Rắn là một sinh vật mang tính biểu tượng cao với nhiều ý nghĩa khác nhau trong từng nền văn hóa. Được tôn sùng ở nhiều đất nước với các tín ngưỡng khác nhau, tầm quan trọng của loài "bò sát không chân" này đối với nhận thức cuộc sống và thế giới quan của con người là không thể chối cãi.
Chúng ta hãy cùng điểm qua một số phong tục ở các quốc gia tôn thờ loài rắn dưới đây.
1. Thần rắn Naga ở Campuchia
Trong tiếng Phạn, Naga có nghĩa là rắn hổ mang. Loài rắn hổ mang thường có những chiếc răng sắc nhọn ẩn chứa nọc độc đủ để giết chết một con voi lớn. Rắn hổ mang còn tượng trưng cho thần Shiva tối cao nắm giữ trong tay sự hủy diệt.
Hình tượng Naga gắn liền với truyền thuyết về sự khai sinh của đất nước được gọi là Campuchia ngày nay. Theo đó, nhà vua đầu tiên sáng lập Campuchia đã đến nơi này và đem lòng yêu công chúa Naga. Sau khi vượt qua nhiều thử thách, nhà vua cưới được công chúa và họ cùng nhau trị vì vương quốc. Những người Khơme sau này được coi là con cháu của họ.
Theo quan niệm của con dân xứ Angkor, rắn 3 đầu tượng trưng cho thiên - địa - nhân, 5 đầu theo thuyết ngũ hành kim - mộc - thủy - hỏa - thổ, thần Naga 7 đầu tượng trưng cho sự đắc đạo trong tu hành và 9 đầu chính là con đường dẫn lên thiên đàng.
Rắn thần 9 đầu Naga có thể được nhìn thấy trên nhiều công trình điêu khắc, các bức tượng ở những ngôi đền, tháp cổ Khơme. Những người dân Khơme thậm chí còn mai táng một con rắn độc cùng với quan tài người chết với đức tin rằng, thần rắn sẽ bảo hộ linh hồn người chết khi sang thế giới bên kia.
2. Rắn thần Quetzalcoátl tại Mexico
Rắn thần Quetzalcoátl là biểu tượng được tôn trọng nhất trong thần thoại Mexico. Với cái tên có nghĩa là “con rắn mang lông chim”, Quetzalcoátl là hình tượng trung tâm trong các điện thờ cổ của người Aztec.
Quetzalcoátl là vị thần tạo ra ranh giới giữa Trái đất và bầu trời, góp phần lớn vào sự sáng tạo ra loài người.
Qua nhiều nền văn hóa và lịch sử, có nhiều truyền thuyết khác nhau về nguồn gốc của thần Quetzalcoátl. Theo đó, Quetzalcoátl là một trong số 4 người con của hai vị thần Ometecuhtli và Omecihuatl, ông là vị thần của ánh sáng, sự tha thứ và gió. Ông được coi là vị thần sáng tạo ra sách, lịch, đôi khi lại là biểu tượng cho cái chết và sự tái sinh.
Hình tượng rắn thần lông chim đã trở thành một đối tượng thờ cúng và biểu tượng về thời gian trong nền văn hóa Aztec. Không chỉ là một biểu tượng thần thánh bên trong các đền thờ cổ, người Aztec còn coi rắn như một vị thần bảo vệ gia đình và nuôi chúng trong nhà.
3. Rắn cầu vồng ở Úc
Hình tượng rắn cầu vồng là một mô-típ khá phổ biến trong nghệ thuật và thần thoại của thổ dân Úc. Cái tên này xuất phát không phải từ một con rắn thực sự với bộ da nhiều màu.
Sự thật, nó là biểu trưng của dòng nước uốn lượn qua vùng đất được Mặt trời chiếu sáng, tán xạ nhiều màu sắc như cầu vồng. Rắn cầu vồng được coi như một thực thể tâm linh lâu đời, cai quản tài nguyên quý giá nhất của cuộc sống: nước và dầu.
Truyền thuyết về rắn cầu vồng thường được lồng ghép vào những câu truyện kể cho trẻ em trước giờ đi ngủ. Đó là câu chuyện về thời đại Trái đất còn rất hoang sơ, cằn cỗi. Lúc này, rắn cầu vồng đã từ phía dưới mặt đất nhô lên, đẩy đất đá lên và tạo ra những rặng núi lớn, hẻm và dãy núi của Úc bây giờ.
Tuy câu chuyện được kể khác nhau tùy môi trường sống của các bộ lạc châu Úc nhưng rắn cầu vồng luôn được biết đến là một người bảo hộ nhân từ với người dân, đồng thời trừng phạt nghiêm khắc những kẻ tội đồ.
Nhiều thần thoại về rắn cầu vồng đều gắn liền với các yếu tố như đất, nước, cuộc sống, các mối quan hệ cộng đồng và khả năng sinh sản. Tại phía Bắc Úc, hình tượng rắn ngũ sắc còn được gắn với lễ trưởng thành.
Còn có rất nhiều đất nước khác cũng mang tín ngưỡng thờ phụng loài rắn như hình tượng rắn phổ biến trong nền văn minh Ai cập cổ đại, rắn xuất hiện nhiều bên cạnh các vị thần Hy lạp cổ…
Có thể nói, rắn là một biểu tượng mang tính toàn cầu, hết sức phổ biến và biến hóa đa dạng tùy theo từng tôn giáo, quốc gia khác nhau. Nó là một loại động vật quan trong không chỉ trong hệ sinh thái tự nhiên mà còn trong hệ thống văn hóa và đức tin của con người.