Sao thế giới 2011-11-04 10:31:38

k-pop vs V-pop


Đào tạo kiểu mì ăn liền



Ai cũng biết một trong những ưu điểm nổi trội của K-Pop là ở những mô hình đào tạo chuẩn mực, rất có đầu tư. Để cho ra lò một nghệ sĩ, thường công ty quản lý phải tốn ít nhất là 3 năm, thâm chí có nhiều trường hợp trên 5 năm. Bên cạnh đó những thực tập sinh này lại được tuyển chọn trong hơn cả ngàn người, và tất cả đều mang sẵn tài năng thiên bẩm trong người, quá trình đào tạo sẽ giúp họ phát huy tối đa các tố chất vốn có.




Không chỉ có nhà đầu tư mạnh tay, mà ngay cả các thực tập sinh cũng rất có ý thức, họ chịu khó nhẫn nại với quá trình rèn luyện dài hơi của mình. Ở độ tuổi chỉ từ 12 đến 16, tất cả đều sẵn sàng lăn xả ngày đêm trong phòng tập mà không hề có gì đảm bảo chắc chắn sẽ được debut. Thực tế vẫn có rất nhiều những trường hợp theo đuổi ước mơ hằng mấy năm ròng nhưng đến phút cuối lại bị loại bỏ vì chưa đủ chất lượng.

Lấy ví dụ như SNSD, nhiều người bảo họ chỉ có mẻ bề ngoài, hát hò nhảy nhót đều ở mức trung bình, nhưng để có được cái mốc "trung bình" ấy, hàng chục cô gái khác đã phải rớt lại phía sau, mặc dù thời gian đào tạo đều không dưới 4 năm. Hoặc như trường hợp Jo Kwon-2AM phải mất đến 7 năm mới được cho ra lò, đủ để thấy K-Pop nghiêm túc thế nào trong khâu tuyển dụng, đào tạo của mình.


Jo Kwon đợi chờ mòn mõi trong suốt
7 năm mới được ra lò


Không cần phải đi sâu cũng đủ thấy V-Pop "một trời một vực" thế nào so với K-Pop ở mảng này. Đầu tiên, về yếu tố con người chúng ta thiếu sự chuẩn bị ban đầu, nếu như K-Pop có thể thoải mái chọn lựa trong số cả ngàn con người vừa đẹp, vừa hát hay, nhảy giỏi, năng khiếu đầy mình, thì ở Việt Nam lắm khi một ca sĩ chuyên nghiệp được mọi người biết đến nhưng tài năng lại hết sức hạn chế, chưa đủ để so sánh với những nhân tố "nghiệp dư" ban đầu trong những khâu tuyển chọn tại K-Pop.


Wepro nổi tiếng đào tạo mát tay nhưng họ chỉ thành công khi "xài lại"
những ca sĩ đã có thâm niên đi hát. Còn với nhóm Weboys do chính
công ty ra sức "bơm vá" thì lại thất bại ê chề.


Về vấn đề vũ đạo, nếu như ở K-Pop chuyện cảm nhạc là một kỹ năng sơ đẳng, thực tập sinh nào cũng phải có, thì ở ta, có khi một ngôi sao đã đứng trên sân khấu 3,4 năm trời vẫn không thể làm được vài động tác cho ra hồn, thử hỏi yếu tố đào tạo là be bét đến nhường nào. Ở nước ta người tài không thiếu, cứ nhìn vào những bạn trẻ nổi tiếng qua đường online sẽ thấy, nhưng sự phát triển thiếu chiến lược các công ty giải trí không đủ lực để thuyết phục họ tham gia, trong khi kiểu ca sĩ "hạn hẹp tài năng, tham vọng có thừa" thì lại cứ ầm ầm lên tuyến đầu.


V-Pop tràn ngập những
"bình bông di động"


Bị giới hạn ở nhiều yếu tố là vậy nhưng qui trình đào tạo ở ta lại luôn được xếp vào dạng "nhanh nhẩu đoản", cứ tầm 6 tháng là ra lò. Nhà đầu tư ở ta thường không có lòng tin lâu dài vào ca sĩ, vì quả thật họ có thể "qua cầu rút ván" bất cứ lúc nào. Mặt khác, V-Pop cũng chẳng thể đào đâu ra một tài năng chịu giam mình rèn luyện 4,5 năm trời, khi mà các đồng ngiệp cùng trang lứa cứ hát bình bình, nhảy vừa vừa là cũng đã đủ phóng thẳng lên báo làm "ngôi sao".

365 daband được đầu tư nghiêm túc
cũng chỉ vỏn vẹn trong 6 tháng


Nghèo nàn nhân lực

Ca sĩ dù tài năng đến đâu cũng không thể làm nên chuyện một mình, các yếu tố cơ bản cần thiết là phải có nhạc sĩ hợp gout, cùng người biên đạo ra trò. Ở V-Pop, khả năng sáng tác chắc chắn không tồi, tuy nhiên phần phối nhạc thì lại vô cùng ủ dột. Một bản hit đương đại của ta nếu mang ra so sánh với Quốc tế thì chẳng khác nào … đá lửa đặt cạnh quẹt gas. Điển hình như thành phố Hồ Chí Minh, là thị trường âm nhạc lớn nhất nước, với lượng nhạc sĩ, phòng thu tràn ngập phố phường, nhưng lại không thể nào phối được một cái beat nhạc dance chỉnh tề, ngang tầm khoảng 50% nhạc ngoại, mặc dù máy móc kỹ thuật thì vẫn có khả năng sắm sửa đắt tiền. Muốn thấy rõ điều này, khán giả chỉ cần nghe thử các ca khúc do V-Pop phối lại từ hit ngoại, sẽ khám phá ra khả năng "bập bẹ" của gà nhà đang tiến bộ đến đâu.


