"Sáng tới 'điểm danh' tí rồi đi cà phê, trưa kéo nhau đi ăn, rồi lang thang ngắm phố phường… tới tối. Hì, ra Tết chẳng muốn làm gì, mà giờ thiên hạ họ vẫn mải đi chúc Tết, đi chơi, lễ chùa, chứ mấy ai ngồi đọc báo đâu mà phải hì hục viết. Chắc sếp mình cũng nghĩ vậy nên chả thấy nhắc nhở gì", Quyên bày tỏ.
Cô phóng viên 25 tuổi cho biết, không riêng gì cô, nhóm bạn 5 người của mình, ở các cơ quan khác nhau, cũng trong tình trạng tương tự.
"Tết đứa nào cũng về quê, bây giờ mới gặp nhau, khối chuyện để kể, ngồi hết ngày hết buổi để 'tám' vẫn chưa chán. Hơn nữa, đầu năm hứng chơi vẫn còn, hứng làm chưa có, nên không tập trung vào công việc được", Quyên nói thêm.
Những ngày đầu năm các chùa lúc nào cũng đông đúc, trong đó, không ít là nhân viên công sở. Hình ảnh tại chùa Hà lúc hơn 3 giờ chiều 9/2, tức mùng 7 Tết. Ảnh: Minh Thùy. |
Cô gái sinh năm 1984 này cho biết, công ty cô đa số là nam giới, chỉ có vài chị thì đã lỉnh về "đi chúc Tết nốt" hay đón con sớm sau bữa liên hoan buổi trưa. "Sếp với trợ lý cơ quan em đã tranh thủ đi chùa Bà Chúa Kho xin lộc rồi, nên nhân viên chả ai ở lại làm việc, mỗi người một nơi. Em vào đây mong năm nay mình khỏi lẻ loi", Xuân cười tươi kể.
Những ngày làm việc đầu tiên sau năm mới, trong khi các quán nhậu, chùa chiền, khu vui chơi… lúc nào cũng náo nhiệt thì không khí tại các công sở lại có vẻ vắng lặng.
"Cơ quan mình chỉ có đầu giờ sáng là đông đủ thôi. Mọi người thi nhau chúc tụng, kể chuyện ăn Tết ở gia đình, đi chơi. Phụ nữ thì kể khổ vì phải tất bật nấu, dọn, đàn ông cười kha kha chẳng biết cảm thông hay tảng lờ. Sau đó thì rủ nhau lên đường, đi chúc Tết các gia đình trong ban, rồi dừng chân tại một nhà nào đó làm bữa liên hoan", chị Liên, làm việc trong một viện nghiên cứu tại Hà Nội kể.
Chị cho biết năm nào cũng vậy, cơ quan chị chỉ "vào guồng" làm việc sau rằm tháng giêng. Trước đó, mọi người vẫn đến cơ quan đúng giờ, nhưng chủ yếu lại ngồi tám chuyện, đọc báo rồi về sớm hay tụ tập đi chơi. Hai ngày tới, cơ quan chị tổ chức cho nhân viên đi tham quan, lễ chùa ở Nam Định.
"Đầu năm chỗ nào cũng náo nức tổ chức đi chơi. Mình thấy như vậy cũng tốt, để mọi người phấn chấn, đoàn kết, sau đó bắt tay vào làm việc hiệu quả hơn", chị Liên cho biết.
Sau Tết, không khí xuân vẫn tràn ngập khắp nơi, nên không chỉ đi đình chùa gần nhà, nhiều người còn hối hả xin nghỉ việc để xếp lịch du xuân đầu năm.
Vừa bắt đầu đi làm được một hôm, chị Tú (Hà Đông, Hà Nội) đã viết đơn xin nghỉ phép 4 ngày để cùng chồng thăm thú Sa Pa những ngày đầu xuân.
"Nói là nghỉ Tết 8 ngày nhưng thực tế mình có được nghỉ đâu, còn mệt hơn đi làm ấy chứ. Suốt ngày quanh quẩn bếp núc nhà chồng, rồi chúc Tết những người có khi mình chẳng nhớ tên là gì… Ra Tết, thấy nắng ấm, lại nghe lại khung cảnh Sa Pa thời tiết này đẹp như tranh vẽ nên mình bắt ông xã 'bù đắp' ngay bằng một chuyến đi chơi. Công việc thì lúc nào chả như lúc nào. Mình nghỉ bây giờ thì làm lúc khác, có sao đâu", chị Tú nói.
Tham gia tour lần này cùng vợ chồng chị còn có nhiều nhóm bạn khác. "Thật ra, mình tính đi chơi từ trước Tết cơ, lên mạng rủ rê khối người muốn nhập hội. Ra Tết, đa số các chỗ đều vẫn nhàn mà", chị Tú kể.
Trong khi nhiều người vẫn còn tâm lý "tháng giêng là tháng ăn chơi" thì cũng không ít người sốt ruột vì công việc bị bê trễ.
Anh Đoàn, chủ một doanh nghiệp tư nhân về dụng cụ kim khí cho biết, công ty anh có 10 nhân viên, bắt đầu làm việc từ mùng 4 tết, nhưng đến nay, mỗi ngày chỉ có 4 người đi làm.
"Mình đau đầu vụ này mà không biết làm sao. Cô thì xin nghỉ đi lễ chùa, cậu thì xin phép về ăn mừng thọ ông lên 80… năm nào cũng như năm nào, cứ phải qua rằm tháng giêng nhân viên của mình mới đi làm đủ, trong khi đơn đặt hàng của khách thì có từ trước Tết, cần phải làm ngay", anh Đoàn than.
"Bây giờ, mình chỉ mong Tết một ngày thôi, rồi sau đó mọi người ăn Tết, chơi Tết cố gắng trong vòng một tuần để tập trung vào công việc cho hiệu quả, chứ cứ rềnh rang thế này, oải lắm", anh nói thêm.
3ahhyes3