Teen 24h 2009-11-03 07:58:31

Gửi những nữ sinh đổi tình lấy điểm :P


Ph. ạ, khi viết những điều này cho cháu, bác đã đắn đo rất nhiều. Có thể những điều bác nói sẽ trở nên giáo điều, xa lạ với suy nghĩ và quan niệm sống của thế hệ các cháu. Cũng có thể nó đụng chạm, dễ mất lòng và tất nhiên cháu, như chiếc lò xo còn đang sức đàn hồi của tuổi hai mươi, dễ phản ứng bằng cả sự giản đơn bộc trực, chưa nếm trải chua cay đắng đót của cuộc đời.

[justify]Vì bác biết, chúng ta khác nhau bởi sự cách biệt của thế hệ. Bác thấy điều đó trong ngay chính những đứa con của bác. Có lúc bác bảo A thì nó làm B, có lúc bác gắt lên thì chúng lại cười khì. Những thế hệ bây giờ không còn lẽo đẽo theo nhau. Vả lại, cuộc sống đang vận động và thay đổi với tốc độ đáng ngạc nhiên. Có quan niệm trở nên cũ mèm, lọ mọ lắm. Cũng có lối sống đã làm cho thế hệ chúng ta, những người làm cha làm mẹ quá nghi ngại, lo lắng.[/justify]



[justify]Nhưng với bác, những gì sắp nói ra đây là những điều chân tình vì trước hết, bác là bạn học thuở thiếu thời với mẹ cháu, và nữa, chúng ta là những người cùng làng, cùng thấm đẫm trong một môi trường văn hóa làng xã, phải không. Người cùng làng, ra phố thị, ra chốn xa lạ của thiên hạ rộng lớn, có thể coi như người cùng một nhà vậy. Không biết cháu có đồng cảm với bác điều này không nhỉ? Truyền thống lâu đời của người quê mình là “bán anh em xa mua láng giềng gần”, hay “một giọt máu đào hơn ao nước lã” là để nói cái vân vị quê kiểng, cái tình thân thâm hậu đời nọ, đời kia, làng trên xóm dưới. Quả cau lá trầu, bát nước chè xanh, tối lửa tắt đèn có nhau, có nhau chia ngọt sẻ bùi, có nhau khi hoạn nạn.[/justify]



[justify]Cháu biết không, câu chuyện bắt đầu từ mùa hè vừa rồi, khi về thăm quê, đến quán nước dốc đê xuống trung tâm xã, bác thấy cháu đi ngược chiều với bác, cùng tốp bạn có trai có gái, ăn mặc “rộn ràng” lắm, chắc cháu không nhận ra bác đâu. Bác còn nhớ cháu mặc cái áo thun ngắn, màu hồng sọc trắng. Cháu gái của bác trông thật phổng phao, trông ra dáng thiếu nữ lắm rồi, chẳng như hồi nào lớp 11, 12 nữa. Các bạn cháu hôm ấy đều diện quần jean cạp trễ, những chiếc áo ngắn hở rốn, những mái tóc hấp nâu xì tin. Điều đó với bác là chuyện bình thường. Và cũng bình thường đối với dân phố thị. Bác không phải là người khắt khe chuyện ăn mặc, hình thức. Đánh giá người ta với chủ nghĩa hình thức đã giết chết những tài năng, năng lực của bao con người.[/justify]



[justify]Rồi lúc nào đó cháu đọc nhé, bác từng viết bài thơ Bầy rốn, như sự cổ súy cho vẻ đẹp hình thể, báu vật trời cho, và sự trẻ trung được giải phóng khỏi quan niệm hẹp hòi, định kiến: “Tôi đi ngược mùa hè căng mởn làn da/ ngược rốn/ Áo lửng cánh buồm kéo những xô nghiêng những phố ven đường/thanh xuân tung tẩy cười thơm dậy mùi con gái/ vắt vẻo một ngày rốn lên ngôi.” Tuy nhiên, trong cái cởi mở của mĩ cảm vẫn có cả những điều cảnh tỉnh. Người ta luôn luôn có cái cảnh tỉnh, kiểm soát chính mình, bởi đấy là cái phanh để ngăn lại những “lêu lổng” quá ngưỡng và có thể trượt ngã của cá tính, của bản năng. Người ta nói, văn hóa là sự chế ngự bản năng. Vì vậy, nếu không có sự chế ngự thì: “Bồng bột có khi cạn rốn lồi”.[/justify]







