Sinh ra và trưởng thành tại vùng quê nghèo Tiên Cầu (Hiệp Cường, Kim Động, Hưng Yên), chất “quê” không chỉ thấy được ở dáng hình, khuôn mặt nghệ sĩ hài Dương Đức Hiệp (sinh năm 1977) mà còn lẫn ở trong tính cách cho đến các vai diễn của anh trong những tiểu phẩm hài.
Câu nói “Tôi sinh ra từ nông thôn, mẹ tôi là nông dân”(*) đã trở thành lời cửa miệng khi Hiệp “gà” kể về bản thân mình. Tuổi thơ của Hiệp dường như thiếu niềm vui. Mỗi lần nhớ về, tâm trí anh in đậm những sáng tinh sương trở dậy để bắt đầu một ngày làm việc cực nhọc, bữa cơm ăn không đủ no, những mảnh đạn còn găm trong người cha, giọt nước mắt của mẹ…
“Cái nghèo đã ngấm vào máu, lặn vào trong những giấc mơ và chan đầy nước mắt của anh em tôi, trở thành động lực để tôi lao động không mệt mỏi”, Hiệp từng tâm sự. “Tôi là anh cả, gánh vác tất cả những công việc đồng áng. Tôi là một nông dân giỏi. Ngày nào tôi cũng quần quật từ 3 giờ sáng đến 12 giờ trưa với công việc nhà nông”. Và đến cả cái dáng cao lêu đêu gầy gò kiểu “cò hương” của Hiệp, theo lời kể của anh, cũng từ tuổi thơ nhọc nhằn mà ra.
Thế nhưng, những khó khăn đong đầy buồn bã ấy làm sao có thể mang cho Hiệp tính hài, giúp anh cười và làm được cho người khác cười? Tôi thắc mắc. Hiệp bảo, thực ra bố anh là người rất mê văn nghệ. “Chất văn nghệ ngấm vào trong máu”. Thời được bổ nhiệm làm trưởng ban văn hóa xã, ông hay tập văn nghệ cùng bà con lối xóm. Không những thế, vốn tính hài hước, bố Hiệp hay kể chuyện tiếu lâm. Nhờ vậy, Hiệp cũng ảnh hưởng chất “nghệ” và khiếu hài. Anh được bố mẹ cho học trống và guitare bass, cùng bố tham gia các chương trình văn nghệ quần chúng làng xã. Khi học lên cấp 3, Hiệp hoạt động văn nghệ sôi nổi ở trường lớp. Do đó, anh có được sự dạn dĩ, tự tin khi biểu diễn trước nhiều người.
Năm 1996, không nghĩ suy nhiều, Hiệp chọn hai trường nằm trong khả năng: Nhạc viện Hà Nội và Đại học Sân khấu Điện ảnh. Hồi ấy, trong tâm trí Hiệp, hình ảnh về nghề diễn viên, ca sĩ hiện lên như “thánh, thần”. Dầu chẳng biết gì về thông tin thi cử nhưng Hiệp vẫn cứ đăng ký trước. “Từ từ rồi tìm hiểu sau”, Hiệp nghĩ vậy. Hành trang của Hiệp là mớ thông tin thu lượm từ bạn bè, người quen để rồi “tấp tểnh lên thủ đô ứng thí”, đến lúc nghe ngóng biết từ hơn 5.000 thí sinh chỉ lấy 12 người, Hiệp tá hỏa. Khi nghĩ về mình - một thanh niên “nhà quê nghèo, chân đất mắt toét” - đứng giữa bao nhiêu trai thanh gái lịch, ước mơ làm diễn viên của Hiệp gần như sụp đổ. Thôi thì cứ “nhắm mắt làm liều”, “đã phóng lao thì phải theo lao”, coi như lần thi này là cơ hội để lấy thêm kinh nghiệm.
Trước ngày thi một ngày, Hiệp lén lên xem thí sinh người ta thi cử thế nào. Nhìn thấy sân khấu, “máu nghệ” nổi, chỉ muốn nhảy ngay lên sân khấu mà hát, mà diễn như những ngày còn ở quê đứng trước bao người “chân chất quê kiểng giống như mình, vừa gần gũi vừa thân thương”. Đến ngày thi, khác với các thí sinh khác chuẩn bị cẩn thận kỹ càng, ngoài khả năng có sẵn và một bài thơ, một bài hát thuộc làu trong đầu, Hiệp không mang theo bất cứ đạo cụ hay nhờ cậy bạn phụ diễn. Ban giám khảo bảo hát thì hát, bảo diễn gì thì diễn nấy. Lúc thi, thấy Ban giám khảo và các thí sinh cười nghiêng ngả, Hiệp thầm nghĩ, “thể nào cũng đạt điểm cao”. Hiệp tự tin đến độ, bỏ thi Nhạc viện Hà Nội và các trường cao đẳng (phòng bị cho việc trượt đại học), thi xong bên trường Sân khấu Điện ảnh là lên xe đò về quê chờ… kết quả. May mà đỗ thật!
