưng với chúng tôi, những người lần đầu đến đây cũng giống như bao du khách khác không khỏi bất ngờ bởi Bản Lác có đường bê tông trải từ đầu bản đến tận sân từng nếp nhà sàn mộc mạc bằng gỗ, đánh số từ nhà nghỉ số 1 đến số 25, ở nhà nghỉ số 1, nơi được dân du lịch “phong tặng” danh hiệu “khách sạn 4 sao”… Để phục vu nhu cầu của khách du lịch được ở lại qua đêm, ở Bản Lác, dịch vụ “homestay” đang phát triển rất thịnh hành với giá mềm chỉ khoảng 20.000 – 30.000 đ/người/đêm. Chỉ với giá tiền đó, bạn có thể có chăn ấm, đệm êm trong những ngôi nhà sàn của người dân tộc Thái giữa núi rừng Tây Bắc. Với những đoàn đi đông, thuê nhà sàn để ở là lựa chọn sáng suốt vì vừa tiện để nghỉ ngơi vừa sinh hoạt dễ dàng với mức giá là 50.000đ/người kèm cả ăn sáng. Với sự đầu tư mạnh về du lịch, ở Bản Lác có rất nhiều nhà sàn đủ cho cả 100 người rất sạch – đẹp lại vô cùng tiện nghi (giá cả trung bình là 200.000 – 300.000đ/đêm).
Đến Mai Châu, bạn không thể bỏ lỡ cơ hội thường thức những món ăn dân tộc làm nức lòng người. Sau hành trình vất vả, mùi cơm lam, xôi nếp nương, thịt xiên nướng, lợn mán thui luộc, chả cuốn lá bưởi, măng đắng, ong rừng xào măng từ các nhà sàn tỏa ra, khiến khách du lịch vấn vương. Trong tiết trời se lạnh của mùa thu, được ăn những món ăn nóng hổi, uống chút rượu Mai Hạ - thứ rượu đặc biệt đến nối người dân nơi đây thường ví rẳng chỉ ngửi đã say, ấn tượng đến nỗi có mấy ai nhấp chén rồi mà quên được.
Sau hai ngày về ở ẩn tại Bản Lác, Mai Châu, chúng tôi được khám phá vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc, được trải nghiệm những nét văn hóa của người dân tộc Thái đã sinh sống ở nơi đây từ 700 năm trước, được thưởng thức những món ăn ngon, nhâm nhi chén rượu cay. Dường như mọi lo toan, mệt nhọc tan biến hết, thay vào đó là sự mới mẻ, hứng khởi cho những công việc mới, dự định mới nơi phố phường tấp nập.