Chúng ta khác nhau bởi sự cách biệt của thế hệ… (Ảnh minh hoạ)




[justify]Nhưng điều làm bác bất ngờ là khi nghe cô chủ quán nước ở dốc đê nói với mấy cậu trai đang hóng chuyện rằng: “Cái con Ph ấy, nó thuộc dạng gạ tình lấy điểm, không thì làm sao mà lên lớp”. Bác tái mặt, người ta đang nói về cháu ư? Làm sao người ta có thể xúc phạm con gái mẹ H thế nhỉ? Bác liền ghé vào quán gặng hỏi cho ra nhẽ vì sao cô chủ quán lại nói thế. Cô ta bảo, có đứa cháu học cùng cháu, kể rằng, sinh viên trong trường đã ồn lên cả chuyện này rồi. Bỗng nhiên bác buồn và lo sợ như bị sốc. Bác dặn cô chủ quán nước không nên hóng hớt kiếm chuyện, rằng đó là cả danh dự, phẩm hạnh của người ta. Cháu biết vì sao không? Là vì bác sợ câu chuyện kia một ngày nào đó đến tai mẹ cháu, như vậy không biết điều gì sẽ diễn ra tiếp theo với một người phụ nữ tần tảo, dồn tất cả sự tin yêu, tự hào và sức lao động cực nhọc vì đứa con gái yêu học đại học của mình.[/justify]



[justify]Bác còn nhớ, hơn hai năm về trước, bác về ăn bữa cơm liên hoan mừng cháu đỗ vào đại học. Cả xóm ai cũng mừng cho mẹ con cháu. Người góp đồng quà tấm bánh, người góp cây bút, cái khăn, cái nơ cài tóc. Quê mình đơn sơ mà ấm áp. Bác quá xúc động trong niềm vui của hai mẹ con, trong niềm hân hoan tràn trề sức trẻ, cả những hi vọng tương lai với cháu. Con gái của một người nông dân, vùng nông thôn nghèo trung du, đỗ đại học quả là điều không dễ, tự hào quá đi chứ. Mẹ cháu dường như đã dồn tất cả ước nguyện đèn sách vào cho cháu khi mà hồi nhỏ, cô ấy vốn là người có lực học, lại có nhan sắc vào loại nhất nhì của lớp, nhưng vì nhà nghèo, vì cuộc đời xô đẩy mà đành dang dở học hành, trở thành người nông dân căn cơ, người vợ góa đầu tắt mặt tối. Cô ấy già nhanh quá. Bác giật mình khi kiến diện dung nhan của mẹ cháu thay đổi nhanh lạ thường. Chẳng hay có lúc nào cháu lặng lẽ nhìn mẹ mà xót xa, mà thầm bảo mình phải làm gì để mẹ vui không?[/justify]



[justify]Sau hôm ở dốc đê, bác bèn nhờ một “thám tử tư”, là nói vui vậy thôi, nhờ một người quen tin cậy ở ngay trong trường cháu, tìm hiểu hư thực. Và bác cảm thấy xót xa khi vị “thám tử tư”, sau một thời gian tìm hiểu cho hay có hiện tượng ấy. Người ta còn nói rõ tên ông thầy từng “thân thiện quá mức” với cháu. Vì vậy, bác quyết định phải viết ra những tâm sự này, khi còn chưa muộn, với hi vọng cháu có thể bình tâm nghe được từ chính chiều sâu những giá trị nhân phẩm, từ tiếng nói lương tâm của con tim mình mách bảo.[/justify]



[justify]Bác không có con gái, bọn trẻ nhà bác là hai cậu con trai, học giỏi nhưng đoảng và nghịch như quỷ sứ. Và tất nhiên, bác cũng có nỗi lo về chúng trước những bất an của cái xấu, trước nhiều tệ nạn xã hội, nhưng nó không giống cái kiểu lo con gái. Cuộc đời làm bác gặp không biết bao nhiêu tình huống, cảnh ngộ éo le, những nếm trải mà chỉ có những đoạn trường cuộc sống dạy ta cách ứng xử, làm ta bừng tỉnh. Khi làm Tổng biên tập báo Gia đình và xã hội, bác cũng gặp nhiều cảnh ngộ gia đình, nhiều cô gái trẻ có những hoàn cảnh đặc biệt cần che chở giúp đỡ. Thậm chí, có những lần phóng viên phải tham gia giải cứu những cô gái quê nhẹ dạ cả tin, bị lừa vào chốn lầu xanh, bị các đại gia chăn dắt. Vì vậy, từ thực tế, bác cũng coi như mình hiểu được phần nào tâm lý lứa tuổi. Đặc biệt cháu lại là đứa con đã sớm chịu thiệt thòi, vì gia cảnh, so với chúng bạn có gia đình đẩy đủ, yên ấm.[/justify]



