Hôm qua, giữa trận đấu, BTC phải cử người sang khán đài của CĐV Quảng Ninh để tịch thu tấm băng rôn với lý do nó đả kích VFF, dẫu nói thật, người ta có thể xem đấy là lời khen hài hước dành cho tổ chức này. Điều đó cho thấy, tâm lý lo ngại khi phải đối diện với những sự thật và lo ngại trước sự phản ứng của khán giả từ VFF. Trận đấu play-off chính là chiếc gương để VFF phải xem lại hình ảnh phản chiếu của họ xem nó đã méo đến mức nào.
Quả không ngọt
Thay cho những lời mạ lị hay những câu chửi tục, hôm qua, chính các CĐV Than Quảng Ninh đã đẩy sự phản ứng về việc không hài lòng với VFF lên một đẳng cấp mới. Sự hài hước đến chua cay!
Họ trưng lên 2 tấm băng rôn, tấm đầu là chơi chữ bằng tiếng Anh, khiến không ít cảnh sát bảo vệ… chịu chết, cho đến khi HLV Calisto cứ cười tủm tỉm và quan chức VFF có mặt ở khán đài hiểu ra rồi… nóng mặt. Còn ở tấm băng rôn thứ 2, đó là lời cảm ơn khá “đểu”, khiến người nhận lời cám ơn là VFF chẳng biết nên cười hay mếu, nhưng khán giả thì một phen cười chảy nước mắt. Bởi lời cám ơn đã được những cổ động viên đất mỏ đã “trưng dụng” slogan quảng cáo cho Kotex một cách ngộ nghĩnh để người ta “hình dung” ra VFF, một tổ chức lo liệu cho bóng đá Việt Nam.
Mùa giải này, lần đầu tiên người ta thấy ở các sân bóng, khán giả bắt đầu quay sang dùng băng rôn để biểu thị sự phản ứng. Có những băng rôn bị coi là “chụp mũ” như kiểu trên sân Ninh Bình, nhưng cũng có những băng rôn không hề quá khích, nhưng tác dụng “gây đau đớn” lại nặng nề hơn như trên sân Lạch Tray, hay sân Chi Lăng vào chiều qua.
Nếu nhìn kỹ, những phản ứng ấy chỉ là quả không ngọt có được, sau quá trình gieo nhân của VFF. Ông Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nếu không nói “lỡ lời” và phản cảm thì cổ động viên đâu thể “dựng chuyện” được. Nếu VFF không cương quyết dùng một văn bản “chết” để ứng xử với một tình huống “sống” liên quan đến chuyện thăng hạng của Than Quảng Ninh, vậy lý nào CĐV có thể “cảm ơn” được?
Hai tấm băng rôn được CĐV Quảng Ninh trưng trên khán đài sân Chi Lăng để bày tỏ sự phản ứng bởi những gì VFF đã “dành” cho đội bóng của họ.
Không quản được thì cấm
Vừa qua, án phạt mà VFF dành cho BTC sân Ninh Bình vì “cái tội” khán giả bức xúc chửi trọng tài, khiến HLV Lê Thụy Hải cười khẩy: “Thế giờ chẳng lẽ phải cử người đi bịt mồm thiên hạ à?”. Thật ra, chẳng cần đến lúc ông Hải nói, hay ông Lệ (Trưởng đoàn V.Ninh Bình) phản ứng, người ta đã thấy rõ sự bất lực của VFF trong việc giữ gìn hình ảnh của mình. Và họ đã chọn cách khá đơn giản, cái gì không vừa ý thì phạt!
Sự bất lực của VFF còn thể hiện rõ ở chỗ, đến thời điểm này, khi đã có 3 tấm băng rôn được treo và có tấm đã bị tịch thu, nhưng không có một lệnh nào lý giải vì sao băng rôn bị xem là vi phạm, và vì sao bị cấm. Dường như, khi mà VFF không lý giải sao cho thuyết phục những quyết định của họ là hợp lý hoặc chí ít chỉ là hợp tình, nên họ chọn cách cấm hết những phản ứng về các quyết định đó xuất hiện trên “địa bàn” mà họ quản lý.
Không quản được thì cấm, đó là hành động của sự yếu kém trong quản lý, và cả sự thiếu dũng cảm trong nhìn nhận các phản biện. VFF đã thật sự gây thất vọng, sau nhiều năm trời là tổ chức được xem như minh bạch, thậm chí đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã từng cho rằng: “So với hội nhà văn, VFF ăn đứt khoản chịu lắng nghe và chấp nhận phản ứng trái chiều”.
Chiều qua, chỉ là một trận play-off như nhiều trận play-off khác, nhưng cũng chiều qua, nếu chịu khó nhìn lại, VFF sẽ thấy hình ảnh của mình không còn “trung thực” khi phản chiếu lại nữa rồi!