Chuyện shock 2012-02-10 12:57:13

Huyền thoại Lý Tiểu Long: Và những kỳ án


[size=4]Huyền thoại Lý Tiểu Long: Cái chết bí ẩn[/size]



39 năm trôi qua từ khi từ giã cõi đời, Lý Tiểu Long vẫn là tượng đài sừng sững trong tâm trí khán giả mê điện ảnh và võ thuật.

Đột ngột từ trần

Kênh truyền hình nổi tiếng NAT GEO đang khởi chiếu bộ phim tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Lý Tiểu Long (Bruce Lee). Gần 4 thập niên trôi qua, dư luận - đặc biệt là Hồng Kông và châu Á - vẫn chưa thể nguôi ngoai và chấp nhận nguyên nhân ngôi sao điện ảnh này chết vì đột tử do quá mẫn cảm với thuốc an thần.

Ngày 20.2.1973, mẹ Lý - bà Grace Lee - gặp con trai tại Los Angeles (Mỹ). Như điềm dữ được báo trước, Lý thổ lộ với mẹ rằng anh chẳng thiết sống nữa. Bà phì cười rồi nghĩ con trai chỉ nói nhảm do áp lực công việc quá nhiều.

“Nếu có chết vào ngày mai, tôi sẽ không hề hối tiếc. Tôi đã thực hiện được tất cả mong muốn. Không thể đòi hỏi cuộc sống này những gì hơn thế” - Lý Tiểu Long

Giữa tháng 7.1973, Lý Tiểu Long luôn phàn nàn về chứng nhức đầu ngày một thường xuyên hơn. Ngày 20.7.1973, vào lúc 14 giờ, nhà sản xuất phim, đồng sáng lập hãng Gia Hòa (Golden Harvest) - Raymond Chow - đến nhà Lý ở Hồng Kông để bàn về kế hoạch quay bộ phim Tử vong du hí (Game of the Death). Linda Lee (vợ Lý) tạm biệt hai người rồi ra khỏi nhà lo công việc. Chow cùng Lý sau đó sang nhà ngôi sao điện ảnh Đài Loan Đinh Phối (Betty Ting Pei) để nói chuyện về vai diễn của cô trong Tử vong du hí. Khi đang nói chuyện, đến khoảng 18 giờ cùng ngày, Lý bỗng than bị đau đầu và nhờ Đinh Phối tìm giúp thuốc giảm đau. Cô đưa anh vỉ thuốc Equagesic. Sau đó, anh nằm nghỉ ngơi tại căn hộ của cô trong khi Chow ra về.

21 giờ ngày 20.7.1973, Chow nhận được cú điện thoại từ Đinh Phối. Giọng hoảng hốt, cô báo rằng Lý bất tỉnh dù cô ra sức đánh thức. Đinh Phối đã gọi bác sĩ riêng Eugene Chu. Sau hồi sơ cứu, vị bác sĩ này tức tốc đưa Lý vào Bệnh viện Queen Elizabeth, nhưng đã quá muộn.

Mấy mươi năm sau, trả lời phỏng vấn trên kênh NAT GEO, Đinh Phối xác nhận Lý chết vì quá mẫn cảm với loại thuốc giảm đau Equagesic, dẫn đến hiện tượng phù não - một trường hợp cực kỳ hiếm gặp trong y học. Thông tin này được các bác sĩ khám nghiệm tử thi của Hồng Kông, Anh, Úc và New Zealand xác nhận sau cuộc điều tra của cảnh sát. Bác sĩ Lycette thuộc Bệnh viện Queen Elizabeth tiết lộ não Lý Tiểu Long bị phù, tăng trọng từ 1.400 gam (trung bình) lên 1.575 gam. Không mạch máu não nào bị vỡ hay nghẽn.

Đột tử hay bị giết?

