[/size] "Nhưng sóng thần lần này là khủng khiếp nhất", geisha 84 tuổi nói về cơn thịnh nộ của thiên nhiên hôm 11/3, khi những bức tường nước khổng lồ trồi lên nhấn chìm một vùng đông bắc Nhật Bản, trong đó có thành phố Kamaishi, tỉnh Iwate nơi bà sinh sống.
Sóng thần xảy đến lúc bà Ito đang chuẩn bị hát và chơi cây đàn ba dây cổ truyền shamisen tại một nhà hàng sang trọng. Con sóng nuốt chửng nhà của bà, cuốn phăng mọi thứ dụng cụ hành nghề quý giá của geisha có hơn bảy chục năm thâm niên này.
"Áo kimono, các dải thắt, hai cây đàn shamisen, đồ làm tóc - tất cả mọi thứ đều mất. Chuyện gì đã xảy ra thế này?", bà nói.
Geisha Ito trong nhà trú ẩn ở thành phố Kamaishi, Nhật Bản. Ảnh: Mainichi. |
"Nhưng tôi vẫn còn kỹ năng và mong muốn đàn hát. Đấy là niềm tự hào của tôi", bà nói. "Cho dù sóng thần cũng không thể tước niềm tự hào của tôi".
Với Ito, ký ức xa xưa nhất cũng là một thảm họa thiên nhiên.
"Mẹ tôi chạy, cõng tôi trên vai, khi đó cũng có sóng thần, lâu lắm lắm rồi, khi tôi còn bé tí", người phụ nữ 84 tuổi nhớ lại.
Sau lần đối mặt với tử thần và sống sót ấy, bà bắt đầu nghiệp geisha ở tuổi 12 tại thành phố Kamaishi, nơi phát triển ngành công nghiệp thép, cách Tokyo 450 km về phía bắc.
"Tôi bắt đầu vào nghề geisha để kiếm tiền phụ giúp gia đình sau khi cha tôi ốm, nhưng vào nghề rồi tôi thấy được nhiều niềm vui", Ito, có nghệ danh là Chikano Fujima, tâm sự.
Cái nôi của nghề geisha là cố đô Kyoto, sau thế kỷ 18 nghề này mới lan khắp Nhật Bản. Là một ca sĩ, vũ công và nhạc công giỏi nghề, Ito là một trong khoảng 100 geisha hành nghề ở Kamaishi, nơi tập đoàn thép khổng lồ Nippon Steel hiện vẫn còn những lò luyện kim.
Thành phố này là nơi phát triển phồn thịnh sau chiến tranh, nhưng bị suy giảm kể từ những năm 1980 do các nhà máy thép gặp khó khăn vì suy thoái và cạnh tranh từ nước ngoài.
"Vì thế tất cả các geisha khác đều đã ra đi. Tôi là người cuối cùng và duy nhất làm geisha ở đây", Ito nói, đôi vai run run. Nhưng bà vẫn quả quyết: "Tôi không tiếc gì trong cuộc đời. Những người chủ nói rằng tôi làm việc chăm chỉ, vậy đấy. Tôi có thứ mà không ai có thể lấy đi được".
Một phần lớn trong số các khách hàng của Ito - toàn là những người đàn ông kém xa tuổi bà - có tên trong danh sách 1.250 người chết hoặc mất tích sau động đất và sóng thần.
Ito miêu tả sóng thần là "một trải nghiệm kinh hoàng", nhất là vào thời khắc bà "thấy một cái ô tô và một người chết bên trong nhà mình". "Điều đau buồn nhất là có rất nhiều người bạn của tôi đã chết", Ito nói. "Tim tôi tưởng như vỡ ra".
Tổng số người chết và mất tích ở Nhật tính đến hôm qua là hơn 27.000, khoảng 3.000 người bị thương.
Bất chấp cảnh hoang tàn vây quanh, bất chấp việc đã mất hết áo kimono và đồ hành nghề, Ito nói bà vẫn sẽ biểu diễn. "Tôi thậm chí còn muốn đàn hát và múa phục vụ cho mọi người ở đây, trong nơi tạm trú này".
Ito nói bà sẽ làm việc cho đến hạn nghỉ hưu mà bà tự xác định cho mình - ở tuổi 88.
"Tôi muốn làm mọi người vui khi thành phố hồi phục dần trở lại", bà nói. "Tôi muốn sống tích cực. Dù tôi không còn bạn đồng nghiệp geisha nào, tôi vẫn sẽ múa và đàn hát", bà nói.
"Và nếu tôi còn sống được ba hay bốn năm nữa, khi tôi 88 tuổi, và nếu khách vẫn muốn tôi biểu diễn, tôi sẽ tiếp tục biểu diễn", Ito nói. "Tôi sẽ tiếp tục cuộc sống như thế".