Sau khi liên tiếp xây dựng, mở rộng những con đường được mệnh danh “đắt nhất hành tinh”, mới đây, UBND TP. Hà Nội tiếp tục quyết định xây dựng một con đường tại quận Long Biên với số vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng cho quãng đường dài khoảng… 1,5km.
Tuyến đường nghìn tỷ đồng này nối từ đường Nguyễn Văn Cừ với đê Tả ngạn sông Hồng vừa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt trong Dự án được đầu tư với mục tiêu kết nối liên thông giữa đường Nguyễn Văn Cừ với tuyến đường 40m đoạn Long Biên - Thạch Bàn, tạo sự liên thông giữa cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Có những con đường "đắt nhất hành tinh" là một sự lãng phí ghê gớm (ảnh: TOLA)
Dự kiến, trong tổng chi phí hơn 985 tỷ đồng, hơn 481 tỷ đồng là chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư; còn lại là chi phí xây dựng, thiết bị, quản lý dự án… Nói về sự đắt đỏ của con đường này, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, đây là nhược điểm của các dự án đầu tư công tại Việt Nam.
Theo ông Liêm, nguyên nhân khiến các dự án đầu tư công ở Việt Nam bị đội giá lên cao là do sự không minh bạch và thiếu tính chuyên nghiệp trong thiết kế, xây dựng, thi công.
Ông Liêm phân tích: Tính không minh bạch là do dự án khép kín, từ đơn vị thiết kế, đơn vị cấp vốn, chủ đầu tư cùng thuộc một đơn vị hành chính. Vì khép kín nên rất dễ bị lợi dụng để đưa ra những mức giá không ai kiểm soát được, nhất là giá đền bù giải phóng mặt bằng.
TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, vì không minh bạch nên cũng nảy sinh tính không chuyên nghiệp, thực tế ngay cả chủ đầu tư dự án, người thực hiện công tác đền bù thường được giao cho cấp quận, huyện, và đó thường là những người thuộc Sở Tài chính, các Phòng Xây dựng thực hiện.
Đồng tình quan điểm này, ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng, việc Thành phố Hà Nội phải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho những quãng đường dài trên 1km là sự lãng phí ghê gớm.
Theo ông Võ, chúng ta thường có những con đường được mệnh danh “đắt nhất hành tinh” vì không tạo ra được cơ chế phù hợp để thu lại được lợi ích từ đất ở 2 bên đường do giá trị con đường mang lại. Trong khi toàn bộ kinh phí làm con đường do Nhà nước đầu tư mà giá trị bồi thường lại thường chiếm đến 80%, còn giá trị xây dựng chỉ chiếm 20%. Thậm chí, có những con đường, giá trị bồi thường chiếm đến 90% tổng vốn đầu tư.
Vì vậy, Nhà nước cứ phải bỏ rất nhiều tiền ra để làm đường, bồi thường, sau đó tiền đất 2 bên đường tăng lên, Nhà nước cũng không thu được mà phần này thuộc về những người may mắn bỗng chốc được ra mặt đường. “Đây là cơ chế cực kỳ bất công và Nhà nước nặng nề trong việc đầu tư. Nếu hiệu quả đầu tư cứ như thế này thì không biết tiền Nhà nước còn đầu tư được mấy con đường như vậy”, ông Đặng Hùng Võ băn khoăn.
Cũng theo ông Võ, ở các nước, họ dùng cơ chế góp đất và điều chỉnh đất đai, mọi người có đất ở 2 bên đường góp lại, sau đó quy hoạch lại 2 bên đường. Người mất hoàn toàn đất được bố trí tái định cư tại chỗ, người mất một phần đất, được ra mặt đường, mang lại giá trị cao hơn thì diện tích đất cũng phải thu hẹp lại tương ứng. Như vậy, diện tích đất vẫn thu xếp đủ cho những người mất đất nhiều, mất ít, đồng thời một phần đất còn lại sau khi đền bù được đấu giá để lấy tiền xây dựng con đường.
Theo ông Võ, đây là cơ chế được hầu hết các nước từ Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước trong khu vực ASEAN như Indonesia, Thái Lan, Malaysia vận hành rất tốt và họ không mất chi phí cho việc xây dựng đường quá nhiều. Thậm chí, nếu tính toán tốt, tiền thu được từ đấu giá đất có khi đủ tiền để xây con đường mới.