Teen 24h 2009-09-10 00:21:36

Khi giảng viên là "hot boy"


(SVVN_HHT Online) Với những người vừa là giảng viên đại học vừa là "ngôi sao" xuất hiện hàng ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì việc đứng trên bục giảng, trước hàng chục sinh viên và đứng trên sân khấu, trước hàng ngàn khán giả, điều gì hấp dẫn, cuốn hút hơn?


*** Những Ấn Phẩm Cùng Toà Soạn ***
> Trà Sữa Cho Tâm Hồn: Quà tặng cho người xứng đáng
> HHT 821: Tựu trường nhé, ta cùng đón một tuần vui!
> Sinh viên Việt Nam 36 sẽ tặng bạn 1 sim điện thoại Beeline miễn phí
> 2!ĐẸP 17 Ơ kìa! "Một cô dâu hoàn hảo"
> Chuyên đề 2!146: Nào mình cùng “Back 2! Skul”



Câu trả lời là dù đóng vai trò người nổi tiếng, như "ước mơ vươn ngôi sao" của bao sinh viên, thì vẫn không có "giảng viên ngôi sao" nào có ý nghĩ bỏ nghề đi dạy!

Bên "dạy" bên "diễn" bên nào nặng hơn?

Với Nam vương Ngô Tiến Đoàn đồng thời là giảng viên của ĐH Cần Thơ, thì giữa bên "dạy" bên "diễn", bên "dạy" nặng hơn!



"Nam vương" Tiến Đoàn



Siêu mẫu đăng quang Mister International đã có hơn 3 năm giảng dạy ngành cơ khí mà anh theo học trước đó tại ĐH Cần Thơ. Ngoài việc là công chức bình thường như anh nói với "8 giờ vàng ngọc" dành cho trường lớp thì thầy Tiến Đoàn dành quỹ thời gian còn lại để đi diễn, chụp ảnh, trả lời phỏng vấn, tham gia vào những hoạt động của giới showbiz.

"Khi lựa chọn ngành cơ khí tôi không nghĩ sẽ ở lại trường để tham gia giảng dạy. Theo thời gian, chính sự luyến tiếc những ký ức đẹp của thời sinh viên đã giữ tôi lại trường, niềm đam mê công việc đã khiến tôi vẫn là giảng viên hơn 3 năm rồi song song với việc làm người mẫu.



Tiến Đoàn có hơn 3 năm giảng dạy ngành cơ khí


Còn nói về con đường sự nghiệp tương lai, nếu có sự thay đổi về nghề nghiệp hay môi trường làm việc đối với cá nhân tôi thì cũng bình thường khi tôi vẫn còn là người trẻ. Là người trẻ nghĩa là sống với đam mê và biết dấn thân. Tuy thế, hiện tại tôi vẫn không mong có sự thay đổi nào, tôi vẫn muốn gắn bó với ĐH Cần Thơ", siêu mẫu Tiến Đoàn tâm sự.

Sự thay đổi và cũng là sự xáo trộn mang tính chất thử thách đáng kể nhất đối với Tiến Đoàn chính là khi anh đăng quang ngôi vị cao nhất của cuộc thi Nam vương Quốc tế 2008 (Mister International) và phải sang Singapore để thực hiện "nghĩa vụ trai đẹp" trong vòng một năm.

Vào những ngày cuối cùng hoàn thành "nghĩa vụ", anh nhìn lại chặng đường đã qua mà thở phào: "Tôi đã xác định công việc tại trường luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, không chỉ sau khi đạt danh hiệu Mister International.

Chỉ sau khi đã hoàn thành công việc của trường tôi mới có thể làm việc khác, với sự đồng ý của các thầy, cô phụ trách. Chuyện lịch diễn trùng với lịch giảng dạy diễn ra thường xuyên.

Cũng có nhiều lời bàn tán về việc tôi "hơi kén" show diễn với nhiều lời giải thích tôi thế này hay thế khác.

Với tôi chỉ có một lời giải thích, đó là do trùng với lịch dạy của mình. Tuy vậy, tôi cũng sẽ cố gắng sắp xếp trong phạm vi có thể để tham gia nhiều nhất công việc thuộc lĩnh vực nghệ thuật mà mình yêu thích".



Hồ Trung Dũng, ca sĩ kiêm giảng viên khoa tiếng Đức tại Đại học KHXH&NV TP.HCM


Ca sĩ Hồ Trung Dũng có 5 năm là thành viên của nhóm bè Cadillac thì cũng có 5 năm là giảng viên khoa tiếng Đức tại Đại học KHXH&NV TP.HCM.

