Bị kẻ trộm tấn công để tẩu thoát, 2 người làm thuê chống trả khiến kẻ trộm bị tử vong. Cơ quan tiến hành tố tụng quy kết 2 người làm thuê tội giết người nhưng các luật sư cho rằng “không đúng với diễn biến của vụ án”.
Theo hồ sơ, Nguyễn Thành Được (27 tuổi) và Trần Văn Tâm (28 tuổi) được bà Huỳnh Thị Ngộ thuê trông giữ ao cá tại KV1 Cồn Sơn, P.Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ). Khoảng 3 giờ ngày 26.2.2012, Tâm và Được nghe tiếng động lạ ở bên ngoài liền lấy đèn pin ra xem thì phát hiện Lê Văn La đang chài trộm cá đang nuôi trong ao. Bị lộ, La phóng xuống xuồng máy bỏ chạy. Tâm và Được nhảy xuống sông chặn lại, bị La dùng cây dầm bơi xuồng đánh trúng mạnh vào đầu và vai 2 người để tẩu thoát. Sau đó, Tâm và Được nhặt mỗi người một khúc tràm có sẵn dưới mé sông chống trả, làm La ngã xuống sông và bỏ chạy. Tâm và Được kéo chiếc xuồng mà La dùng làm phương tiện đi ăn trộm cá vào bờ. Một lúc sau, La quay trở lại xin chiếc xuồng. Tâm điện báo sự vụ cho chính quyền địa phương. Khi công an phường đến hiện trường thì phát hiện trên đầu La có chảy máu nên đã cùng gia đình đưa đến bệnh viện để cấp cứu. Tuy nhiên sau đó La bị tử vong do chấn thương sọ não.
Hai bị cáo tại tòa sơ thẩm - Ảnh: C.T.V |
Mới đây, TAND TP.Cần Thơ đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Tâm và Được mỗi người 8 năm tù về tội giết người. Điều đáng nói là tại phiên tòa sơ thẩm, hai luật sư (LS) Nguyễn Thị Hồng Ngân và Đặng Lê Thủy Liễu (Đoàn LS TP.HCM) bào chữa cho 2 bị cáo đều cho rằng việc cáo buộc tội giết người là không đúng với diễn biến của vụ án, bởi lẽ sau khi bị phát hiện hành vi trộm cắp và bị rượt đuổi, La đã ra tay tấn công trước để hòng tẩu thoát nên buộc 2 bị cáo phải chống trả lại trong điều kiện trời tối đen (lúc này vào khoảng 3 giờ), không có ánh trăng, nhìn không thấy rõ. Mặt khác, lúc đánh nhau thì cả 3 người đều đứng ở dưới sông cách bờ 3- 4 m; mực nước lúc đó cao khoảng ngang bụng, ngực của mỗi người, nên 2 bị cáo chỉ biết đánh vào hướng đối diện (chứ không thể đánh vào chỗ nào khác) để nhằm mục đích tự vệ…
Đặc biệt, trong luận cứ bào chữa cho 2 bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm, LS cũng đã phân tích dấu hiệu tội phạm của nạn nhân đối với tội danh trộm cắp tài sản đã hoàn thành cùng với tình tiết “hành hung để tẩu thoát” của nạn nhân có thể cấu thành tội danh cướp tài sản theo bộ luật Hình sự hiện hành. Tuy nhiên luận cứ của LS đã không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Hành hung để tẩu thoát Để áp dụng đúng và thống nhất các quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu" của bộ luật Hình sự năm 1999, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn khi áp dụng tình tiết "hành hung để tẩu thoát" (điểm đ khoản 2 điều 136; điểm a khoản 2 điều 137; điểm đ khoản 2 điều 138 BLHS) cần chú ý: 1.Phạm tội thuộc trường hợp "hành hung để tẩu thoát" là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã… nhằm tẩu thoát. 2. Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là "hành hung để tẩu thoát" mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản. (Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25.12.2001) |
Mai Trâm