[size=4]Tp.HCM và Hà Nội nằm trong Top 20 thành phố có môi trường làm việc kém nhất thế giới[/size]
Tạp chí Business Week của Mỹ vừa công bố một danh sách những thành phố có môi trường làm việc kém nhất thế giới.
Tp.HCM và thủ đô Hà Nội của Việt Nam lần lượt đứng ở vị trí thứ 9 và 11 trong danh sách gồm 55 thành phố này.
Danh sách mà Business Week đưa ra được thực hiện bởi công ty tư vấn nguồn nhân lực toàn cầu ORC Worldwide, có trụ sở tại New York (Mỹ). Đáng chú ý, tất cả 55 thành phố trong danh sách này đều nằm ngoài Mỹ, Canada và Tây Âu. Tất cả đều thuộc các quốc gia và khu vực châu Phi, Ấn Độ, Trung Quốc, Đông Nam Á, Trung, Trung Đông, và Đông Âu.
Tiêu chí xếp hạng là mức độ ô nhiễm, nguy cơ bệnh tật, bạo lực chính trị, mức độ tiện lợi về hàng hóa và dịch vụ… Ngoài ra, các thành phố trong danh sách còn được phân loại theo mức độ rủi ro mà người lao động ở đó phải hứng chịu, gồm các mức rất cao, cao và trung bình.
Danh sách này không tính tới những địa chỉ có xảy ra chiến tranh hay bị cô lập, như Baghdad của Iraq, Harare của Zimbabwe, hay Bình Nhưỡng của CHDCND Triều Tiên…
Đứng đầu trong danh sách những thành phố có môi trường làm việc kém nhất này là thủ đô Lagos của quốc gia châu Phi Nigeria. Lagos được xếp vào nhóm những thành phố có mức độ rủi ro rất cao. Những vấn đề nghiêm trọng nhất ở thành phố này là cơ sở hạ tầng cực yếu kém và tội phạm nhan nhản.
Xếp thứ 9 và 11 trong danh sách, Tp.HCM và thủ đô Hà Nội của Việt Nam được các chuyên gia thực hiện danh sách đánh giá là thành phố có độ rủi ro cao.
Các vấn đề gây nhiều phiền toái nhất cho người lao động nước ngoài tại hai thành phố này cùng được ORC Worldwide cho là nguy cơ mắc nhiều bệnh tật và vệ sinh kém. Những hạn chế khác của Hà Nội là vấn đề y tế, cơ sở hạ tầng, giải trí… Trong khi đó, Tp.HCM còn bị đánh giá thấp ở các vấn đề khí hậu, ô nhiễm, và tội phạm…
Ngoài Hà Nội và Tp.HCM, chỉ có duy nhất một thành phố khác ở Đông Nam Á đứng trong top 20 này. Đó là thủ đô Jakarta của Indonesia, nơi có những hạn chế lớn nhất là ô nhiễm, vệ sinh và y tế, bạo lực chính trị, tội phạm…
Trung Quốc có tới 5 thành phố là Quảng Châu, Thiên Tân, Tô Châu, Thanh Đảo và Thâm Quyến nằm trong top 20 của danh sách, nhiều hơn bất kỳ một quốc gia nào khác. Các thành phố này đều có vấn đề nội cộm nhất là ô nhiễm môi trường.
Ấn Độ có 4 thành phố bị đưa vào top 20, gồm Mumbai, New Dehli, Chennai, và Bangalore. Tương tự như các thành phố của Trung Quốc, vấn đề “nóng” nhất tại các thành phố này mà người lao động nước ngoài tới làm việc phải đối mặt là tình trạng ô nhiễm.
* Top 20 thành phố có môi trường khắc nghiệt nhất đối với người lao động nước ngoài, theo xếp hạng của tạp chí Business Week và công ty tư vấn nguồn nhân lực ORC Worldwide:
1. Lagos, Nigeria
2. Jarkarta, Indonesia
3. Ryadh, Saudi Arabia
4. Almaty, Kazakhstan
5. Mumbai, Ấn Độ
6. New Dehli, Ấn Độ
7. Nairobi, Kenya
8. Bogota, Columbia
9. Tp.HCM, Việt Nam
10. Chennai, Ấn Độ
11. Hà Nội, Việt Nam
12. Quảng Châu, Trung Quốc
13. Thiên Tân, Trung Quốc
14. Tô Châu, Trung Quốc
15. Thanh Đảo, Trung Quốc
16. Thâm Quyến, Trung Quốc
17. Bangalore, Ấn Độ
18. Cairo, Ai Cập
19. Kiev, Ukraine
20. Santo Domigo, Cộng hòa Dominican
(Theo Business Week)
__________________