[size=6]Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh chỉ ra, nếu sự đa dạng sinh học trên Trái đất mất đi, cuộc sống nhân loại sẽ trở nên tồi tệ hơn.[/size]
Đã bao giờ bạn tưởng tượng đến cái chết, hoặc có cảm giác rằng mình có thể chết? Hẳn nguyên nhân bạn đưa ra sẽ liên quan đến áp lực từ công việc, trường lớp, các mối quan hệ xã hội…
Nói về vấn đề to lớn (nhưng khá gần gũi) hơn là Trái đất, thì một số nghiên cứu gần đây đưa ra một lý do “ghê rợn” hơn rất nhiều, đó là có khả năng Trái đất sẽ trải qua một thảm họa diệt chủng hàng loạt.
Từ những ghi chép về hóa thạch cổ xưa…
Gần đây, nhiều nhà sinh thái học thuộc ĐH York và Leeds (Anh) chuyên nghiên cứu về mối quan hệ giữa môi trường sống và các loài đã thực hiện nghiên cứu trên ghi chép hóa thạch cổ xưa.
Qua đó, họ phát hiện ra rằng theo dòng lịch sử, chúng ta đang sống trong một môi trường khí hậu có những nét tương đồng với những khoảng thời gian chứng kiến nhiều vụ diệt chủng quy mô lớn.
Những ghi chép hóa thạch là một phần lịch sử của Trái đất, hàm chứa rất nhiều thông tin từ các mẫu hóa thạch, các lớp đá, lớp băng cùng nhiều hiện tượng địa chất khác nhau. Những thông tin này khi kết hợp lại tạo nên một bức tranh chi tiết về sự sống và khí hậu trên Trái đất trong hơn 550 triệu năm qua.
Các nhà khoa học dựa vào những ghi chép hóa thạch, tiến hành so sánh sự thay đổi khí hậu qua 520 triệu năm với vụ tuyệt chủng cùng thời kỳ và những gì họ tìm được rất đáng báo động.
Theo đó, Trái đất hiện nay vẫn đang trong giai đoạn “nhà băng”- icehouse period. Khi trải qua giai đoạn này, thời tiết thuận lợi khiến đa dạng sinh học phát triển vượt bậc, khi đó có rất nhiều loài xuất hiện trong vòng tuần hoàn. Nếu hệ sinh thái đa dạng, điều này đi kèm với sự hỗ trợ phát triển, sinh sản, phân tách di truyền và tiến hóa.
Trái đất hiện nay vẫn đang trong giai đoạn “nhà băng”- icehouse period.
Nhưng khi trải qua “thời kỳ nhà kính” - greenhouse periods, đa dạng sinh học chịu ảnh hưởng khá nặng. Một hệ sinh thái thiếu đi sự đa dạng sinh học có thể dẫn đến sự biến mất trên diện rộng của rất nhiều loài khác nhau.
Theo một nghiên cứu về quần thể sinh thái học tại Anh, trong quá khứ, sự nóng lên của khí hậu toàn cầu kéo theo sự tuyệt diệt của hàng loạt sinh vật khác nhau.
… tới dự báo về cuộc đại diệt chủng của loài người
Và điều đáng lo là những vụ diệt chủng quy mô lớn trong quá khứ diễn ra trong điều kiện khí hậu tương đồng với chúng ta hiện nay. Những nhà nghiên cứu cho rằng, dựa trên những dự báo về thay đổi khí hậu, Trái đất có thể phải trải qua một cuộc đại diệt chủng khác trong vài thế hệ tiếp theo.
Sự gia tăng nhiệt độ đóng vai trò quan trọng đối với thời kỳ tuyệt chủng hàng loạt.
Tất nhiên, họ không thể khẳng định điều này vì hiện chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy hiện tượng khí hậu nóng lên tác động trực tiếp tới sự tuyệt chủng. Nhưng vẫn tồn tại những mối tương quan giữa chúng, cho thấy sự gia tăng nhiệt độ đóng vai trò quan trọng đối với thời kỳ tuyệt chủng hàng loạt.
Theo các ghi chép hóa thạch, vụ diệt chủng kinh hoàng nhất diễn ra vào 251 triệu năm về trước, trong khoảng từ giữa kỷ Permi tới cuối Đại Cổ Sinh. Trong thời kỳ này, có tới 95% các loài bị diệt vong và nguyên nhân đến nay vẫn chưa được làm rõ.
Có học thuyết cho rằng, Sao chổi đã quét trúng Trái đất, khiến nước biển mang tính acid, tạo ra những cơn mưa acid trên toàn lục địa. Giả thuyết khác lại đưa ra vấn đề núi lửa phun trào hàng loạt khiến khí gas độc ngập tràn. Tuy nhiên, đặc điểm chung giữa chúng là nhiệt độ toàn cầu trong khoảng thời gian này chắc chắn đã tăng cao.
Nhưng với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, câu hỏi đặt ra là liệu sự tuyệt diệt của các loài động vật khác có thực sự gây ảnh hưởng với chúng ta hay không? Hoặc sự nóng lên của Trái đất có khiến loài người trở thành nạn nhân tiếp theo của chọn lọc/ hay “thanh trừng” tự nhiên?
