Thuốc Denausal - có chỉ định điều trị viêm mũi dị ứng và cảm cúm thông thường, do Công ty CP dược Vacopharm (Long An) sản xuất - bị thu gom về chiết tách lấy lại tiền chất PSE để tổng hợp thành ma túy “đá” - Ảnh cơ quan công an cung cấp
Năm tháng đầu năm 2012, lực lượng công an nhiều địa phương liên tục phá vỡ các ổ sản xuất ma túy tổng hợp có tên Methamphetamine (còn gọi là ma túy “đá”) và bắt giữ hàng chục đối tượng. Ðiều đáng nói, “nguyên liệu” chính để sản xuất ma túy “đá” lại là các thuốc trị viêm mũi dị ứng, cảm cúm thông thường.
Nhiều ổ sản xuất ma túy
Ổ sản xuất ma túy “đá” gần đây nhất do Công an Q.Thanh Xuân (Hà Nội) triệt phá vào ngày 13/5/2012 do Vũ Ðình Hải cầm đầu. Tại đây, Công an Q.Thanh Xuân đã thu giữ hơn 58g ma túy “đá” vừa được các đối tượng sản xuất, 72g tiền chất PSE, ba can nhựa, nhiều vỏ thuốc cảm cúm Glotifed (Công ty cổ phần dược phẩm Glomed sản xuất) được Hải tách lấy tiền chất PSE có trong thuốc đem sản xuất ma túy.
Trước đó ngày 10/5, tại huyện Ðức Hòa (Long An), cơ quan công an cũng bắt giữ bốn đối tượng sản xuất ma túy “đá”, đều ngụ ở Q.Bình Tân (TPHCM). Khi khám xét nơi sản xuất, cơ quan công an thu giữ rất nhiều bao bì, vỏ vỉ và thuốc viên Denausal (Công ty CP dược Vacopharm, Long An sản xuất) bị lột ra khỏi vỉ.
Hơn một tháng trước, ngày 30/3, Công an Nghệ An bắt quả tang Lê Thanh Hải (P.Quang Trung, TP Vinh) và đồng bọn đang sản xuất ma túy “đá”. Cơ quan công an đã thu giữ 1,2kg ma túy “đá”. Hải và đồng bọn chiết tách PSE có trong các thuốc Ameflu (Công ty CP dược phẩm OPV sản xuất), thuốc Tiffy (Công ty TNHH liên doanh Thai Nakorn sản xuất) để lấy nguyên liệu sản xuất ma túy “đá”.
Năm 2011, lực lượng công an cũng phá vỡ hai ổ sản xuất ma túy “đá” lớn ở Thanh Hóa và Thái Bình.
Cụ thể, điểm sản xuất ma túy tổng hợp quy mô lớn tại xã Thọ Dân (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) do vợ chồng Lê Sĩ Thiệu và Lê Thị Thanh cầm đầu bị cơ quan công an đánh sập ngày 9/7/2011. Cơ quan công an đã thu giữ 40g thành phẩm dạng Methamphetamine, một số chai đựng bán thành phẩm Methamphetamine dạng kết tủa, hơn 90kg thuốc Tiffy đã được bóc rời, chín thùng thuốc Tiffy còn nguyên đai, một bảng công thức để chiết xuất tân dược thành ma túy cùng nhiều dụng cụ phục vụ việc chưng cất ma túy tổng hợp và nhiều loại hóa chất làm phụ gia trong quá trình sản xuất ma túy tổng hợp.
Ngày 15/5/2011, Công an tỉnh Thái Bình phát hiện thu giữ 200 lít tiền chất PSE do đối tượng Nguyễn Ðức Chơm chiết xuất từ hàng nghìn viên thuốc cảm cúm Tiffy để sản xuất ma túy “đá”, thu giữ hơn 20 lít dung dịch Methamphetamine, các hóa chất và một số phương tiện dùng để sản xuất ma túy “đá”.
Các loại thuốc Ameflu (Công ty dược phẩm OPV sản xuất), Tiffy (Công ty TNHH liên doanh Thai Nakorn sản xuất) từng được các đối tượng sử dụng để chiết tách chất pseudoephedrine (PSE) - nguyên liệu sản xuất ma túy “đá” - Ảnh: Thuận Thắng
Quản lý lỏng lẻo
Trong khi các đối tượng sản xuất ma túy “đá” dễ dàng thu gom nhiều loại thuốc cảm cúm có chứa tiền chất PSE để sản xuất ma túy “đá” thì Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) - cơ quan được giao quyền quản lý việc nhập khẩu, mua bán tiền chất cũng như quản lý các thuốc thành phẩm có chứa tiền chất - lại cấp phép nhập khẩu, mua bán tiền chất gia tăng bất thường cho một số công ty dược.
Một báo cáo đầu tháng 8/2011 của Cục Quản lý dược về công tác quản lý thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc cho thấy tính đến tháng 7/2011, cục này đã cấp 116 số đăng ký thuốc có chứa tiền chất PSE cho 38 công ty trong nước.