[justify]Bác nói điều này là cốt để cháu nhớ đến một hoàn cảnh khác, cháu có nhớ cô Phương mua bán đồng nát, sắt vụn ở gần bến phà không. Nhà cô ấy ngày xưa được người làng gọi là nhà chị Dậu. Chồng cô Phương cù mì, chuyên đi đóng gạch thuê cho các chủ lò. Cô ấy bạo dạn ra Hà Nội làm ăn và mang theo hai đứa con gái ra phố, vừa rửa bát, lau dọn nhà hàng vừa đi học. Những đứa con cô ấy dường như thấm thoát hoàn cảnh của mình, thương nỗi truân chuyên của bố mẹ mà cả hai đều đỗ vào đại học với điểm rất cao. Quả là một nghị lực phi thường. Bây giờ cô ấy có vốn mở cả một quán cơm bình dân và nuôi hai nữ cử nhân tương lai. Có thể, những trường hợp như cô Phương không nhiều, nhưng không hiếm, và không phải là không thể không thay đổi được hoàn cảnh khi người ta có nghị lực có quyết tâm. Có những cô gái lau nhà quét chợ vẫn đỗ thủ khoa đại học cơ mà.[/justify]



[justify]Vậy mà, cháu biết không, mới đây bác về làng, nghe cái tin làng quê thuần khiết, làng Hạ Bì của mình đã có hơn chục trai đinh chết vì ma túy, nhiễm HIV, có cả những cậu bé chết ở tuổi cháu. Điều đó thực sự làm bác kinh ngạc, đau đáu một miền quê. Lại đau đáu cho bao bà mẹ cứ tưởng con mình về Hà Nội học nghề, làm thợ may, làm thợ uốn tóc mĩ nghệ, làm công ty liên doanh nên lương cao lắm. Đã sắm sửa cho bố mẹ cái ti vi, cái xe máy, sửa lại căn nhà, có vốn mở hàng xén ở thị tứ. Ôi các bác nông dân ta ơi, các bác đâu biết, những “công ty liên doanh” kia là những quán đèn mờ, karaoke ôm, là cuộc sống bên trong các nhà nghỉ mọc lên nhan nhản cho kịp nhu cầu dịch vụ “nghỉ trưa” của thị trường. Và điều này, chẳng nói thì cháu cũng hiểu, cái nhà trọ sinh viên trong dân cư bây giờ, rất nhiều các nhà trọ sinh viên trong dân cư bây giờ, rất nhiều, rất nhiều các cặp nam thanh nữ tú sinh viên, cả dân làm nghề tự do, cứ sống tùm lum với nhau, một cách già nhân ngãi non vợ chồng. Một thứ vợ chồng công nghiệp đang diễn ra trong giới trẻ hôm nay. Thậm chí, có những cô gái, cứ vài tháng lại có một cậu choai choai mới đến thay ca. Cũng không hiếm những sinh viên có nhan sắc hẳn hoi, cặp bồ theo quý theo năm với các đại gia để có tiền học phí, tiền thuê nhà, mà chủ yếu là tiền váy áo.[/justify]







Cũng không hiếm những sinh viên có nhan sắc hẳn hoi, cặp bồ theo quý theo năm với các đại gia để có tiền học phí, tiền thuê nhà, mà chủ yếu là tiền váy áo… (Ảnh minh hoạ)




[justify]Hậu quả của những cuộc tình gạ gẫm, thời tiết và vụ lợi ấy là gì? Hẳn cháu đã từng nghe vụ án một đại gia đi xe hạng sang Lexus, bị một nữ sinh viên tên Kim Anh cắt cổ chết vài tháng trước, chỉ vì cô ta bế tắc, không có cách gì chạy thoát những dây dưa của mối tình bồng bột lúc vào đời. Mà bây giờ thì cô ta đã có bạn trai mới, cuộc đời đang bước sang trang khác. Nhưng vay nào trả nấy. Thương tiếc thay cho một kiếp phận ngục tù khi mà không bao lâu nữa cô ta tốt nghiệp đại học. Đau đớn thay cho một đại gia lắm tiền nhiều của với cái giá quá đắt.[/justify]



