Mỏ “vàng xanh”
Nằm ở xã thuộc huyện miền núi xa nhất của Quảng Ngãi, thế nhưng rừng Trút chỉ cách tuyến giao thông Di Lăng-Trà Trung chưa đầy 6km và có đường để ô tô chạy đến tận nơi.
Với vị trí đầy “thuận lợi” và núi xung quanh đã bị “cạo sạch”, thì sự tồn tại gần như nguyên vẹn hàng trăm héc ta của khu rừng Trút từ bao đời nay đã làm chúng tôi ngạc nhiên đến mức sững sờ.
Rừng Trút nhìn từ ngoài vào |
Riêng tại điểm bên trong, cách bìa rừng phía tây khoảng 20m, có một cây lim xanh cao ước trên 25m, gốc to đến 12 người ôm cũng không xuể.
Một góc bên trong của rừng Trút |
Những “thần rừng” thời hiện đại
Trong khi nhiều người vì cái lợi trước mắt đã tìm đủ mọi cách phá rừng để lấy gỗ, thì 7 hộ dân ở tổ 4, thôn Xanh, xã Trà Trung, huyện Tây Trà lại ngày đêm canh giữ rừng Trút, với một suy nghĩ đơn giản để con thú có chỗ ở không phải bỏ đi nơi khác; con chim có cây để đậu, làm tổ. Và mùa khô, con suối sẽ không bị cạn để người trong làng lấy nước về dùng.
Già làng Hồ Văn Ba (71 tuổi), nhớ lại: "Hồi còn giặc Mỹ, có lần thấy máy bay vòng quanh, sợ nó phun lửa, bỏ chất độc để phá khu rừng này nên tao đã lấy súng bắn đuổi. Dù đang giữ cả một “kho” gỗ quý với đủ loại: Lim, dổi…thế nhưng 100% ngôi nhà ở thôn 4 đều làm bằng các loại gỗ tạp. Nếu tao đốn làm nhà được thì người khác cũng sẽ làm theo, vậy thì rừng sẽ mất đi rất nhiều cây".
Già Ba bên một cây lim trên 600 năm tuổi |
“H”, một tay lâm tặc có tiếng ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà đã hoàn lương kể, cách đây 3 năm đã đích thân cầm gần 200 triệu đồng sang, với mục đích mua sự im lặng của các hộ dân làng này để cho cả nhóm hạ 2 cây lim xanh. Tưởng rằng với số tiền quá lớn như vậy thì mọi người sẽ đồng ý, nào ngờ đáp lại chỉ là những cái lắc đầu đầy kiên quyết, dù số tiền sau đó được nâng lên gần 300 triệu đồng.
Theo người dân trong tổ, thì số vụ lâm tặc xâm nhập rừng Trút để khai thác trong vòng 10 năm qua tính chưa hết 1 bàn tay xoè. Và hầu như chưa có vụ nào mà lâm tặc hạ và đưa được gỗ ra khỏi khu rừng này. Chính nhờ vậy mà rừng Trút rộng đến cả trăm héc ta, với hàng trăm cây gỗ quí vẫn bình yên vô sự cho đến ngày hôm nay.