Trong đó có 23 số đăng ký có quy cách đóng gói dạng chai, lọ từ 200-1.000 viên/chai. Cục Quản lý dược còn cấp 24 số đăng ký cho thuốc nước ngoài (chủ yếu là thuốc của các nước châu Á) có chứa PSE nhập khẩu vào VN. Cả năm 2010, Cục Quản lý dược duyệt dự trù cho các công ty nhập hơn 19,7 tấn tiền chất PSE, nhưng chỉ trong sáu tháng đầu năm 2011 đã ký duyệt hơn 24 tấn!
Về việc sản xuất thuốc thành phẩm có chứa tiền chất PSE, theo báo cáo nói trên, trong năm 2010 các công ty dược trong nước sản xuất gần 563 triệu viên và trên 1,2 triệu chai thuốc có tiền chất này, chưa kể 25,6 triệu viên thuốc có tiền chất PSE được nhập khẩu. Tuy nhiên chỉ sáu tháng đầu năm 2011, các công ty trong nước sản xuất hơn 481,1 triệu viên và 681.331 chai. Về thuốc ngoại cũng có 11,8 triệu viên và 30.000 chai thuốc các loại khác có tiền chất PSE được nhập khẩu.
Một chuyên gia trong ngành dược phân tích: nếu cộng cả thuốc nội và thuốc ngoại có chứa PSE trong năm 2010 (chưa kể trên 1,2 triệu chai thuốc có chứa tiền chất) chia cho đầu người dân VN (hơn 80 triệu) thì bình quân mỗi người - dù bệnh hay không bệnh - phải uống hơn 7 viên thuốc có tiền chất PSE. Cũng theo cách tính này, chỉ sáu tháng đầu năm 2011, bình quân mỗi người dân VN phải uống hơn sáu viên.
Báo cáo của Cục Quản lý dược thống kê cho thấy những công ty sản xuất thuốc có chứa PSE nhiều là Công ty CP dược phẩm OPV: năm 2010 sản xuất 40,7 triệu viên, sáu tháng đầu năm 2011 sản xuất hơn 171 triệu viên, gấp hơn bốn lần so với cả năm trước. Công ty BV Pharma năm 2010 sản xuất hơn 10,7 triệu viên nhưng sáu tháng đầu năm 2011 số lượng sản xuất là hơn 67,2 triệu viên, gấp gần sáu lần. Công ty TNHH LD Thai Nakorn năm 2010 sản xuất hơn 108 triệu viên, sáu tháng đầu năm 2011 sản xuất gần 31 triệu viên…
Tại hội thảo “Tăng cường công tác kiểm soát tiền chất trong tình hình mới” vừa qua ở TP Nha Trang do Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) tổ chức, nhiều ý kiến cho biết gần đây tại VN xuất hiện loại ma túy tổng hợp được chiết xuất từ các loại tiền chất thiết yếu sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp và y tế.
Năm 2011, lực lượng công an đã phát hiện, thu giữ hàng trăm nghìn viên ma túy tổng hợp cùng nhiều tang vật liên quan. Các ngành chức năng mới chỉ kiểm soát được ở khâu nhập khẩu tiền chất. Còn hoạt động mua bán tiếp theo của các đơn vị, cá nhân và đường đi cũng như mục đích sử dụng các loại tiền chất vẫn chưa kiểm soát được.
Cần quản lý chặt thuốc có tiền chất PSE Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung, chủ tịch Hội Tai mũi họng VN, giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TPHCM, bệnh nhân bị mắc một trong các bệnh cảm cúm, sổ mũi, viêm mũi có thể dùng thuốc có chứa PSE. Tuy nhiên, do thuốc cảm cúm có chứa PSE là thuốc mua không cần đơn nên có thể bị sử dụng để tổng hợp thành Methamphetamin thay thế các loại thuốc phiện, cần sa, heroin; lạm dụng để giảm cân… Ðể ngăn chặn việc sử dụng sai mục đích, theo PGS Ngọc Dung, những cơ quan liên quan cần có biện pháp quản lý việc xuất nhập khẩu nguyên liệu PSE cũng như các khâu sản xuất, phân phối thuốc có hoạt chất trên. Nếu việc quản lý mua bán thuốc cảm cúm có PSE không tốt thì nguy cơ bị đối tượng xấu lợi dụng thu gom để sản xuất ma túy tiếp tục xảy ra. Hiện nay nhiều nước đã không còn sản xuất thuốc cảm cúm, viêm mũi, viêm xoang chứa tiền chất PSE mà đã thay bằng Phenylephedrin có tác dụng điều trị tương tự. Một giảng viên khoa dược của Ðại học Y dược TPHCM nhận xét các quy định về quản lý thuốc này của Bộ Y tế chưa chặt chẽ, đối tượng xấu rất dễ dàng thu gom để chiết tách PSE có trong thuốc rồi tổng hợp thành ma túy \"đá\". Tình trạng này đã ở mức báo động \"đỏ\" và Bộ Y tế cần rà soát lại toàn bộ quy trình quản lý, từ khâu cấp phép nhập khẩu tiền chất PSE đến khâu sản xuất, kinh doanh thuốc thành phẩm. Bộ Y tế cũng cần cấm hẳn việc sử dụng PSE để sản xuất thuốc cảm cúm như nhiều nước đã làm. |