Tác giả ca khúc "Hoài niệm" (do ca sĩ Lam Trường thể hiện) được giải Bài hát Việt tháng 6-2006 nay đã ra hát solo, vừa phát hành album riêng, nhưng công việc giảng dạy của anh thì vẫn coi như "nghiệp", bên cạnh "nghề" ca sĩ.

Khi học năm đến năm thứ 3 thì Hồ Trung Dũng nhận được lời mời ở lại trường. Giảng viên trẻ (sinh năm 1982) này nói: "Nhiều người cứ ngỡ công việc hát bè không đủ sống nên Dũng phải đi dạy để có thu nhập ổn định hơn.

Thực tế thu nhập ở Cadillac không chỉ nuôi dưỡng được đam mê ca hát của Dũng mà còn giúp anh sống thoải mái với nghề. Dũng đi dạy vì không muốn bỏ quên cái nghề mình được đào tạo và từng nuôi ước mơ được học cao hơn. Còn ca hát, có lẽ là "duyên trời định".




Có thời gian Hồ Trung Dũng qua Đức du học, dự tính sẽ ở lại cho đến khi hoàn tất chương trình thạc sĩ.

Tuy nhiên, học được hơn một năm thì mẹ anh bệnh nặng và qua đời. Sau cú sốc đó Hồ Trung Dũng về Việt Nam luôn, tiếp tục việc học tại Trường ĐH KHXH&NV và theo đuổi nghiệp hát bè. "May mà mình còn có âm nhạc để… trốn vào", anh nói.

Giảng viên là "hot boy": Lắm "ca" khó xử

Có điều gì thú vị khi một giảng viên đồng thời là một "hot boy" trong trường? Theo các giảng viên Nam vương Ngô Tiến Đoàn, MC Trịnh Lê Anh (giảng viên ngành Du lịch học, ĐH Quốc gia Hà Nội, còn đang là thầy giáo dạy MC), MC Nguyễn Khắc Nguyện (từng dẫn chương trình Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2008 tại Nha Trang, làm giảng viên các chương trình liên kết đào tạo của trường Đại học Kinh tế TP.HCM và một số trung tâm) hay ca sĩ Hồ Trung Dũng thì điều đó chưa chắc đã thú vị vì môi trường sư phạm và môi trường showbiz đâu có giống nhau, nếu lẫn lộn vai trò là "đơ" luôn!

Ví dụ, nếu ở trường, các nữ sinh viên trong lớp "mê" thầy, muốn lên lớp chỉ để ngắm thầy hay tỏ ra yêu quý các thầy vừa là giảng viên, vừa là người nổi tiếng hơn là những giảng viên khác thì giải quyết thế nào? Theo thầy Ngô Tiến Đoàn "đó là những điều có thể xảy ra và là điều tôi không mong muốn".



MC Trịnh Lê Anh, giảng viên ngành Du lịch học, ĐH Quốc gia Hà Nội



Đúng là đã có tình huống ở trường, có sinh viên nữ thích "ngắm nghía", "tăm tia" một thầy giáo có ngoại hình của một siêu mẫu đạt đến tầm quốc tế nên thầy Tiến Đoàn phải "phân bua" rằng: "Suy nghĩ và hành động của người khác là tự do cá nhân và tự do này được đề cao hơn trong môi trường đại học.

Không giống với kiểu hâm mộ ở bậc phổ thông, các sinh viên đã đủ năng lực để kiểm soát hành vi của mình. Với tôi, những cách bộc lộ như vậy là không sai, nó chỉ đặt chưa đúng chỗ và thời điểm mà thôi. Tôi trân trọng tất cả những tình cảm của sinh viên dành cho mình tuy nhiên tôi đều yêu cầu việc học phải được đặt lên hàng đầu trong môi trường sư phạm".

Còn giảng viên ĐH kiêm MC Trịnh Lê Anh bày tỏ: "Khi đến trường mà được các sinh viên nữ quan tâm đặc biệt như thế thì tôi tự hào và… cảm ơn trời vì diễm phúc ấy. Tuy nhiên thế cũng hơi phiền vì bên ngoài sân khấu và trường quay tôi ăn mặc khá… tuềnh toàng nên hay bị soi.

