Chanchan, một người dùng trên Douyin, phản đối việc tài khoản mình bị xóa vì đăng tải hình ảnh sống ảo tại cửa chùa, theo Sixth Tone. Đáp lại tranh cãi, cô cho biết mình chỉ chia sẻ những công việc thường ngày với hơn 300.000 người theo dõi.
"Sau khi lượng fan tăng lên, tôi đã giới thiệu và quảng bá các sản phẩm tôi thích cho cộng đồng mạng, điều mà tôi nghĩ là hợp lý và chính đáng", người này dùng một tài khoản Douyin khác để lên tiếng.
Cô gái xách túi hiệu, ăn mặc cầu kỳ chụp ảnh check-in tại cửa chùa, khoe bộ móng ghi chữ thư pháp. Ảnh: Sixth Tone.
Xuất hiện vào đầu năm nay, những cô gái theo trào lưu sống ảo nơi cửa chùa được gọi là Phật Viên, theo South China Morning Post.
Mẫu số chung ở các bức ảnh là chủ nhân của nó ăn mặc sang chảnh, hở hang, xách túi đắt tiền và check-in các địa điểm tôn giáo hoặc đi kèm với những hoạt động khác thiền định, uống trà hoặc viết thư pháp.
Sau khi thu hút đủ sự chú ý trên mạng, những cô nàng này chuyển sang bán quần áo, đồ trang sức, mỹ phẩm qua trang cá nhân.
Nổi lên một thời gian, phong trào này bị nhiều người dùng mạng chỉ trích là lố bịch, lợi dụng chùa chiền để thu hút sự chú ý và kiếm tiền.
Hình ảnh các cô gái sống ảo ở chùa, lợi dụng tôn giáo để bán hàng trên mạng xã hội Trung Quốc. Ảnh: Global Times.
Trong khi đó, những phụ nữ sùng đạo cảm thấy trào lưu "sống ảo" nơi cửa chùa là sự xúc phạm nặng nề tới họ. Cô gái 22 tuổi họ Zhang, vốn là người tu tập tại chùa, nói với Sixth Tone rằng những bức ảnh các hot girl chụp hoàn toàn không có tính trang nghiêm.
"Khi tôi gặp phải những tình huống khó khăn hay phiền lòng, tôi sẽ đến chùa và tìm lại cảm giác thanh tịnh. Tôi và bạn bè không chụp những bức ảnh giống họ chỉ vì trông chúng đẹp khi lên hình", Zhang nói.
Sau loạt phản đối, các cơ quan truyền thông Trung Quốc và một loạt nền tảng mạng xã hội đã mạnh tay dẹp bỏ những nội dung kiểu này.
Ngày 23/9, nền tảng video ngắn Douyin đưa ra thông báo xử phạt 48 tài khoản liên quan đến sử dụng hình ảnh Phật Viên để tiếp thị sai lệch, quảng cáo bán hàng. Trong đó 7 tài khoản bị cấm vĩnh viễn, 148 video bị xóa.
Trên Kuaishou, một nền tảng phát trực tiếp khác, mọi từ khóa liên quan đều đã biến mất. Xiaohongshu, một ứng dụng tương tự Instagram, đã xóa 70 bài đăng và cấm 3 tài khoản.
Cả 3 nền tảng trên đều đưa ra cảnh báo người dùng không đăng tải hình ảnh, video liên quan đến tôn giáo với mục đích quảng cáo, kiếm lời.
"Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Không thể kinh doanh lâu dài theo cách này. Hãy sống thật với con người bạn", một cảnh báo trên Kuaishou viết.
Trong khi đó, tờ Nhật báo Người lao động của Trung Quốc mỉa mai các hot girl là "một nhóm phụ nữ đầy ham muốn vật chất".
Còn Đài truyền hình nhà nước CCTV gọi các sao mạng theo phong trào này là nhóm người có "lòng tham khó lấp đầy".
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc mạnh tay xóa bỏ các hành vi bị cho là xấu xí của giới trẻ trên Internet. Những người nổi tiếng hoặc sao mạng nào bị đánh giá là "đạo đức xấu" hoặc "văn hóa thấp" thuộc nhóm ảnh hưởng nhất.
Trong tháng này, Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia đã ban hành chỉ thị nói rằng ngành công nghiệp giải trí nên chống lại cám dỗ phô trương sự giàu có, truyền bá chủ nghĩa vật chất và thổi phồng mức độ kinh doanh thành công của người khác.