Phiền phức từ một dấu hỏi lạc lối
Họ Nguyễn là một trong những họ đông dân nhất ở Việt Nam, từ bao đời nay người dân luôn biết chữ Nguyễn được viết bằng dấu ngã. Tuy nhiên, do sơ suất trong lỗi chính tả, một cán bộ xã chuyên làm giấy khai sinh cho người dân trong xã lại mắc một sai lầm không giống ai.
Một giấy khai sinh có họ "Nguyển"
Ông Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch xã Phú Thịnh cho biết, ông Nguyễn Hòa Khởi vào làm cán bộ Tư pháp, Hộ tịch của xã Phú Thịnh từ năm 1994 cho đến năm 2005. Trong công việc ông luôn hoàn thành tốt, không gây phiền hà gì đến ai. Cho đến khi những người dân họ Nguyễn bắt đầu thấy được sự phiền hà khi có việc dùng đến giấy khai sinh của mình.
Trong suốt hơn mười năm làm việc ở xã, mỗi lần khai sinh cho một đứa trẻ mang họ Nguyễn ông đều viết sai họ, từ Nguyễn trở thành Nguyển. Điều đặc biệt là bản thân của ông cũng mang họ Nguyễn nhưng không hiểu vì lý do gì mà ông lại có sự nhầm lẫn tai hại đến như thế.
Những đứa trẻ ra đời từ năm 1994, vào thời điểm ông Khởi nhậm chức có cha họ Nguyễn thì hầu hết đều bị ông Khởi làm giấy khai sinh sai. Lý do vụ việc không được phát hiện sớm là vì người dân khi nhận giấy khai sinh cũng không xem rõ ràng, cho đến khi con em đi học thì có trường hợp nhà trường không để ý cứ nhận bình thường, nhưng cũng có trường hợp phát hiện và yêu cầu người nhà cải chính lại.
Điều đáng nói ở đây là chỉ có giấy khai sinh của những người họ Nguyễn viết sai thành Nguyển, trong khi sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân thì lại viết đúng.
Giấy khai sinh ít khi được sử dụng hơn so với hai loại giấy tờ kia nên sự việc mới kéo dài cho đến tận bây giờ người ta mới phát hiện ra. Vị cán bộ Tư pháp kia cứ thế viết họ Nguyễn trở thành Nguyển trong suốt thời gian mình làm việc tại xã mà không biết mình đang vô tình khai sinh thêm dòng họ mới.
Ông chủ tịch xã cho biết, để sửa chữa trong giấy khai sinh người mang họ “Nguyển” cần mang giấy khai sinh của cha để chứng thực họ của mình mới được xã xác nhận rồi mang lại lên huyện để sửa đổi.
Nghe qua tưởng chừng như cũng khá đơn giản nhưng có những trường hợp lại rơi vào cảnh oái ăm, khi cả giấy khai sinh của cha và con đều viết sai Nguyễn trở thành Nguyển. Điển hình là trường hợp của em Nguyễn Thanh Danh (SN 1996) ngụ ấp Phú Ninh, xã Song Phú (thời điểm khi xã Phú Thịnh và Song Phú chưa tách xã), giấy khai sinh của em Danh được ông Khởi cấp vào thời điểm năm em sinh và bị viết sai họ thành “Nguyển”.
Tuy nhiên, sự việc được phát hiện chỉ vào mấy tháng vừa qua, khi tốt nghiệp THPT xong, em muốn thi vào một trường dạy nghề trong tỉnh, lục lại giấy tờ khai sinh của mình để nộp hồ sơ vào trường mới thì mọi chuyện mới vỡ lẽ: Họ của em trong giấy khai sinh không đúng với họ trong sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân.
Nghiêm trọng hơn, cha của Danh, ông Nguyễn Văn Ghi (sinh năm 1965) trước đây bị mất giấy khai sinh, khi làm lại cùng thời điểm với con trai nên nay trong giấy khai sinh mới của ông cũng mang họ Nguyển. Nay người con đối chứng với cha thấy giống nhau nên hai cha con ông Danh không biết kêu ai để được mang lại họ Nguyễn của mình.
Nhiều hàng xóm dọa ông Ghi nếu không đổi được họ của mình thì có nguy cơ sẽ phải đổi họ cho cả mấy đứa con trở thành họ “Nguyển”. Ông Ghi bức xúc nói: “Từ hồi nào đến giờ họ Nguyễn ai cũng biết là phải viết dấu ngã chứ có ai mang họ “Nguyển” bao giờ.
Bây giờ xã làm sai mà cha con tôi phải khốn đốn thế này. Nhà trường không chịu nhận hồ sơ của con trai tôi, không cho con trai tôi thi nếu không sửa được họ. Mấy tháng nay tôi hết lên huyện rồi xuống xã, nhưng thủ tục rườm rà quá, tôi lại ít học đâu biết gì, phải nhờ thằng cháu giải quyết, vất vả nhiều lắm mà không biết có được không nữa”.
Sau khi “cha đẻ” của dòng họ Nguyển nghỉ việc ở xã thì cũng đúng lúc những đứa trẻ được ông cấp giấy khai sinh tên tuổi bắt đầu nhập học, phiền toái nảy sinh. Từ trường hợp cha con ông Ghi, người dân trong xã lo lắng, vất vả rủ nhau lên xã xuống huyện cách nhau mấy chục cây số để sửa lại họ của mình. Nhưng không phải ai cũng được đổi do nhiều thủ tục lằng nhằng.
Đã có gia đình chấp nhận lấy họ Nguyển
Vì thiếu hiểu biết và mong muốn cho con được thi đại học một cách suôn sẻ, gia đình của anh Nguyễn Văn Cường (SN 1971), ngụ ấp Phú Hữu Tây, xã Phú Thịnh đã chấp nhận đổi hết thành viên trong gia đình thành họ “Nguyển”. Anh Cường cho biết, khi làm khai sinh cho hai đứa con thì đều được ghi đúng họ Nguyễn. Nhưng khi con gái ông là Nguyễn Thị Thúy An (SN 1995) chuẩn bị thi đại học thì sự sai sót mới được phát hiện.
Cô bé Thúy An chấp nhận mang họ “Nguyển” để kịp thi đại học.
Trước ngày thi vài ngày, để chắc chắn giấy tờ không có việc gì cản trở việc thi cử của mình, An lấy hết giấy tờ của mình và cha mẹ để so sánh đối chiếu xem như thế nào thì phát hiện họ của cha trong giấy khai sinh cũng bị viết sai thành “Nguyển”.
Trong khi lúc đó, chỉ còn vài ngày nữa là đến kì thi đại học, để tránh mọi phiền toái có thể xảy ra, cả nhà quyết định đi sửa lại giấy tờ cho đúng. Nhưng để xác minh lại chính xác họ của anh Cường thì rất phức tạp, trong khi đó tờ giấy khai sinh của anh lại bị viết sai, nếu muốn chứng minh đúng thì phải tìm giấy khai sinh của cha anh đã mất từ lâu.
Đắn đo mất mấy ngày, cuối cùng anh quyết định đổi hết họ của mình và hai đứa con trong sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân thành “Nguyển” để theo đúng với giấy khai sinh của con gái. Mất hai ngày xuống huyện, lên xã, cuối cùng anh cũng đổi được như ý muốn để con gái yên tâm thi đại học.
Với quyết định của mình, anh Cường không biết những phiền toái mà mình và con cái sau này sẽ gặp phải. “Ở Việt Nam, từ lâu họ Nguyễn dã là một họ nổi tiếng với nhiều vĩ nhân, anh hùng dân tộc. Ai cũng biết họ Nguyễn được viết bằng dấu ngã chứ không phải là dấu hỏi.
Mọi chuyện ban đầu có thể diễn ra bình thường suôn sẻ, con gái anh có thể thuận tiện khi đi thi đại học mà không vấp phải trở ngại nào, nhưng sau này khi giới thiệu tên của mình, thì anh và hai con sẽ phải kèm chú thích là họ “Nguyển” chứ không phải Nguyễn”, một hàng xóm nhận xét.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch xã Phú Thịnh cho biết thêm, vụ việc sai sót trong khâu cấp giấy khai sinh cho người dân trong xã đang được sửa chữa lại khi những ai có yêu cầu. Giải thích sự sơ suất của vị cán bộ Tư pháp, ông bảy cho biết, ông Khởi hiện đã ngoài 60 tuổi. Vào thời điểm những năm 1990, khi lực lượng cán bộ có trình độ học vấn không nhiều, vị cán bộ kia cũng không được học hành bài bản nên xảy ra sai sót.
Trong thời gian ông Khởi làm việc, do nhận thức của dân còn kém nên không ai phàn nàn về chuyện viết sai họ, nên mọi chuyện cứ thế tiếp diễn mà không được sửa chữa. “Vụ việc được phát hiện khi ông Khởi đã nghỉ việc nên cũng khó để kiểm điểm hay nhận trách nhiệm. Hiện tại chúng tôi rất mong người dân thông cảm vì sơ suất này, và sẽ hết sức tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân lấy lại họ của mình”, Chủ tịch xã Phú Thịnh cho biết.
Theo Xa lộ pháp luật