Chuyện lạ 2009-02-08 18:25:00

“Gã vẽ bậy” nổi tiếng Tây Ban Nha


Những tranh phun sơn của Raul Ruiz làm đẹp hay bôi bẩn đường phố Granada (Tây Ban Nha)? Câu trả lời như thế nào là tùy theo cách nghĩ của mỗi người.

Riêng nhà chức trách thành phố này thì lại có kiểu ứng xử “nước đôi”: Họ vừa tự hào lấy những tác phẩm graffiti ấy để quảng cáo nhằm thu hút khách du lịch tới thành phố của mình, nhưng lại vừa phạt tác giả của nó vì tội… “vẽ bậy”!

* Họa sĩ của đường phố
Ở thành phố Granada, đặc biệt là quận Realejo, người dân nào cũng biết và tự hào vì quen Raul Ruiz. Nhưng đối với nhà chức trách thành phố, anh là một tội phạm khó chuyển biến và liên tục tái phạm. Tội của anh là thường xuyên “vẽ bậy” lên tường ở những nơi công cộng. Đơn giản là vì chẳng bao giờ Ruiz xin phép trước khi bắt tay vào vẽ, và số tiền phạt vi cảnh ước tính cho đến nay tổng cộng đã lên đến 3.000 euro.


Bé bự quấn bỉm là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Ruiz. Thỉnh thoảng tác giả phải đến tô lại màu bị tróc.

Mọi việc bắt đầu từ năm 2001. Ngày ấy ở thành phố xinh đẹp miền Andalucía, du khách không chỉ chụp ảnh những nhà thờ cổ kính nổi tiếng, mà còn chú ý đến các hình graffiti độc đáo trên tường nhà – tác phẩm của một nghệ sĩ còn chưa có mấy tiếng tăm (và tai tiếng) với nghệ danh “El nino de las pinturas” (Đứa con của hội họa): Raul Ruiz. Người vẽ graffiti thì nhiều, nhưng Ruiz có một phong cánh độc đáo không thể lẫn. Một chủ phòng tranh đã phát hiện ra điều đó và phá cách bằng một cuộc triển lãm nhỏ với tranh tường của Ruiz. Nhưng không chỉ tác phẩm hội họa của anh, mà cả cuộc chiến kỳ khôi của anh với nhà chức trách Granada cũng bắt đầu được mọi người quan tâm.

* “Tôi tin là mình làm việc tốt”

Mới đây tòa thị chính phê chuẩn một ngân khoản để xuất bản một cuốn sách giới thiệu các bức tranh vẽ trộm lên tường của Ruiz trong chương trình quảng cáo du lịch, coi chúng như là một “nét đẹp riêng” của Granada. Ruiz chỉ biết lắc đầu: “Họ truy tố tôi vì tội phun graffiti lên tường, song lại cho in sách những bức tranh ấy!” Cho đến hôm nay, hai chiến tuyến của cuộc “chiến tranh lạnh” bán công khai đó không hề thay đổi. Khi khai mạc triển lãm “Hãy vào mê trận và vẽ lên tường” giới thiệu các tác phẩm của Raul Ruiz mới đây, bà phụ trách công tác thanh thiếu niên của Granada gọi anh là một nghệ sĩ graffiti tầm quốc tế. Trong khi ấy các cảnh sát vẫn tiếp tục ghi giấy phạt Ruiz vì tội vẽ bậy và nhiều khoản phạt vẫn còn bị nợ chưa được thanh toán.


Quận Realejo của Granada khắp nơi có dấu ấn của Ruiz.

Không như các tay graffiti khác thường vẽ trộm, Ruiz không ẩn danh và công khai vẽ giữa ban ngày trên phố đông người. “Vì tôi tin là mình làm việc tốt”, anh tuyên bố. “Tôi muốn đánh thức suy nghĩ qua tranh của mình, và lựa những bức tường không ai chú ý tới.”

Tranh của Ruiz thường có những khuôn mặt rất ấn tượng, nhất là mặt trẻ con. Anh tin rằng trẻ con là biểu tượng cho sự trong trắng, tốt lành và bột phát. Tranh của anh đưa người xem vào thế giới của truyện cổ tích – vừa hiện thực, vừa siêu hình, nhưng bao giờ cũng tác động vào trí tưởng tượng và kích thích suy tư.

* Bập bênh giữa công và tội

Dấu ấn của Raul Ruiz nay đã xuất hiện trên 3.000 bức tường, thậm chí ở nhiều nước châu Âu khác và ở cả Nam Mỹ. Mô típ trải rộng từ các hình tượng đại chúng như Pippi Tất Dài, Spongebob, cho đến tù binh hay ăn mày. Cả Thượng đế, hình tượng cổ tích lẫn bánh răng và cừu, bò v.v. cũng được nhắc đến.

“Nghệ thuật sẽ xóa nhòa rào cản xã hội”, đó là niềm tin của Ruiz, và anh vẽ graffiti để làm nghệ thuật cao hơn mức trang điểm bình thường. Khởi điểm graffiti luôn có một thông điệp ẩn sau thông điệp nổi ở dạng chữ viết, và Ruiz muốn người xem đừng quên điều đó. Trọng tâm của “thông điệp Ruiz” là thúc đẩy suy nghĩ về quan hệ giữa sở hữu cá thể và công trình công cộng, cũng như coi đường phố là nơi giao lưu của con người. “Ngày nay, quá nhiều quy định và luật lệ làm cho dân cư thấy phản cảm với nơi ở của mình”. Granada có quy định, ai muốn vẽ lên tường thì phải được chủ nhà đồng ý, ngoài ra phải xin phép thành phố - một quy định hợp lý nhằm ngăn chặn việc bôi bẩn tường, nhưng không ai biết xin giấy phép đó ở đâu!


Một bức tường ở phố Escoriaza được Ruiz biến thành tranh nghệ thuật khổng lồ

Giả sử Ruiz được phép thì các tay vẽ graffiti khác cũng phải được phép vẽ, ngay cả khi tranh của họ không đảm bảo những tiêu chí nghệ thuật hay thẩm mỹ, vì không có một luật nào quy định rõ về vấn đề này.

Vậy thì Ruiz còn sáng tác lâu nữa trong trạng thái bập bênh giữa công và tội. Anh không định chuyển sang vẽ trên toan. Cũng may, nếu không thì tiếc thay cho một hình thái hội họa phóng khoáng của đường phố, vì nó sống bằng khung kiến trúc bao quanh là một yếu tố không thể tách rời.

Gia Bảo
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)