Mối nguy của sự biến mất đa dạng sinh học
Loài người đã có những bước tiến dài trong ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống. Chúng ta đi từ thời kỳ sống phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên đến nay đã có thể tự mình điều khiển, tạo ra thứ ta cần như trồng trọt, chăn nuôi.
Chúng ta cũng đã tự mình xây nhiều công trình xã hội như trường học, bệnh viện; nghiên cứu tạo ra phương tiện di chuyển như ô tô, máy bay và đỉnh cao là tàu vũ trụ. Vậy những sinh vật trong tự nhiên biến mất có ý nghĩa gì với chúng ta?
Câu trả lời là lúc này, sự "đa dạng sinh học" bị mất đi. Trái đất vốn vận hành như một cỗ máy đặc biệt phức tạp và không hề có một “bộ phận” nào là dư thừa, từ những loài vi bào nhỏ bé nhất cho đến loài người, tất cả đều góp phần giúp “cỗ máy” chạy trơn tru.
Mất đi một bộ phận, cỗ máy vẫn có thể vận hành, nhưng chắc chắn sẽ có trục trặc nhất định. Đây là vấn đề sẽ xảy ra nếu hệ sinh thái mất đi sự đa dạng sinh học - sự biến mất của nhiều loài sinh vật.
Cây trồng phát triển được là nhờ nitrogen có trong đất.
Một ví dụ cơ bản về sự đa dạng sinh học, đó là trồng trọt. Cây trồng phát triển được là nhờ nitrogen có trong đất. Nhưng nitrogen là sản phẩm được giun, vi khuẩn cùng rất nhiều sinh vật khác sống trong đất giải phóng khi phân hủy thức ăn.
Khi những vi khuẩn đặc chủng biến mất, hiển nhiên thực vật cũng không thể phát triển. Tương tự đối với hệ sinh thái biển, ít người biết rằng, biển cũng giống như đất liền, đóng vai trò hấp thụ CO2 nhờ vào các loài thực vật phù du. Vậy khi một số lượng lớn thủy sinh vật biến mất, lượng Oxy hiện nay sẽ giảm đi đáng kể.
Ngoài ra, ngay cả những công nghệ tiên tiến ngày nay vẫn chịu ảnh hưởng nhiều vào tự nhiên. Y học hiện đại phụ thuộc rất nhiều vào cây cối tự nhiên và các loài vi khuẩn. Những loại thuốc phổ biến như thuốc giảm đau, penicillin hay vaccine tiêm chủng đều phải dựa trên các chủng sinh vật tự nhiên.
Dù cấu trúc của chúng được phân tách và tổng hợp lại, nhưng đối với thuốc kháng sinh vẫn cần sử dụng vi sinh vật tự nhiên. Về tổng thể, những gì lấy được từ tự nhiên chiếm đến hơn ¼ số lượng thuốc hiện nay của chúng ta. Thêm vào đó, việc các loài sinh vật tự nhiên biến mất sẽ khiến những loại thuốc “chưa” được khám phá, chế tạo ra trở thành “không bao giờ” xuất hiện.
Ngay cả khi loài người tìm ra cách vượt qua sự mất mát của đa dạng sinh học, chúng ta chắc chắn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là về khía cạnh kinh tế. Năm 1997, những nhà nghiên cứu thuộc trường ĐH Cornell (Mỹ) đã thử tính giá trị tất cả những nguồn thu từ sản phẩm, dịch vụ do Mẹ Thiên nhiên cung cấp cho loài người, số tiền thu được lên tới 2,9 nghìn tỷ USD (khoảng hơn 60 triệu tỷ VND). Theo một nghiên cứu khác, con số này thậm chí lên tới 33 nghìn tỷ USD (khoảng gần 700 triệu tỷ VND) - một con số quá khủng khiếp.
Những dịch vụ này sẽ vẫn được duy trì dù không còn sự đa dạng sinh học. Nhưng với nguồn cung giảm đi đáng kể, do nguyên liệu đầu vào biến mất (như nitrogen lấy từ giun trong đất), loài người buộc phải tìm những nguyên liệu thay thế để có thể tiếp tục sản xuất và tồn tại. Lúc này có thể sẽ xuất hiện những cửa hàng cung cấp nitrogen cho đất, nhưng giá sẽ tăng theo tốc độ "phi mã". Điều này cũng xảy ra tương tự với các loại y dược phẩm.
Chiến tranh ắt sẽ nổ ra khi nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt.
Ngoài ra, khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, chiến tranh sẽ nổ ra và nước nào có được vũ trang “khủng” hơn sẽ giành phần thắng.
Mặc dù chưa có bằng chứng rõ ràng, nhưng có thể khẳng định, nếu sự đa dạng sinh học mất đi, nhân loại sẽ chịu tổn thất nặng nề, cuộc sống sẽ trở nên tồi tệ hơn. Nhưng hiện nay, loài người đã phần nào ý thức được sự nguy hiểm này, gấp rút tiến hành nhiều biện pháp ngăn chặn sự nóng lên của Trái đất, đồng thời bảo tồn nhiều loài sinh vật đang gặp nguy hiểm.