Ra đi ở tuổi 32 khi sự nghiệp đương hồi đỉnh cao, Lý Tiểu Long tạo nên sự bàng hoàng cho khán giả châu Á và thế giới vào những năm 1970 thế kỷ trước. Toàn bộ những tờ báo lớn của châu Á như China Post, Hong Kong Star, South China Post… đều đưa hung tin Lý Tiểu Long qua đời, kèm theo vô số lời đồn thổi chung quanh cái chết bí ẩn.


Siêu sao Lý Tiểu Long và Đinh Phối - Ảnh: Tư liệu



Lý Tiểu Long, vợ và con trai Lý Quốc Hào - Ảnh: Tư liệu


Một trong số tin đồn được lan nhanh - mà ngay cả khán giả Sài Gòn lúc đó nhiều người cũng bán tín bán nghi - là Lý Tiểu Long chết do bị chứng “thượng mã phong” khi đang quan hệ tình dục với người tình - diễn viên Đinh Phối tại nhà riêng. Vài tờ báo Hồng Kông đoán già đoán non rằng có thể Lý bị Hội Tam Hoàng triệt hạ sau nhiều lần mời cộng tác bất thành. Năm 19 tuổi, cũng chính vì dính líu đến tổ chức tội phạm này và bị cảnh sát Hồng Kông điều tra, thẩm vấn mà gia đình Lý Tiểu Long buộc phải đưa anh quay lại San Francisco (Mỹ) sinh sống.

Dư luận Trung Quốc lại cho rằng Lý bị giết bởi những võ sư do thái độ ngạo mạn, thách thức dư luận và nhất là mở trường dạy võ cho người ngoại quốc ở Mỹ. Số khác khăng khăng do Lý mua ngôi nhà ở Hồng Kông, chạm phải lời nguyền của dòng họ sở hữu cũ nên dẫn đến cái chết của anh rồi sau đó là con trai Lý Quốc Hào (Brandon Lee)…

Hơn 25.000 người dự tang lễ Lý Tiểu Long tại Hồng Kông vào ngày 25.7.1973. Anh được liệm cùng bộ trang phục ưa thích trong phim Long tranh hổ đấu. Sau đó, thi thể Lý được đưa lên máy bay về Seattle, bang Washington (Mỹ). Một lễ tang thứ hai được cử hành tại đây với sự có mặt của những người bạn, học trò, những ngôi sao Hollywood như Steve McQueen, James Coburn, Danny Inosanto, Taky Kimura, Peter Chin, Chuck Norris… Lý được an táng tại nghĩa trang Lake View, nơi anh không thể ngờ đúng 20 năm sau, con trai duy nhất của anh nằm ngay bên cạnh. Đó là diễn viên Lý Quốc Hào, cũng bị đột tử như cha khi đang đóng phim The Crow (Con quạ).

Người đau khổ không kém Linda Lee sau sự ra đi đột ngột của Lý chính là Đinh Phối. Nhằm giải tỏa áp lực, Đinh Phối tìm quên trong ma túy, rồi mắc chứng tâm thần phân liệt nhẹ. Bà kết hôn cùng ngôi sao kungfu Hướng Hoa Cường, có một con gái nhưng rồi cuộc hôn nhân cũng gãy đổ. Bà tìm đến đạo Phật, ăn chay. Tháng 7.2008, trả lời phóng viên trước khi phát hành quyển hồi ký đời mình, Đinh Phối kể ngay khi Lý qua đời, rất nhiều người đã chửi thẳng bà là hồ ly tinh, đòi bà nhảy lầu tự tử vì gây nên tai họa cho thần tượng.

Cả sự nghiệp, Lý Tiểu Long chỉ để lại 5 bộ phim khi đang ở đỉnh cao, nhưng anh chính là người mở ra hướng đi hoàn toàn mới cho thể loại phim hành động võ thuật, không chỉ ảnh hưởng đến châu Á mà lan sang khắp thế giới, trong đó có cả kinh đô điện ảnh Hollywood.

