Chị Thảo (25 tuổi, ở Hà Nội) vào Bệnh viện Phụ sản Trung ương cấp cứu trong tình trạng choáng, huyết áp tụt, da xanh. Các bác sĩ đã rất bất ngờ khi phát hiện bệnh nhân chửa ở gan, khối thai đã vỡ. Sức khỏe bệnh nhân hiện ổn định, ăn uống bình thường, có thể xuất viện vào cuối tuần. Chị vẫn có thể mang thai lại nhưng cần theo dõi sức khỏe cũng như thai kỳ chặt chẽ.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Hà, Phó trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, bệnh nhân nhập viện đêm 27/6 và được chỉ định mổ nội soi để thăm dò tìm thương tổn. Kết quả phát hiện trong bụng có hơn 2 lít máu.
Kiểm tra phần phụ, các bác sĩ không thấy có thai nhưng ở trên mặt gan có rất nhiều máu cục. Bệnh viện đã mời các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức sang hội chẩn và quyết định mổ mở.
Dự kiến cuối tuần này bệnh nhân có thể xuất viện. |
Trước đó, bệnh nhân biết mình có thai, chậm kinh 21 ngày, tuy nhiên khi đó chị không biết vị trí thai ở đâu. Bệnh nhân có tiền sử chửa ngoài tử cung, một lần thai chết lưu, một lần mổ nội soi để gỡ dính vòi tử cung hai bên. Gần đây, cô có thực hiện bơm tinh trùng.
Theo bác sĩ Hà, đây là trường hợp chửa ngoài tử cung, thai nằm ở mặt sau của gan rất hiếm gặp. Thai trong ổ bụng vốn đã rất hiếm gặp, chiếm tỷ lệ 1,3% trong các trường hợp chửa ngoài tử cung. Trong đó, thai ở gan còn hiếm gặp hơn nhiều, y văn thế giới mới ghi nhận được khoảng 20 ca từ trước đến nay, tỷ lệ tử vong rất cao.
Mới đây, Bệnh viện phụ sản trung ương từng tiếp nhận một sản phụ 30 tuổi, ở Hà Nội cũng chửa ở gan. Vì khối thai chưa vỡ, nên các bác sĩ đã mổ nội soi bóc tách khối thai có kích thước 3cm, nằm ở cạnh túi mật. Sản phụ đi khám vì thấy trễ kinh một tháng, đau vùng hạ sườn. Chị cũng từng mổ thai ngoài tử cung ở vòi tử cung phải.
Chửa ngoài tử cung là một hiện tượng thai nghén bất thường. Trứng đã thụ tinh không làm tổ ở tử cung mà ở bất kỳ vị trí nào trên đường di chuyển tới đó. Khối thai có thể gặp ở nhiều vị trí khác nhau. Thai ngoài tử cung mới đầu không có biểu hiện gì đặc trưng ngoài ra máu ở âm đạo, trễ kinh và đau bụng vùng dưới. Sau khi điều trị thai ngoài tử cung, người bệnh vẫn có thể có thai lại bình thường. Tuy nhiên, nguy cơ thai ngoài tử cung tái phát có thể trên 10%.
Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo, chị em nên hạn chế nạo phá thai, giữ gìn vệ sinh tốt, nhất là trong thời gian sau sinh và cho con bú. Khi có viêm nhiễm bộ phận sinh dục nên đi khám, tránh biến chứng viêm dính tắc vòi trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau.