Khoa học - Lịch sử 2013-05-23 14:57:25

Huyền Thoại Viên Gạch Hồng Của Bác Hồ


 

Ảnh: Hiện vật "viên gạch hồng" đang trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

QĐND - Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá”. Hiện vật “viên gạch hồng” cùng với nhiều đồ vật khác mà người thanh niên Nguyễn Ái Quốc sử dụng khi ở ngôi nhà số 9, ngõ Công-poăng, quận 17, thành phố Pa-ri (Pháp) nằm trong bộ sưu tập quý của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Cùng với “viên gạch hồng” còn có chiếc tủ gỗ đựng quần áo; chiếc tủ con để đầu giường và mô hình ngôi nhà của Bác Hồ đã từng thuê trong những năm Người hoạt động tại Pháp. Ông Nguyễn Trường Phú, chuyên viên Bảo tàng Hồ Chí Minh tiết lộ với chúng tôi câu chuyện về quá trình sưu tầm, tiếp nhận và bảo quản bộ sưu tập quý giá này. 

Câu chuyện của chúng tôi nhắc đến một chặng đường hoạt động cách mạng sôi nổi của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc, đó là thời gian Bác Hồ hoạt động cách mạng ở Pa-ri, Pháp (1917-1923).

- Phóng viên (PV): Thưa ông! Khách đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh rất quan tâm đến bộ hiện vật của Bác Hồ trong những năm Người hoạt động ở nước Pháp. Vậy, chúng ta có được bộ sưu tập này là từ đâu?

- Ông Nguyễn Trường Phú: Câu chuyện bắt đầu từ năm 1968, khi Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bộ trưởng Xuân Thủy làm trưởng đoàn và đồng chí Lê Đức Thọ làm cố vấn đặc biệt từ Việt Nam sang Pháp dự Hội nghị Pa-ri về Việt Nam. Đoàn đại biểu Chính phủ ta đã ở Pa-ri từ tháng 5-1968 đến tháng 3-1973. Trong thời gian này, Đoàn đến thăm căn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại số 9, ngõ Công-poăng một vài lần. Bà chủ nhà tên là Gia-mô (Jammot) đã tiếp Đoàn rất niềm nở. Bà kể cho các thành viên trong Đoàn chuyện về lịch sử ngôi nhà; về sinh hoạt của Bác Hồ. Rồi bà dẫn Đoàn lên tầng 2 thăm phòng mà người thanh niên có tên là Nguyễn Ái Quốc đã ở từ ngày 14-7-1921 đến 14-3-1923.


Khi nhìn thấy căn phòng và những vật dụng của Bác quá đơn sơ, tất cả anh chị em trong Đoàn hết sức xúc động. Đó là một gian buồng hẹp khoảng 9m2, một chiếc la-va-bô treo tường, có vòi nước chỉ để rửa mặt, ngay cạnh đó là một chiếc tủ quần áo làm bằng gỗ tạp. Sát tường bên trái là một chiếc giường sắt đơn vừa đủ một người nằm. Đầu giường có một chiếc tủ con để sách vở và vài đồ lặt vặt. Phía trên có một ngọn đèn nhỏ vừa đủ để thắp sáng gian buồng. Sau đó, được tin ngôi nhà sẽ bị phá để xây mới, đồng chí Xuân Thủy có ý kiến nên mua lại các đồ đạc trong căn phòng để đưa về nước. Năm 1974, những đồ dùng trong căn phòng như: Chiếc tủ đựng quần áo, tủ con để đầu giường đã được đưa về nước, còn một số đồ dùng khác như: Tấm bảng sắt ghi số 9 ngõ Công-poăng; cánh cửa ra vào bằng gỗ của căn phòng; chiếc la-va-bô rửa mặt; một số tấm gỗ sàn… sau này đã được đưa đến trưng bày với chủ đề: "Căn phòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh” tại Bảo tàng Lịch sử sống thành phố Mông-tơ-rơi (Montreuil) của Pháp.

Theo hồ sơ khoa học, những hiện vật này đã trải qua hành trình như sau: Năm 1974, Đại sứ quán nước ta tại Pháp sau khi tổ chức lực lượng vận chuyển qua Béc-lin (Đức) bằng xe lửa, rồi gửi về nước.

- PV: Như vậy, hai chiếc tủ là những hiện vật đầu tiên trong ngôi nhà ở số 9, ngõ Công-poăng được đưa về Việt Nam. Còn “viên gạch hồng”, một hiện vật rất nổi tiếng, được nhiều người quan tâm đã được đưa về nước bằng cách nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Trường Phú: Viên gạch trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay là viên gạch được phục chế trên cơ sở viên gạch đồng thời, đồng loại do ông Tổng lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Căn phòng mà người thợ ảnh Nguyễn Ái Quốc thuê rất thiếu thốn tiện nghi, không có phương tiện để sưởi ấm nên rất lạnh. Bởi vậy, cũng giống như những người nghèo ở Pháp, về mùa đông, “mỗi buổi sáng trước khi đi làm, anh Nguyễn để một viên gạch vào lò bếp của bà chủ nhà. Chiều đến, anh lấy viên gạch ra, bọc nó vào trong những tờ báo cũ, để xuống nệm cho đỡ rét" và hình ảnh “viên gạch hồng” đã đi vào thơ ca của các nhà thơ. Bên cạnh bài thơ “Người đi tìm hình của nước” rất nổi tiếng của Chế Lan Viên, trong bài "Theo chân Bác", nhà thơ Tố Hữu cũng đã viết: "Muôn nỗi đời như ảnh trắng đen/Bâng khuâng đêm lạnh, thức bên đèn/Một hòn gạch nóng nung tâm huyết/Mẩu bánh mì con nuôi chí bền".


Một người bạn Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại: “Tôi là Giăng Pho, thợ điện, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Tôi quen biết đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ năm 1920-1921, vì hồi đó chúng tôi cùng trọ một nhà, ở ngõ Công-poăng. Đó là khu công nhân nghèo, mà ngõ Công-poăng lại là nghèo nhất ở khu nghèo này. Gọi là ngõ, vì nó chỉ có đường vào, không có đường ra. Cả “phố” chỉ vẻn vẹn có 4 cái nhà lụp xụp, 3 nhà cho thuê để gửi xe. Một nhà tầng dưới là quán cà-phê nhỏ, tầng trên có hai buồng, tôi và anh Nguyễn trọ… Mùa đông giá lạnh, không đủ chăn đắp, trước khi đi làm, anh đặt nhờ một viên gạch trên bếp bà chủ nhà; tối về, anh gói viên gạch vào tờ báo, rồi để trên giường cho đỡ rét".

- PV: Hiện nay, ở Bảo tàng Hồ Chí Mình có tới hai mô hình ngôi nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại số 9, ngõ Công-poăng, quận 17, thành phố Pa-ri (Pháp). Vì sao Bảo tàng lại có tới hai mô hình như vậy?

- Ông Nguyễn Trường Phú: Chúng tôi có hai mô hình, thứ nhất là mô hình mô phỏng kiến trúc những ngôi nhà trong ngõ Công-poăng; thứ hai là mô hình kiến trúc tách biệt ngôi nhà số 9, ngõ Công-poăng.

Hai mô hình này nói lên rất nhiều điều về quãng đời hoạt động của Bác Hồ trong thời gian ở Pháp. Trong cuốn sách "Thời thanh niên của Bác Hồ", tác giả Hồng Hà đã miêu tả ngôi nhà và tiện nghi sinh hoạt của Bác Hồ trong ngôi nhà số 9, ngõ Công-poăng như sau: "Cuối cùng Dêch-ki-ni kiếm được một chỗ trọ cho anh Nguyễn: Một căn buồng nhỏ hẹp trên tầng hai, nhà số 9, ngõ Công-poăng. Đây là một ngõ cụt, mặt đường lát đá với rặng cây dẻ dại hai bên đường và hơn chục ngôi nhà lụp xụp. Nhà số 9 xây từ thế kỷ trước có 3 cửa ra vào, một cửa mở thẳng vào sân sau nhà, một cửa chính liền đường và một cửa ngách dẫn lên gác. Bà Gia-mô, chủ nhà, cho anh Nguyễn thuê gian buồng mỗi bề khoảng ba mét, không bếp, không nước, không điện, không lò sưởi, gió thổi lùa qua khe cửa… Buồng anh chỉ đủ kê một cái giường sắt, một cái bàn con. Trên bàn có một cái thau, trong thau có một bình đựng nước để rửa mặt. Khi viết hoặc đọc sách thì anh đưa thau và bình nước xuống gầm giường… Nhà số 9, ngõ Công-poăng là nơi anh Nguyễn tiếp nhiều kiều bào đi lính cho Pháp đến kể với anh nỗi khổ của họ trong các trại lính sau nhiều năm làm bia đỡ đạn cho thực dân… anh Nguyễn vận động họ đấu tranh đòi thực dân đưa họ trở về Việt Nam. Cả những sinh viên Việt Nam ở cư xá sinh viên phố Xom-mơ-ra cũng tìm đến anh. Và người ta thấy những Việt kiều thường xuyên đi lại nhà số 9 là Trần Văn Kha, Trần Xuân Hộ, Nguyễn Văn Thịnh, Bạch Thái Thông, Lã Quý Lợi, Nguyễn Văn Khương, Bùi Công Ngôn…”.

Cuộc sống không tiện nghi, rất đơn sơ và giản dị, thiếu thốn đủ mọi thứ, không có chỗ để tắm giặt… khó khăn như vậy, nhưng tâm trí, hoài bão của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc không bao giờ nguội lạnh nhiệt tình hoạt động cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước. Trong ngôi nhà lạnh lẽo đó lại che chở, chứa đựng một con người có trái tim luôn nung nấu ý chí và lòng quyết tâm tìm đường cứu nước, giúp đồng bào mình thoát khỏi kiếp lầm than.

- PV: Sau khi chúng ta đã có được những hiện vật quý gắn liền với ngôi nhà số 9, ngõ Công-poăng, số phận ngôi nhà hiện nay ra sao, thưa ông?

- Ông Nguyễn Trường Phú: Sau khi ngôi nhà cũ ở số 9, ngõ Công-poăng bị phá đi để xây nhà mới, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã thương lượng để đặt một bảng đồng ngoài cửa trên tấm bảng ghi "Nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở từ 1921 -1923".

Câu chuyện về những đồ dùng của Bác Hồ trên đây giúp chúng ta hiểu rõ hơn tình cảm yêu quý của bạn bè thế giới, trong đó có nhân dân, Việt kiều ở Pháp đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể lại câu chuyện về nguồn gốc, xuất xứ, ý nghĩa của những kỷ vật trên đây, chúng tôi hy vọng góp phần cung cấp thêm thông tin, giúp công tác tuyên truyền và chỉnh lý trưng bày sắp tới của Bảo tàng Hồ Chí Minh; đồng thời góp phần xây dựng không gian ngôi nhà số 9 trong gian trưng bày tại Bảo tàng. Qua đây cũng thể hiện được một thời kỳ hoạt động cách mạng khó khăn, gian khổ, hiểm nguy nhưng tràn đầy sôi nổi, hăng say, nhiệt huyết cách mạng của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Người đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân và cả cuộc đời mình cho dân tộc Việt Nam.

—————–

Hồng Hải (thực hiện)
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)