[size=4]

[/size]

[size=4]Huyền thoại Lý Tiểu Long - Kỳ 2: Tuổi thơ hiếu chiến[/size]



2 tuổi đã theo cha lên sân khấu kịch. 6 tuổi đóng phim lần đầu. Nổi danh khắp thế giới năm 30 tuổi. Lý Tiểu Long mất sớm nhưng để lại một sự nghiệp lẫy lừng.



Con trai của ngôi sao kịch nghệ

Lý Tiểu Long tên thật là Lý Chấn Phiên, sinh vào đúng giờ rồng năm Canh Thìn, tức ngày 27.11.1940 tại San Francisco, bang California (Mỹ). Anh là con trai thứ ba của Lý Hải Tuyền và Hà Ái Du. Cha anh từng được tôn vinh là ngôi sao của Nhà hát kịch Quảng Đông, lưu diễn tận Mỹ. Trước khi rời Bệnh viện Jackson, Lý được một y tá đặt cho cái tên tiếng Anh là Bruce Lee.

Vài tháng sau, gia đình Lý rời Mỹ về Hồng Kông, sống trong căn hộ chật hẹp số 218 đường Nathan, khu Kowloon. Không bao lâu, Hồng Kông bị quân Nhật chiếm đóng. Tuổi thơ của Lý vẫn còn in đậm ký ức của những lần trèo lên mái nhà đứng nhìn máy bay Nhật mà hai bàn tay nắm chặt căm giận. 2 tuổi, Lý được cha cho xuất hiện trong những vở kịch ông diễn ở Hồng Kông. Anh sớm bộc lộ tài năng thiên phú trong diễn xuất.


Lý Tiểu Long năm 18 tuổi - Ảnh: THX


Sau khi rời trường tiểu học, Lý tiếp tục theo học trung học tại La Salle, một trường dòng Thiên Chúa giáo chỉ dạy tiếng Anh. Lý bị đuổi khỏi trường La Salle vì chây lười, hiếu chiến. Ông Hải Tuyền buộc lòng xin cho con trai vào trường dòng khác ở Hồng Kông là St Francis Xavier. Nhưng tình hình cũng chẳng cải thiện hơn.

Như nhiều trẻ em Hồng Kông thời đó, Lý tự nhận mình chỉ thích lang thang ngoài đường phố: “Trẻ em ở đây chẳng có gì để mong ước. Người da trắng gần như chiếm lấy những gì tốt đẹp nhất”. Lý bắt đầu thích giải quyết mọi chuyện bằng nắm đấm. Anh nài xin cha mẹ cho mình được học võ để không bị bắt nạt. Sau cùng, cha đồng ý để Lý theo học môn võ Vịnh Xuân Quyền. Trước đó Lý say sưa học từ cha các thế của Thái Cực Quyền. Và anh rất sáng dạ khi theo đuổi võ thuật.


Lý Tiểu Long (phải) những ngày học ĐH Washington (Mỹ) - Ảnh: Getty Images


Võ sư am tường nhiều môn phái

14 tuổi Lý theo học Vịnh Xuân Quyền. Đây cũng là năm anh ghi danh học khiêu vũ. Năm 18 tuổi, anh đoạt giải quán quân chachacha ở Hồng Kông, rồi đánh bại người 3 năm liền vô địch quyền anh Hồng Kông là David Kefield. Người thầy đầu tiên của Lý là danh sư Diệp Vấn sau này kể lại Lý rất ma mãnh, cứ đến giờ học là đứng chặn bạn cùng lớp ở cửa báo hôm nay thầy nghỉ để được học một mình. Chỉ vài ngày, Lý đã thông thạo 36 thế võ, khoảng thời gian mà bạn bè cùng lứa phải mất nhiều tháng.