[justify]Nhưng cũng có những nữ sinh còn kịp phanh lại trước những sụp đổ của danh giới của lòng tự trọng. Câu chuyện ấy cách đây ba năm rồi, vào khoảng cuối tháng 7/2006. Khi đó cháu còn đang học lớp 12 trường huyện thì phải. Báo chí lúc ấy rộ lên và một làn sóng phẫn nộ chưa từng có về chuyện một ông thầy, Phó trưởng khoa Báo chí, của trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình nọ, đã gạ gẫm nữ sinh V.T.V.A đi nhà nghỉ để “sinh hoạt”, với phương thức muốn điểm cao thì phải “biếu” thầy tình. Cô nữ sinh V.T.V.A đã chiến thắng chính mình khi buộc phải tố cáo ông tình “gạ tình lấy điểm” vì “không còn lối thoát”. Ông thầy ấy đã bị kỉ luật buộc thôi việc, bị mất cơ nghiệp cả đời gây dựng, mất miếng cơm manh áo cho vợ con. Nhưng cái mất đau đớn hơn, chua cay hơn nhiều, là danh dự người thầy. Nó báo động sự sa đọa, xuống cấp đạo đức của người thầy. Nó làm hoang mang cả xã hội, một xã hội bao đời “tôn sư trọng đạo”. Về phía nữ sinh, nữ sinh nào đó sẵn sàng và chủ động hạ nhục mình bằng cách “bán mình” lấy điểm thì càng đáng sợ hơn, lo lắng hơn cho lớp trí thức trẻ, nguồn nhân lực rất cần chất lượng cao cho tương lai. Vụ ấy, ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa mới nhận chức đã phải vội vàng kinh lý về trường nọ để nghe giải trình và giải quyết sự tình ông thầy “gạ tình lấy điểm”.[/justify]



[justify]Cháu Ph. yêu quý, đó quả là bài học đắt giá phải không. Bạn V.T.V.A có cái lầm lỡ ban đầu là muốn xin từ điểm số trung bình lên điểm giỏi. Có thể bạn ấy muốn có một học bạ, một hồ sơ hoàn hảo cho công ăn việc làm khi ra trường. Đó là mặt trái của cơ chế tuyển dụng theo bằng cấp, theo hồ sơ lý lịch chứ không phải bằng nghiệm chứng tài năng, năng lực thực tế. Đã biết bao điều giả dối, chạy chọt xin điểm, mua học vị, hợp thức bằng cấp học vị để “luồn sâu, leo cao” con đường danh lợi hơn nữa. Không hiếm những tấm bằng “học giả bằng thật”. Những mùa gặt tiến sĩ tưng bừng đây đó. Nghĩa là, người ta không sống bằng khả năng thực, cái mình thực có, cái quyết tâm, nghị lực, vươn tới những ước mơ, dự định cao hơn bằng năng lực của mình. Bạn V.T.V.A cũng thật đáng trách, nhưng dù sao bạn ấy cũng đã vượt qua được giới hạn cuối cùng của bờ vực nhân cách. Là người có nhân cách, có sự sáng của lòng thiện thì có gì mà phải sợ.[/justify]



[justify]Những điều tản mạn, có thể với cháu là rậm lời, là “biết rồi khổ lắm, nói mãi”, nhưng bác chỉ muốn lấy cái thân tình mà dắt cô cháu gái, hãy bình tâm nhìn lại phía làng ta. Cái ngôi làng tươi xanh hồn hậu và dòng sông thơ ấu đã làm dịu mát và tươi lại bao tâm hồn, từ thế hệ này tới thế hệ khác. Ở đó cháu có người mẹ cô đơn, tần tảo, quên cả đời sống của riêng mình, sự hiện hữu của mình để nuôi lớn ước mơ của cháu. Thế thôi đã đủ để ta điềm tĩnh, ta thư thái, tự tin và cứng cáp hơn trước những cám dỗ bất kì trong đời sống phức hợp của thị thành, sự giao thoa đa diện của những tầng bậc văn hóa vùng quê và phố, vùng và miền, tây và ta.[/justify]
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)