PV: - Tại phiên thảo luận của HĐND TP vừa qua về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp TP 2013, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cho biết: Đầu mối chạy vào công chức các quận, huyện chính là trưởng phòng nội vụ của các quận huyện. Số tiền chạy vào không dưới 100 triệu đồng một suất. Thưa ông, kết quả của thanh tra kiểm tra nêu hiện tượng chạy chức chạy quyền có số liệu được công bố như thế thì có được coi là chính xác?
ĐB Đỗ Văn Đương: - Nói như vậy nghĩa là Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã có cơ sở vì chỉ có kiểm tra mới biết được. Đây là hiện tượng tương đối phổ biến trong thực tế hiện nay, mức độ thế nào phụ thuộc vào chức vụ mà người ta muốn hướng tới.
ĐB Đỗ Văn Đương
Việc này là một nguyên nhân sinh ra nạn tham nhũng bởi khi mất tiền chạy chức, đạt được chức vụ, họ sẽ nghĩ cách để kiếm lại. Trong cơ chế thị trường hiện nay, đây gọi là một hình thức mua chức, bán quyền.
Chạy chức đã tạo ra một lớp người ngu dốt, năng lực yếu, phẩm chất tồi tệ. Những người có tài, có năng lực, phẩm chất không chấp nhận chạy chức chạy quyền thì khó có thể đứng vào vị trí tốt. Hệ quả của tình trạng này rất nghiêm trọng. Nó sẽ tạo ra một đội ngũ cán bộ công quyền thối nát, chỉ biết tham ô, hối lộ, chỉ biết vâng dạ mà không dám nói lại cấp trên, chỉ biết lo kiếm lợi cho bản thân mình.
Những người có lương tâm, có tài, có đức sẽ không đứng ra gánh vác công việc của đất nước được. Họ chỉ có thể đứng ngoài cuộc và than trời: đã hết sức phấn đấu rồi nhưng vì đồng tiền đã đặt mình ra ngoài vòng công chức.
Ông chủ nhiệm đã thẳng thắn nêu lên thực trạng chạy công chức, chứng tỏ ông ấy là một người thẳng thắn. Tôi tin tưởng có chuyện đó.
PV: - Nếu thông tin đó là có cơ sở, vậy các cơ quan chức năng có nên vào cuộc điều tra không thưa ông?
ĐB Đỗ Văn Đương: - Theo tôi, nên tiến hành điều tra. Nhưng chắc chắn việc điều tra này sẽ khó khăn và phức tạp. Bởi đây là một hiện tượng làm mục nát nền hành chính quốc gia, tạo ra một đội ngũ cán bộ công chức rất tồi nhưng nếu nói đến chứng cứ bảo người ta nộp ra thì rất khó và và việc này như một tình trạng xã hội chứ không phải là hành vi đơn lẻ.
Có lẽ sau này, trong bộ luật hình sự cũng phải quy định một tội đó là tội chạy chức, chạy quyền. Bởi vì rõ ràng ở đây có hành vi phạm tội và hành vi này không chỉ xâm phạm tài sản các cá nhân vì nó còn xâm phạm đến trật tự quản lý cán bộ công chức, làm yếu nền công vụ quốc gia, tạo nên một đội ngũ công chức ngu dốt.
PV: - Bản thân Ủy ban Kiểm tra thành ủy HN có cần phối hợp gửi kết quả điều tra tới cơ quan hành pháp để xử lý không?
ĐB Đỗ Văn Đương: - Có chứ. Nếu đúng như ông Ủy ban kiểm tra phát hiện như vậy, họ phải chuyển việc đó sang cơ quan điều tra để yêu cầu khởi tố.
Ngay trong Bộ luật hình sự đã có luật tố tụng hình sự. Khi thanh tra, các cơ quan Nhà nước kiểm tra thấy có hành vi phạm tội xảy ra trong lĩnh vực quản lý của mình, các cơ quan đơn vị mình phải chuyển cho cơ quan tố tụng, cơ quan điều tra để xử lý.
Nếu chỉ nêu hiện tượng nhan nhản nhưng chẳng ai tiếp tục điều tra cụ thể ra thì làm sao có chuyển biến được. Theo tôi, phải quyết liệt và nên bắt đầu bằng một vài trường hợp như vậy.
PV: - Ông chủ nhiệm này khẳng định là trưởng phòng tổ chức là đầu mối, vậy nên xử lý thế nào danh sách các trưởng phòng tổ chức này?
ĐB Đỗ Văn Đương: - Ông Chủ nhiệm nói như vậy chắc chắn ông sẽ có những tài liệu chứng cứ và sẽ phải chịu trách nhiệm về lời nói của ông ấy.
Chính quyền Hà Nội có quyền yêu cầu ông Chủ nhiệm ủy ban giải trình xem cụ thể danh sách đó là những ai, công tác ở địa phương nào, tên tuổi là gì, sai phạm tới đâu…?
Hoặc cho các bên đối thoại trực tiếp. Nếu không có chứng cứ thì sẽ minh oan cho những người có liên quan. Nhưng tôi tin, hành động của ông Chủ nhiệm là tốt và ông ấy có căn cứ để phát ngôn như vậy.
PV: - Với cương vị là Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông nhận xét và bình luận thế nào về thông tin này?
ĐB Đỗ Văn Đương: - Tôi rất vui mừng vì đã có người dám nói ra một sự thật như thế và tôi tin điều đó là có cơ sở. Vấn đề còn lại là các cơ quan có thẩm quyền đã sẵn sàng vào cuộc hay chưa?
Tôi thấy muốn giảm công chức rất khó, người tài thì như lá mùa thu. Nhưng người yếu năng lực, yếu phẩm chất lại nhan nhản. Lương đòi tăng cao nhưng năng lực lại kém nên bộ máy Nhà nước hoạt động kém hiệu quả.
Theo tôi, phải giảm một nửa lực lượng công chức hiện nay. Nhiều người chỉ biết chỉ tay năm ngón chứ đâu có làm được gì, thậm chí, không những không làm được lại còn phá hoại nữa.
PV: - Xin cảm ơn ông!
Khải Nguyên (Thực hiện)
Nguồn : Phunutoday