8 tuổi có biệt danh Lý Tiểu Long

[justify]Bộ phim đầu tiên Lý tham gia năm 6 tuổi là The beginning of a boy (Khởi đầu của một cậu bé). Lý diễn như những gì đang diễn ra quanh mình: xuất thân trong một gia đình nghệ sĩ nghèo, luôn chật vật với miếng cơm manh áo, chịu nhiều ức hiếp từ những đứa trẻ con nhà giàu có. Tiếp đến, Lý xuất hiện trong The birth of madkindMy son Ah Cheun. Năm 8 tuổi, Lý tiếp tục đóng Wealth is like a dream (Sự giàu có như một giấc mơ). Trong phim này Lý mang biệt danh Tiểu Long, cái tên ảnh hưởng đến cả sự nghiệp điện ảnh sau này. The orphan (Trẻ mồ côi) là phim Lý đóng năm 18 tuổi.[/justify]

Võ sư William Cheung từng có bài viết trên tạp chí Blitz (Úc) kể lại những ngày tháng này. “Lý và tôi là bạn từ thời niên thiếu, chính tôi là người giới thiệu Lý đến trường Vịnh Xuân Quyền mùa hè 1954. Lúc đó, sư phụ không bao giờ dạy học trò mới. Các sư huynh có nhiệm vụ dạy cho Lý. Tôi là một trong những niên trưởng võ thuật tại trường, sư phụ Diệp Vấn giao cho tôi huấn luyện Lý. Năm 1955, vỏn vẹn một năm sau khi nhập môn Lý đã tiến bộ đến mức trở thành mối lo của hầu hết các sư huynh. Họ khám phá ra Lý không thuần chủng vì thân mẫu mang hai dòng máu Đức - Trung Hoa. Họ họp lại làm áp lực với sư phụ Diệp Vấn đòi đuổi Lý khỏi trường. Ngày trước tại Hồng Kông, võ thuật Trung Quốc không được dạy cho người dị chủng. Sư phụ Diệp Vấn phải nhượng bộ nhưng người nói với Lý rằng có thể cùng tôi và Shing Wong Shun tập luyện. Đa số thời gian đó, chỉ có tôi và Lý tập với nhau. Vào thập niên 1950, môn sinh võ thuật Trung Hoa tin rằng tập tạ sẽ làm chậm đi tốc độ của võ sĩ. Nhưng Lý tìm ra cách khắc phục, bằng cách tập tạ nặng. Với phương pháp này bắp thịt của Lý phát triển và tăng sức mạnh nhưng vẫn không bị giảm tốc độ ra đòn”.

Từ thầy Diệp Vấn, Lý được học về triết lý của võ thuật. Thầy chỉ anh biết cách chịu đựng chờ thời cơ. Lý dần thấu hiểu rằng võ thuật không chỉ mang đến cho anh sức tự vệ mà còn rèn luyện tính nhẫn nhịn. Nhưng rồi Lý dường như quên bẵng mọi thứ khi đối đầu với những băng nhóm đường phố Hồng Kông, đến nỗi nhiều lần bị cảnh sát quản thúc. Ông Hải Tuyền không còn cách nào khác phải đưa con sang Mỹ sống cùng người bạn cũ của mình.

Vừa làm bồi bàn trong nhà hàng của bạn cha là Ruby Chow, vừa theo học trung học tại Trường Edison ở Seattle, bang Washington, năm đó Lý tròn 19 tuổi. Tháng 3.1961, Lý thi đỗ vào Khoa Triết học Đại học Washington, rồi mở lớp dạy kungfu ở trường. Hè năm 1963, Lý cầu hôn với bạn học là Amy Sanbo nhưng bị cô từ chối vì đã nhiều lần khuyên anh thay đổi tính nết, bớt ngạo mạn nhưng bất thành. Lý về Hồng Kông thăm gia đình nhân tiện học nốt phần cuối những tuyệt chiêu của Vịnh Xuân Quyền. Nhưng thầy Diệp Vấn đã từ chối dạy anh. Không nản chí, Lý xin thọ giáo thầy Thiệu Hán Sinh rồi quay về Seattle, tự tìm kiếm cho mình một môn phái võ mới. Đây cũng là thời gian Lý học rồi tập luyện taekwondo, judo, karatedo và cả quyền anh, quyền thái.

Triệt Quyền Đạo là môn võ do Lý sáng lập sau đó mang đủ màu sắc của các đòn thế anh từng được học. Lý nhận định: võ thuật Trung Hoa chỉ đẹp mắt nhưng kém hiệu quả. Anh muốn tạo ra một phái võ mới hội đủ các yếu tố: vừa phòng thủ chắc vừa ra đòn nhanh, gọn, hiệu quả. Cách một võ sinh Triệt Quyền Đạo thi đấu tựa như một kiếm sĩ phương Tây, di chuyển liên tục rồi bất ngờ ra đòn nhanh như chớp.





[size=4]Huyền thoại Lý Tiểu Long - Kỳ 3: Những cuộc tình trong đời[/size]




Tài hoa với vẻ ngoài rắn chắc của một võ sĩ, Lý Tiểu Long được rất nhiều khán giả ái mộ, đặc biệt là phái nữ. Tuy nhiên, anh chưa hề làm gì quá giới hạn để gia đình bị tổn thương.

Thầy yêu trò

Một năm sau ngày mở trường dạy võ tại ĐH Washington, Lý nhận thêm học trò đặc biệt. Lúc này võ đường Trấn Phan Võ Quán dời về đường 4750 University, cạnh trường ĐH. Cô gái này là Linda Emery, nhỏ hơn Lý 5 tuổi, sinh tại Everett, bang Washington (Mỹ), sau trở thành vợ Lý. Ngày 25.10.1963, Lý và Linda hẹn hò lần đầu tiên. Cả hai cùng ăn tối tại nhà hàng Space Needle, thành phố Seattle.

Mối quan hệ ngày càng tốt đẹp khi Linda trở thành cô giáo dạy Lý tiếng Anh trong khi Lý chỉ bảo những đòn thế của Vịnh Xuân Quyền cho cô gái trẻ mang hai dòng máu Anh và Thụy Điển. Mùa hè năm 1964, hai người thường xuyên gặp nhau hơn dù cha mẹ Linda không thích do Lý gốc châu Á. Ngày 17.8.1964, bất chấp gia đình ngăn cản, Lý và Linda chính thức kết hôn. Lúc đó Linda chỉ vừa 19 tuổi, đang theo học năm thứ nhất ĐH Washington.

Hiếm có người phụ nữ nào từng khóc chồng, 20 năm sau tiếp tục khóc vì mất con như Linda Lee. Trong lễ tang con trai Lý Quốc Hào đầu tháng 4.1993, cố kìm nén cảm xúc, Linda Lee phát biểu: “Linh hồn của cha luôn phù hộ cho con đã không còn. Tôi chỉ muốn kêu gọi giới làm phim hãy có biện pháp an toàn nơi trường quay để không còn những cái chết tương tự như con trai Lý Quốc Hào. Tôi nói lên điều này thay mặt cho chồng quá cố, diễn viên Lý Tiểu Long”.

Bà kể thêm: “Năm 18 tuổi, tôi gặp Lý lần đầu khi học năm cuối trung học. Mấy đứa con gái bọn tôi đang trò chuyện chợt ngẩng mặt và thốt lên: Ai thế nhỉ, trông đẹp trai và biết ăn mặc quá… quả là “của hiếm” trong trường! Tôi ngắm nhìn Lý đang cười nói với các bạn trai, thỉnh thoảng lại khoa chân múa tay đi mấy thế võ cho các bạn xem. Phong thái của anh lập tức in đậm trong trái tim thiếu nữ của tôi”.