MC Trịnh Lê Anh kể thêm: "Có một bạn sinh viên bị bạn bè đồn thổi là "hâm hâm" nhưng tôi vẫn nhận hướng dẫn đề tài khoa học sinh viên cho bạn ấy, kết quả công trình được giải Nhì cấp trường. Các sinh viên nói vui: tôi không chỉ hướng dẫn kiến thức mà còn hướng dẫn bạn ấy cách trình bày trước đám đông. Khi tôi đi coi thi đại học thì luôn thấy thí sinh lao xao chỉ trỏ, có em không làm được bài ngồi vẽ… tôi hoặc làm thơ, có em làm bài xong chạy ra nói: năm sau em sẽ thi lại… vào khoa của thầy!".




Có một điều khá rõ với các giảng viên kiêm người nổi tiếng là tiền thù lao cho việc đứng trên bục giảng rõ ràng là kém hẳn so với tiền cát xê. Cũng chính vì vậy mà các thầy này ít ai phải "cố" đi dạy thêm để tích lũy tiền. Phải chăng các thầy muốn giữ cả nghề dạy và vẫn theo nghiệp diễn vì làm giảng viên thì được tiếng là "oai" còn làm MC hay người mẫu thì có nhiều tiền?

Điều này được thầy trẻ Trịnh Lê Anh "khai báo" thật thà: "Tôi thường sắp xếp lịch làm việc ít nhất trước 2 tuần. Nếu không thể điều chỉnh được thì tôi phải hy sinh một trong hai việc dạy hoặc diễn, tùy theo. Đồng nghiệp nhìn lịch trong điện thoại của tôi chỉ cười mà nói "Làm để chết ah?!".

Đấy, muốn ăn thì phải lăn vào bếp thôi chứ còn cách nào khác! Ngoài ra, tôi cũng buộc phải giảm bớt các công việc sự vụ để vẫn có thể tập trung vào chuyên môn giảng dạy và nghiên cứu. Đừng chỉ nhìn tôi có mặt ở trường. Giảng viên bây giờ cũng cần thương hiệu đấy!".
Các giảng viên - ngôi sao muốn giữ hình ảnh thế nào trong mắt sinh viên?

- Trịnh Lê Anh: Một thầy giáo trẻ năng động, quyết đoán, tâm huyết và trí thức. Một người bạn giảng đường của họ và một người bạn ngoài đời, có thể là một đối tác sau này!

- Ngô Tiến Đoàn: Một người cán bộ giảng dạy thực sự… trẻ.

Các thầy có dự định gắn bó với trường lâu dài chứ và có dự định học cao hơn?

- Trịnh Lê Anh: Tôi sẽ gắn bó với nơi cho tôi cơ hội. Bằng thạc sĩ tôi lấy lâu rồi, bây giờ còn đang "nợ" nhà trường việc làm tiến sĩ, chắc chắn nay mai thôi!

- Ngô Tiến Đoàn: Việc học lên để nâng cao kiến thức không những là trách nhiệm của bản thân đối với trường mà còn đối với cả sinh viên của tôi. Hiện tại tôi chưa sắp xếp được thời gian nhưng đã nói là trách nhiệm thì phải làm.

Nếu một sinh viên muốn các thầy đưa ra lời khuyên cho họ để vươn tới sự thành công, các thầy sẽ đề cập đến điều gì?

- Trịnh Lê Anh: Không có câu trả lời chung, mà đối với mỗi bạn mà tôi biết, tôi căn cứ vào xuất phát điểm, điều kiện, nội lực và tâm huyết của bạn ấy để có ý kiến, không loại trừ phân tích môi trường xung quanh. Thường thì tôi thấy các bạn sinh viên hay bị thiếu một sự nghiêm túc thật sự, tâm lý vẫn là "cả thèm chóng chán".

Có điều gì thầy muốn gửi gắm đến với sinh viên của mình nhân năm học mới?

- Trịnh Lê Anh: Hãy nghiêm túc và đặt mục tiêu cho mình ngay từ ngày đầu tiên, kể cả học và chơi. Hãy tiếc thời gian bạn ơi!

- Ngô Tiến Đoàn: Đầu năm học nào cũng vậy, trong buổi họp lớp với sinh viên của mình tôi đều nói với các bạn ấy rằng "các em vào đại học là để… HỌC!

Danh Anh


Bài viết bạn vừa đọc nằm trong ấn phẩm:

Sinh viên Việt Nam số 36
Phát hành ngày: 07.09.2009
Giá bán: 4.500đ

Với nhiều thông tin cực HOT vô cùng hấp dẫn, Sinh viên Việt Nam phiên bản mới phát hành đều đặn vào thứ Hai hàng tuần tại các sạp báo trên Toàn quốc,

Mời bạn đón đọc!



Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)