[justify]Thăng Long Audio Tết này tung bộ ba đĩa: Tết để yêu thương, Cổ tích thời @ và Chôn nhời. Nhìn vào dàn nghệ sĩ góp mặt trong các sản phẩm cũng không đến nỗi: Hồng Vân, Xuân Hinh, Phạm Bằng, Công Lý, Quốc Anh… Hãng phim Bình Minh có Làng ế vợ, Đại gia chân đất 4. Khán giả xem mỏi mắt cả mớ đĩa hài trên các kệ đĩa chưa chắc tìm ra nổi sản phẩm hài lòng.[/justify]
[justify]Các cửa hàng đĩa ở Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) trưng biển quảng cáo hài Xuân Hinh, cốt câu fan của nghệ sĩ này. Thực ra đó là đĩa hài Tết để yêu thương mà anh góp mặt.[/justify]
[justify]Nghe không khí xuân thế thôi, chỉ có tiểu phẩm Hàm răng của ai với Xuân Hinh và Hồng Vân, hai ca khúc Duyên tình và Nỗi niềm Thị Nở để nghệ sĩ và Thanh Thanh Hiền có đất hát.[/justify]
[justify]Có lần trả lời phỏng vấn Xuân Hinh tự tin, cứ nhìn thấy anh ra sân khấu là khán giả cười. Thời gian gần đây, nhiều tiểu phẩm hài Xuân Hinh góp mặt đã bớt duyên đi nhiều, nếu không muốn nói nhảm, nhạt.[/justify]
“Chôn nhời”, đĩa hài được kỳ vọng cứu vớt thị trường hài tết năm nay.
[justify]Hàm răng của ai là câu chuyện vợ chồng già, ông chồng móm không chịu ra ngoài, bà vợ phải dùng chiêu bắt chồng đi sắm bộ răng giả (giả vờ để quên địa chỉ nha khoa), rồi đoạt quyền quản lí răng giả.[/justify]
[justify]Thấy sặc mùi quảng cáo. Mà quảng cáo thật: Nhân vật lò dò đến một trung tâm nha khoa quốc tế ở Hà Nội, biển hiệu to đùng hiện trên màn ảnh, lại có cả sự xuất hiện của nha sĩ đứng ra đảm bảo làm cho khách bộ nhá mĩ mãn. Tiểu phẩm hơn 40 phút bói không ra mảng miếng gây cười, ngôn từ cũ và lại lôi điểm yếu hình thể ra làm thế mạnh chọc cười.[/justify]
[justify]Làng ế vợ, một sản phẩm hài khác kể câu chuyện nhóm thanh niên ở làng nọ, toàn ngọng, chột, câm cưa gái làng không được quyết bảo vệ bằng được.[/justify]
[justify]Tình huống khiên cưỡng, chọc cười ngô nghê. Rồi đến Mèo nào cắn mỉu nào, cũng Quang Tèo, Chiến Thắng góp mặt trong mô typ cũ: hai anh bạn chơi xỏ nhau khi tìm cách tán tỉnh một cô hám của.[/justify]
[justify]Đại gia chân đất cũng nối dài câu chuyện của cặp thông gia Tích-Sự (Trung Hiếu-Quang Tèo), khai thác hình ảnh hai diễn viên nữ được cho là đang nóng hiện nay. Những tứ hài không thể cũ hơn, vậy mà năm nào cũng chừng ấy thứ.[/justify]
[justify]Nhạt đã đành, nhưng quảng cáo nhiều và phản cảm tới mức khó chịu. Nhà tài trợ kim cương, đương nhiên logo treo góc màn hình cùng logo đơn vị sản xuất: Trong Tết để yêu thương là một tập đoàn trong giới xây dựng, Làng ế vợ là tên một công ty truyền thông, cung cấp phần mềm cho doanh nghiệp. Tất nhiên người xem còn chịu trận với nhiều đoạn quảng cáo xen giữa các tiểu phẩm. Có khi cứ mươi phút nội dung bị ngắt cho quảng cáo nhảy vào như trong Làng ế vợ.[/justify]
[justify]Thế còn văn minh chán. Các nhà tài trợ khác cũng không thể chịu thiệt một khi đã chi tiền. Nhà sản xuất cứ phải cố nhét tên tuổi các nhà tài trợ khắp nơi. Một địa chỉ bán đồng hồ sang trọng điềm nhiên có mặt trong nội dung Tết để yêu thương-Xuân Hinh còn giả ngơ đọc tên thương hiệu này.[/justify]
[justify]Thời buổi khó khăn, tìm được nhà tài trợ chịu chi tiền thì nhà sản xuất nào chẳng mừng húm. Họ chi tiền thì đổi lại phải được lên hình đĩa là đương nhiên. Ấy thế nhưng quảng cáo kiểu nhồi sọ này xem ra phản tác dụng, vô lí hết mức. Đạo diễn phim nông thôn Nguyễn Hữu Phần có lần từng than, nhiều lần nhận được đề nghị đưa sản phẩm vào nhưng thấy chướng lắm. Có thể đĩa hài nên các đạo diễn dễ tính hơn chăng?[/justify]
[justify]Tên một nhãn hàng thời trang công sở nằm chình ình trên cánh cửa ô tô chạy khắp đường làng. Thạch rau câu được con rể tương lai lôi trong túi ra trịnh trọng biếu ông bà nhạc. Quán nước cây đa cũng căng biển “Quán cây đa”, trên nền logo nhà tài trợ. Xe khách của một nhà xe nọ cũng tham gia “diễn xuất”.[/justify]
[justify]Tác giả kịch bản và đạo diễn còn đưa cả một hãng taxi, một nhà hàng ở Quảng Ninh tham gia ngăn chặn một vụ buôn người. Luật quảng cáo quy định rõ thời lượng, nhưng người thực hiện lách bằng chiêu lồng sản phẩm vào nội dung. Người xem nay chỉ có thể trông chờ vào lòng tốt của ê kíp làm đĩa.[/justify]
[justify]Chôn nhời, sản phẩm của đạo diễn Phạm Đông Hồng được quảng cáo rầm rộ, đang chờ ra mắt. Đây được xem là đĩa hài hiếm hoi được kỳ vọng bởi tên tuổi những người làm ra.[/justify]
[justify]Hơn nữa, vài năm gần đây những đĩa hài lấy cảm hứng từ chất liệu dân gian như Cả ngố, Không hề biết giận chiếm cảm tình ít nhiều của người xem.[/justify]
[justify]Chôn nhời là câu chuyện về một anh nông dân nghèo giả câm ở đợ cho gia đình quan chuyên ăn của đút, làm điều xấu. Vì tiêu chí tuyển người câm, nên anh nông dân nọ đành bấm bụng trút hết “nhời” vào cái chum.
Đĩa có sự tham gia của các nghệ sĩ Quốc Anh, Quang Thắng, Kim Oanh và đặc biệt nghệ sĩ U90 Phạm Bằng.[/justify]