1965 là năm bận rộn khó quên đối với hai vợ chồng trẻ: Ngày 1.2, cậu con trai đầu lòng Lý Quốc Hào chào đời, ngày 4.2, Lý được hãng 20th Century Fox mời đến casting cho phim Trần Tra Lễ. Ngày 8.2, Lý nhận tin dữ: cha qua đời. Thế là Linda phải ôm con nhỏ mới sinh được vài ngày cùng chồng về Hồng Kông nhưng vẫn không kịp dự tang lễ. Lý vô cùng ân hận, tự dằn vặt mang tội bất hiếu nên anh phải quỳ lạy từ cửa nhà đến bàn thờ đựng tro cốt cha tạ tội. Tháng 5.1965, Lý dùng toàn bộ số tiền cát sê 1.800 USD khi tham gia phim truyền hình The green hornet (Ong bắp cày xanh) làm chi phí cho chuyến trở về Hồng Kông cùng vợ con để giải quyết tài sản cha để lại.


Lý Tiểu Long cùng vợ Linda Lee và con trai Lý Quốc Hào - Ảnh: Brucelee.com



Miêu Khả Tú và Lý Tiểu Long trong phim Tinh võ môn - Ảnh: 20th centurywarriors


Những bóng hồng trong đời

Nhân vật trong các phim Lý đóng sau này như Đường Sơn đại huynh, Long tranh hổ đấu hay Mãnh long quá giang đều bẽn lẽn khi gặp phụ nữ nhưng theo lời Linda Lee thì ngoài đời Lý là người cực kỳ đào hoa. Rất nhiều cô gái đẹp công khai vào võ đường xem Lý tập luyện, đôi lúc còn hẹn hò riêng qua điện thoại đến những nơi kín đáo.

Diễn viên Hồng Kông Miêu Khả Tú từng một thời được xem là người tình của Lý Tiểu Long sau khi đóng một loạt phim của Lý vào đầu thập niên 1970 lúc tròn 20 tuổi. Khả Tú nổi tiếng sau loạt phim đóng cặp với Lý: Đường Sơn đại huynh (1971), Tinh võ môn và Mãnh long quá giang (1972).

Miêu Khả Tú được báo giới gán cho biệt danh “hồng nhan tri kỷ” của Lý Tiểu Long. Đầu năm 1973, Lý mời Khả Tú tham gia phim Tử vong du hí nhưng bà từ chối vì e ngại mối quan hệ thêm khắng khít, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình Lý. Ngày nghe tin Lý mất, bà đã quỳ bên linh cữu, khóc rất nhiều. Hiện Miêu Khả Tú đang sống cùng chồng con tại Canada.

Diễn viên thay thế Miêu Khả Tú trong Tử vong du hí là Đinh Phối - người chịu nhiều tai tiếng sau cái chết của Lý ngay trên giường tại nhà riêng. Bà bị dư luận cho rằng là nguyên nhân chính gây nên cái chết đột ngột của thiên tài võ thuật, thậm chí còn bị vu: “do đòi hỏi Lý quá sức về chuyện tình dục” nên anh đột tử. Năm nay 65 tuổi, Đinh Phối tiết lộ với báo giới thời điểm ấy (1973) cuộc hôn nhân của Lý và Linda có dấu hiệu rạn nứt. “Họ không còn cảm xúc về nhau nữa. Tôi không mồi chài anh ấy bởi Lý tự đến với tôi”, bà nói thêm.

Đinh Phối kể tiếp: “Năm 1972, Raymond Chow giới thiệu tôi với Lý để bàn về bộ phim Tử vong du hí. Sau lần gặp đó, tôi và Lý thân mật hơn. Tại những cuộc họp, anh thường ngồi cạnh, nắm tay tôi dưới gầm bàn, mắt nhìn tôi say đắm”.

Linda Lee không hề oán trách Đinh Phối một lời. Bà chấp nhận thực tại, lặng lẽ về Mỹ chăm sóc hai con nhỏ là Lý Quốc Hào và Lý Hương Ngưng. Thời gian khiến những tin đồn quanh cái chết của Lý dần phôi pha.






Người Trung Quốc hay người Mỹ da vàng?

