Teen 24h 2009-08-05 00:01:00

Khi xì tin vênh mặt khinh người


"Con nhà nhặt rác, tao chưa động đến mày thì thôi, cười cái gì mà cười?", M. sững sờ bỏ chạy, sau đó là bật khóc vì câu nói đầy vẻ khinh miệt của cậu bạn cùng lớp…
Với cuộc sống ăn no mặc ấm, được bố mẹ chăm sóc nâng niu, một bộ phận teen, chủ yếu là teen thành phố đã có những thái độ khinh thường quá đáng với người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, từ những người công nhân, bán hàng, thợ xây vất vả, thậm chí là bạn bè, cho đến những người hành khất đáng thương..

Những câu nói làm tổn thương lòng tự trọng

Trong giờ ra chơi, M. và một nhóm bạn đang đứng ở hành lang nói chuyện rất vui vẻ. Khi một cậu bạn làm trò, cả nhóm cùng cười. Bỗng cậu bạn đó nhìn M. cười khẩy: "Con nhà nhặt rác, tao chưa động đến mày thì thôi, cười cái gì mà cười?", M. sững sờ bỏ chạy và tâm sự trong nước mắt: "Tớ không làm gì bạn ý cả. Mà kể cả mẹ tớ có làm nghề thu gom giấy vụn đi chăng nữa thì đó cũng là một nghề, đáng được trân trọng chứ. Bạn ý nói bằng giọng khinh thường ấy, không biết rằng người đối diện cảm thấy bị xúc phạm lắm sao?".

Trường THPT N. đang sửa chữa dở, hàng ngày có rất nhiều bác thợ xây, những thanh niên phụ hồ làm việc, đi qua đi lại các lớp học của các bạn, ai cũng làm việc hăng say để làm xong càng sớm càng tốt. Thế nhưng khi nhìn thấy họ bộ dạng lấm lem, nhiều teen lại bĩu môi, trêu nhau đó là chồng của bạn này bạn khác rồi cười phá lên. Mấy người thợ xây đó nghe thấy, nhìn học sinh chỉ trỏ mình, cũng chỉ lắc đầu mà quay đi.
Còn như ở lớp học của N.A, một nhóm bạn rất thích truy tìm tên bố mẹ của các bạn trong lớp để trêu chọc. Mỗi khi gọi tên bạn bè, thay vì gọi tên thật, các bạn ấy lại gọi bằng tên bố mẹ bạn kèm với 1 biệt danh nghe rất phản cảm như: "Lợi sứt", "Tiểu Đường", "Huyền Đô"…Liệu những biệt danh này đến tai người lớn thì sẽ ra sao? Không chỉ thế, mỗi khi giận nhau, nhóm bạn ấy cũng mang tên bố mẹ bạn mình ra để chửi, nói tục rất phản cảm. N.A nói: "Nghe các bạn ấy chửi mình thôi đã không chịu được, huống chi nói đến bố mẹ mình thì càng không thể chấp nhận. Dù gì bố mẹ mình cũng ngang hàng bố mẹ các bạn ý ở nhà, những bạn như vậy chắc chắn cũng không lễ phép với bố mẹ đâu. Tụi tớ toàn phải giấu không cho các bạn ý biết tên bố mẹ thôi!".

Hay như nhóm bạn của D. cùng nhau kéo về quê nhân dịp nghỉ hè, sau một hồi "pose" được rất nhiều ảnh, các bạn ngồi uống nước và xem ảnh, vô tư bình luận rằng ảnh này đẹp, ảnh kia xấu như "nhà quê”. Không chỉ vậy, trước cổng trường nhóm bạn D. có một bà cụ ăn mày rất đáng thương, có teen thương cảm thì dành dụm chút tiền ăn sáng cho cụ, nhưng nhóm D. đã không làm vậy thì thôi, lại còn nô đùa xô đẩy nhau va vào cụ già, rồi thì không có lấy một tiếng xin lỗi. Các bạn ấy hồn nhiên nói rằng thực ra những người ăn mày không nghèo đâu, họ giả vờ đáng thương thế đấy, tớ còn nhìn thấy người ta đi ăn…cháo lòng tiết canh cơ mà.


Hãy cẩn thận, lời nói của bạn có thể làm người khác đau lòng đấy! (Ảnh minh họa)
Đằng sau những sự việc đó…

Câu bạn của M. còn đi rêu rao khắp nơi cái biệt danh "Con nhà nhặt rác" của M. Một số bạn bè khác không đồng tình bênh vực, còn một số bạn khác lại hùa vào trêu chọc M. Điều đó khiến bạn rất mặc cảm, tự ti về bản thân, ít nói, ít hoạt động tập thể hơn hẳn. Một tình bạn tan vỡ, kéo theo sự tự ti của một cô bạn vốn hòa đồng, chắc chắn không ai muốn, đúng không?

Các chú thợ xây ở trường THPT N. biết các học sinh có thái độ với mình, nhưng cũng chỉ mặc kệ, mặc dù vậy nhưng có bác khi thấy những đứa trẻ gần bằng tuổi con mình ở nhà cứ chỉ trỏ, cười nói mình thì cũng thấy buồn cho một bộ phận học sinh ngày nay. Ở lớp học của N.A, có hai bạn vì xích mích mà mang tên bố mẹ nhau ra nói tục, thế nên cơn giận lại lên tới đỉnh điểm hơn, cuộc đánh nhau đã diễn ra, mặc cho bạn bè can ngăn không được. Cuối cùng BGH phải vào cuộc, hai bạn đó vừa chịu đòn đau, lại làm mất lòng tin của bố mẹ, thầy cô, và bạn bè nữa.

Những câu nói kiểu dạng “nhà quê” của nhóm D. đến tai cô hàng nước, và cô ấy nói rằng: "Các cháu ở Thành phố về, cô không dám so sánh, nhưng mà các cháu đừng hạ thấp chúng cô bằng cái từ "nhà quê" ấy, cô tủi thân lắm, bố mẹ các cháu chẳng lẽ là người thành phố hết sao?". Cả nhóm lặng đi. Còn nhóm bạn D. hôm đó học được một bài học kinh nghiệm thấm thía, cẩn trọng hơn trong cách dùng từ, nhất là từ "nhà quê" mà trước kia các bạn dùng vô tư lắm. Ai mà chẳng có quê hương của mình, nét "quê" giản dị sâu sắc, nếu không có "nhà quê" ấy, chắc gì thành phố đã được như bây giờ? Còn về bà cụ ăn xin, bà cụ già yếu không nơi nương tựa thì mới phải đi ăn xin như vậy, ngày nào có được chút tiền thì bà đi ăn một bát cháo ngon, chẳng lẽ như thế là giàu sao? Trong khi nhiều teen có thể vung phí của bố mẹ hàng trăm nghìn cho những bữa ăn chơi hoang phí tại nhà hàng.

Kết:

Những gì bạn nói, làm thể hiện bản chất, thái độ, tình cảm, và cả sự tôn trọng của bạn đối với người nghe. Cuộc sống không ai là hoàn hảo cả, nếu mình may mắn hơn người khác một chút thì hãy quí trọng điều đó và hãy biết chia sẻ với người kém may mắn hơn mình teen nhé! Thêm nữa đúng là "Lời nói chẳng mất tiền mua" thật, thế nên dại gì mà không suy nghĩ kĩ trước khi nói, khi làm teen nhỉ?
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)