V-Pop bội thực với kiểu "sôi động-khoe hàng"
nửa mùa


Nguyên nhân cơ bản của vấn đề là vì ở Việt Nam phần hòa âm phối khí thường không được đào tạo chuyên nghiệp bài bản, từ đó V-Pop không có khả năng cập nhật những kỹ thuật mới từ nước ngoài. Hầu hết phòng thu chủ yếu ra đời bằng việc học lóm nhau, thế nên mọi ngón nghề cũng chỉ có bấy nhiêu xào đi xào lại. Không có được ca khúc ưng ý, đúng giai điệu thử hỏi ca sĩ sẽ nhảy bằng gì? Thế nên khán giả rất khó lòng để có thể thưởng thức một bản hít sôi động chất lượng như K-Pop.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng thị trường nội địa cũng có được một số bản hit hợp thời đáng đồng tiền bát gạo, và lúc này thì lại phải đau đầu vì vũ đạo. Chúng ta có rất nhiều ca sĩ nhảy được, nhưng lại thiếu trầm trọng người biên đạo tốt. Điển hình như Hồ Ngọc Hà với hit Xin hãy thứ tha, cùng một bài hát nhưng rõ ràng phần dàn dựng bởi vũ đoàn nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn lại tỏ ra khá ngớ ngẩn so với tiết mục trình diễn tại Asia Song Festival 2009, do K-Pop biên đạo.


Phần biên đạo của V-Pop được nhận
xét là quá "chợ" so với những gì K-Pop
tút tát cho Hồ Ngọc Hà tại ASF 2009


"Đây có thể là một bài tập nhỏ của K-Pop
nhưng lại là một bước tiến dài với V-Pop"


Công bằng mà nói, Hồ Ngọc Hà lúc đó cũng chỉ ở mức trung bình so với sao Hàn, không có gì đặc biệt, tuy nhiên với V-Pop thì nó gần như trở thành "kinh điển", được truyền thông ngợi ca suốt cả một thời gian dài, chứng tỏ sự thiếu thốn biên đạo giỏi ở ta gần như là "mò kim đáy biển", khiến thiên hạ phải thèm khát đến phát rồ.

Sự ủng hộ đúng mực

Và vấn đề cốt yếu vẫn là thói quen thích xài đồ "chùa" của dân ta, vì album không bán được nên ca sĩ sẽ gặp phải những giới hạn về kinh tế, từ đó kéo theo chất lượng giảm sút. Trong khi với fans ngoại họ sẵn sàng mua hàng từ Itunes, chạy đua lượng doanh số bán single, album để ủng hộ thần tượng, thì phần lớn khán giả nhà ta vẫn ung dung ngồi download, mua đĩa lậu. Việc làm này góp phần tiếp tay cho hàng loạt "ngôi sao" tạp nham trà trộn vào thị trường, chỉ cần vài tiểu xảo là họ có thể thản nhiên câu view cho dòng sản phẩm online trên mạng. Với K-Pop, muốn thành công, nghệ sĩ phải chứng minh được bằng lượng tiêu thụ đĩa nhạc trong thực tế, còn với các gà nhà V-Pop, một bộ phận ca sĩ chỉ biết khoe lượt view cao ngất từ vài cái MV, mà lắm khi nó còn được lý giải bằng 2 từ "thảm họa".


Mô hình đào tạo chuyên nghiệp của K-Pop cho
ra đời những hình tượng nghệ sĩ khá hoàn hảo


Việc thiếu thốn những chương trình biểu diễn qui mô hoành tráng phần lớn cũng ở quan niệm ủng hộ còn khá "chừng mực" bởi khán giả nước nhà. Ngay cả khi nghệ sĩ Quốc tế đến trình diễn thì khả năng ế chỏng chơ vẫn luôn là nỗi lo lớn của nhà tổ chức, chứ đừng nói gì đến sức hút của hàng nội địa. Ví như liveshow đình đám của một nữ ca sĩ hạng A nước ta, được đầu tư công phu hoành tráng, ấy vậy mà khán giả vẫn tiếc tiền đến mức giá vé rơi thẳng xuống ngưỡng 50.000 VNĐ mà kết quả vẫn nằm ở mức…bi kịch. Với những thực tế như thế, V-Pop khó lòng làm được những show trình diễn hoành tráng tốn kém, vì vấn đề là hưởng thụ thì ai cũng sẵn lòng, nhưng để trả cho nó một mức phí hợp lý thì không phải khán giả nào cũng sẵn sàng.




Các yếu tố nêu trên chỉ là một số khía cạnh trước mắt khiến nền giải trí nước ta còn thua kém nước bạn, bên cạnh đó còn có những lý do về sự chênh lệch giữa hai nền kinh tế, lịch sử phát triển V-pop và K-Pop v.v… Tuy nhiên nếu biết cách nhìn nhận, khắc phục những vấn đề nằm trong khả năng của chúng ta, thì ắt hẳn thị trường nội địa cũng có được những bước chuyển mình tích cực, nhằm xích lại gần hơn với những giá trị mang tầm quốc tế. Chúng ta đang thua thiệt, nhưng cũng chẳng ai cấm đoán việc cố gắng chạy bám đuổi theo sau để giảm dần khoảng cách.


P/s: mình thấy bài viết rất đúng về V-pop hiện giờ . có lẽ đây cũng là lý do mà teen thích ngoại hơn nội




Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)