Linda Lee từng xuất bản quyển sách Bruce Lee: The man only I knew (Lý Tiểu Long, người đàn ông duy nhất tôi biết) năm 1975 sau đó được dựng thành phim Dragon: The Bruce Lee story (Câu chuyện cuộc đời Lý Tiểu Long) năm 1993. Bà đã viết trong sách: “Trong mắt người Mỹ, Lý bị xem là Trung Quốc còn người Trung Quốc lại xem Lý là người Mỹ da vàng”.

Sau sự ra đi của Lý Tiểu Long, Linda tái hôn với Tom Bleecker, chung sống từ năm 1988 đến 1990, rồi ly dị và kết hôn lần ba với Bruce Cadwell năm 1991, sống đến nay. Dù đổi tên là Linda Lee Cadwell song bà vẫn được giới truyền thông nhắc đến như người vợ góa của ngôi sao điện ảnh nổi tiếng thế giới.





[size=4]Huyền thoại Lý Tiểu Long - Kỳ 4: Nâng tầm võ thuật[/size]



Nhiều người mến mộ song cũng lắm kẻ thù ghét ngôi sao Lý Tiểu Long, đặc biệt là trong giới võ lâm.




Hạ nhanh địch thủ

Năm 1958, Lý đánh bại võ sĩ vô địch quyền anh Hồng Kông - David Kefield, đến ba lần chỉ vì người này liên tục thách đấu. Anh tung nhiều đòn thế của Vịnh Xuân quyền khiến đối thủ gục ngã chỉ sau tích tắc. Ngày 29.4.1959, Lý đấu với tay anh chị trên tầng thượng một chung cư. Anh đập nát cánh tay đối thủ. Vụ việc bị cảnh sát điều tra và đó cũng là nguyên nhân khiến cha mẹ Lý buộc anh rời Hồng Kông sang Mỹ sinh sống.

Đến năm 1962, Lý nhận tiếp lời thách đấu của Jesse Glover - võ sư đai đen karate và judo ở Seattle (Mỹ). Lý ra đòn nhanh gọn bằng tay và chân liên tục. Glover chảy máu mũi rồi gục ngã. Đúng 11 giây, trận đấu kết thúc! Người bạn thân của Lý - Taky Kimura, sau này kể lại: “Xem Lý đấu, có cảm giác như anh ấy muốn giết đối thủ. Lý ra đòn quá nhanh và quá tàn bạo!”.

Vài tháng sau khi cưới vợ (1964), Lý nhận thêm lời thách đấu từ Hoàng Trạch Dân, võ sư dạy kungfu ở phố Tàu, khu Oakland, bang California. Thời điểm đó, cộng đồng Hoa kiều tại Mỹ ra tối hậu thư buộc anh phải lập tức đóng cửa võ đường vì không thể dạy võ cho người ngoại quốc! Trận đấu được tổ chức, người thua sẽ từ bỏ nghiệp võ. Lý và Hoàng thi đấu trước sự chứng kiến của rất nhiều võ sinh cũng như bạn bè đồng môn. Mất 3 phút, Lý hạ knock-out Hoàng Trạch Dân. Đệ tử của Hoàng Trạch Dân định xông vào cứu thầy nhưng mọi người ngăn cản vì không muốn máu lại đổ.

Bên cạnh việc luyện các đòn thế, Lý Tiểu Long còn tập thể lực như một vận động viên chuyên nghiệp: đẩy tạ, kéo xích, luyện cơ bụng, đạp xe, chạy bộ, nhảy dây… Nhiều tài liệu còn ghi rõ, tốc độ ra đòn của Lý là 5/100 giây trong khoảng cách 1m. Ngôi sao điện ảnh Mỹ và cũng là võ sư Steve McQueen, từng theo Lý học võ với giá 250 USD/giờ, cùng với James Coburn, James Garner, Lee Marvin… từng kể với báo giới rằng Lý có thể hít đất bằng ngón tay cái và ngón tay trỏ. Dù chỉ cao 1,73m và nặng 65 kg nhưng Lý có một thể hình cực chuẩn để theo nghiệp võ.