Việc Hiệp đỗ đại học, lại là trường Sân khấu Điện ảnh hẳn hoi, trở thành sự kiện của cả làng. Hiệp sung sướng lắm, nghĩ rằng, hẳn mình… đẹp trai lắm mới đậu được vào trường ấy. Thế mà, ngày đầu tiên đặt chân đến trường nhập học, trước lớp, NSƯT Ngô Xuân Quyền chỉ vào Hiệp nói: “Tôi là người bảo vệ cho anh vào lớp. Anh là diễn viên xấu nhất miền Bắc mà tôi biết.” Nghe xong câu ấy, Hiệp đỏ bừng mặt vì xấu hổ. Anh ấm ức lắm, nghĩ rằng hẳn thầy đang chê mình là “thằng nhà quê” và giận thầy là người “phân biệt đối xử”. Về sau, Hiệp mới hiểu thầy quan tâm đến mình, đưa mình vào các vai diễn tính cách, trong đó có vai hài.
Khó khăn đầu tiên của Hiệp trong quá trình học tập là nói ngọng. Mất một năm tập luyện gian khổ tiếng nói sân khấu (sáng dậy sớm hoặc trước khi đi ngủ mắc chân lên tường, cửa sổ tập cơ bụng) mới theo kịp các bạn trong lớp và nói đỡ ngọng hơn. Khó khăn tiếp theo là tài chính, cha mẹ ở quê vốn nghèo, dành dụm được 160 ngàn cho Hiệp mang đến trường nhập học thì anh bị bạn vay rồi lặn mất tăm, không trả. Vì thế, thời sinh viên, Hiệp vừa học vừa đi bốc vác. Đêm đêm, đi dọc phố Mai Dịch hỏi xin làm thuê. Có đêm về trắng tay, đêm khác được vài ngàn, thảng hoặc cũng kiếm được hai mươi đến ba mươi ngàn. Ít ỏi thế, nhưng cũng đỡ được tiền ăn, tiền tiêu cho ngày sau.
Quen với nếp sống thành thị hơn, thi thoảng mượn được xe máy của thằng bạn vào ký túc xá “tán gái”, Hiệp lại làm mấy cuốc xe ôm. Sau khi chuyển sang làm bồi bàn, MC cho các quán cà phê, dần dà, Hiệp biết cách kiếm tiền bằng nhiều phương thức khác. Đang học năm thứ hai, cậu em thứ đỗ Nhạc viện Hà Nội, theo chân anh cả lên thủ đô, hai anh em lại dựa vào nhau kiếm sống, tằn tiện từng đồng để mong ngày tốt nghiệp. Cậu em út học xong lớp 12, không còn cách nào khác, Hiệp và cậu em thứ thuyết phục cậu út đi bộ đội: “Khi nào em về, bọn anh lo cho học tiếp”. Sau hai năm theo nghiệp binh, giải ngũ về, cậu út thi đại học, đậu vào khoa Quản lý trường ĐH Văn hóa.
Hiệp khoe anh là người luôn gặp may, vừa ra trường đã được tuyển ngay vào Nhà hát Tuổi Trẻ. Đến với sân chơi Gặp nhau cuối tuần, sau vai diễn Mân “gà” - một anh nông dân chân chất nhà quê ước mơ làm ngôi sao (khá giống với con người Hiệp thời trẻ), - anh có được nghệ danh Hiệp “gà” và từ đó nghệ danh này ăn sâu, lan rộng trong công chúng yêu hài. Đến khi sống trong trại giam, Hiệp nhận được sự giúp đỡ của ông phó giám thị (bỏ tiền túi mua đàn và bộ dàn âm thanh để giúp anh lập đội văn nghệ), sự ủng hộ của anh em cùng trại… Cũng vì thế, ít ai đi cải tạo mà được báo chí theo sát, viết bài nhiều như đối với Hiệp. Anh ở trại giam ra sao, sinh hoạt thế nào, đến nhu cầu tình cảm, vật chất riêng tư đều có mặt trên… báo. Chỉ tiếc một điều, Hiệp từng tự mình làm mất đi nhiều may mắn mà cuộc đời, lòng người mang lại cho anh.
Ngồi trước tôi, phía bên kia bàn tròn nhỏ, trên ghế tựa cao lêu đêu, Hiệp “gà” trông gầy hơn rất nhiều từ sau ngày ra trại. Làm quần quật trong vòng 3 tháng với hơn 70 buổi diễn khiến anh sút đến 5kg. Sau Tết, thi thoảng ngồi với vài bạn diễn của Hiệp uống cà phê và “buôn dưa lê”, lại thấy họ nhấc máy, gọi điện cho Hiệp bàn về vai diễn này, vở diễn kia. Cũng có khi “bầu sô” mời tham gia chương trình, diễn viên hài của Gặp nhau cuối tuần xưa nhắn nhủ ngay nên mời Hiệp “gà” vào vai này, vai nọ… Lúc đó, thấy Hiệp hạnh phúc vì luôn có kẻ thương, người giúp ở phía sau, mặc dù có khi họ không còn tin hẳn vào những lời nói của Hiệp: “Nếu có nghe cậu ta, thì nhớ trừ đi ít nhất là 40%”. Cũng vì “nói dối nhiều quá đâm tưởng mình nói thật” nên không ít các bạn báo chí từng bênh vực Hiệp (sau “vụ” bị nhà hát Tuổi trẻ “mời” ra khỏi đoàn) đã cay đắng, ngậm ngùi khi biết thông tin Hiệp bị bắt vì tàng trữ ma túy và nghiện.
Hiệp bảo, anh đang gắng hết sức để sửa lỗi, để lo cho con và bù trừ bớt thiệt thòi của vợ… Tôi mong có thể tin đó là lời nói thật. Thời gian luôn là câu trả lời chân thành.
(*) Trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp.
Việt Quỳnh