Võ thuật thành nghệ thuật

Trước Lý, không một diễn viên hay võ sư nào trên thế giới kết hợp được giữa võ thuật và nghệ thuật. Điện ảnh Hồng Kông thập niên 1960, 1970 không thiếu những ngôi sao như Khương Đại Vệ, Địch Long, Vương Vũ hay Trần Quang Thái, La Liệt… Trong khi Hollywood cũng đầy những diễn viên phim hành động: Steve McQueen, James Coburn, Charles Bronson, Chuck Norris… Tuy nhiên, khi Lý Tiểu Long xuất hiện trên màn bạc từ bộ phim Đường Sơn đại huynh (The big boss) năm 1971, dường như các ngôi sao phim hành động khác chợt lu mờ.


Chuck Norris (Colt) và Lý Tiểu Long (vai Long) trong phim Mãnh long quá giang - Ảnh: BRUCELEE.COM


James Coburn thú nhận ông từng khuyên Lý về lại Hồng Kông làm phim vì Hollywood không dành cho anh bất cứ cơ hội nào. Đơn giản bởi Lý là một diễn viên da vàng. “Rất may Lý nghe lời tôi và Raymond Chow, ông chủ hãng phim Gia Hòa nhận ra tài năng của Lý. Đoàn phim Đường Sơn đại huynh ban đầu chỉ để Lý giữ vai thứ nhưng khi quay, mọi người bất ngờ với tài năng xuất chúng của Lý nên Raymond Chow yêu cầu đạo diễn La Duy chỉnh sửa kịch bản để anh đóng vai chính Trịnh Triều An”, James Coburn kể.

Đường Sơn đại huynh làm khán giả choáng váng khi tận mắt thấy Lý Tiểu Long tung cú đá liên hoàn cước, điều mà đến lúc đó chưa ai làm được trên màn bạc. Phim thu về 3,5 triệu USD trên toàn cầu nhưng Lý chỉ nhận cát sê vỏn vẹn 15.000 USD.

Từng vô địch thế giới karate 7 lần, ngôi sao Chuck Norris (Mỹ) kể lại trong bộ phim tài liệu Bruce Lee - The legend (Huyền thoại Lý Tiểu Long) do Warner Bros. sản xuất rằng khi đóng vai Colt trong Mãnh long quá giang (The way of the dragon), ông lãnh nguyên cú đá nhớ đời của Lý. Cú đá mạnh đến nỗi hất ông bay xa gần 10m, làm diễn viên đóng vai phụ đứng sau bị ông đè gãy tay. Rất may, ông có mặc áo giáp bảo vệ bên trong.

“Lý là người bảo vệ di sản văn hóa võ thuật cho Trung Quốc, nâng tầm võ thuật và điện ảnh Trung Quốc lên một vị trí cao hơn. Thuở nhỏ, khi học Vịnh Xuân quyền từ danh sư Diệp Vấn, Lý đã hỏi thầy võ thuật là gì? Thầy đáp võ thuật là thứ tạo nên một con người, một dân tộc”, James Coburn kể lại trong phim tài liệu Bruce Lee - The legend.

Ngạo mạn, tàn bạo trên phim, luôn lấy oán báo oán, nhưng ngoài đời Lý là người dễ hòa đồng, tận tụy với công việc. Khi đóng Mãnh long quá giang, dù là ngôi sao lớn nhưng Lý luôn đến trường quay đúng giờ. Lúc quay phim, Lý thật sự là một võ sư, diễn như đang đánh thật ngoài đời. Do vậy, để tránh làm chấn thương đồng nghiệp, trước mỗi phân cảnh, Lý luôn hướng dẫn tận tình từng thế võ để bạn diễn biết cách chống đỡ, giảm mọi rủi ro.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)