[Kênh14] - "Đầu tháng 4 tuyết vừa tan, trời vẫn còn 6-7 độ, đêm hôm đấy tôi ngồi trong phòng một mình, lạnh toát, không điện thoại, không máy tính, không internet, không chăn, không nệm, và sợ nhất, không biết làm cách nào để có mấy thứ đó…"
Ở.
Tôi may vào được ký túc xá của trường. Nghĩa là không phải lo nghĩ về phương tiện đi học, KTX nằm trong khuôn viên trường mà. Nói thế thôi chứ ký túc và tòa nhà phòng học ở đầu này đầu kia trường, mỗi sáng cũng mất 10 phút đi bộ, bằng tầm từ cồng Parabol đến cổng Tạ Quang Bửu của Bách Khoa Hà Nội.
Hôm đầu tiên nhận phòng, trong phòng có một chiếc giường với 1 cái đệm, 1 lò sưởi, 1 cái bàn ghép giá sách, 1 tủ quần áo. Bạn có thấy thiếu cái gì không? Chăn và nệm! Đầu tháng 4 tuyết vừa tan, trời vẫn còn 6-7 độ, không chăn thì ngủ sao? Trước khi sang có mấy đứa trong nhóm khôn, liên lạc trước hỏi xin chăn nệm của các anh chị mà chẳng bảo tôi làm với. Mà chăn nệm thừa của các anh chị thì cũng có giới hạn, 9 đứa làm sao đủ hết được. Đêm hôm đấy tôi ngồi trong phòng một mình, lạnh toát, không điện thoại, không máy tính, không internet, không chăn, không nệm, và sợ nhất, không biết làm cách nào để có mấy thứ đó. Bình thường thì tôi phải nhớ nhà đúng không? Nhưng tôi chẳng nhớ gì cả. Tôi vốn xa nhà từ những năm cấp 3, quen rồi. Tôi chỉ cảm thấy hào hứng muốn tới ngày mai thật nhanh để lao ra ngoài khám phá những khu phố tấp nập người đi bộ, những con đường sạch sẽ mà tôi đã nhìn thấy lúc ngồi xe trên đường về trường mà thôi. Đang lo lắng nhìn đi nhìn lại, may thấy phòng có trang bị lò sưởi ga. Bật lên một lúc cả căn phòng nóng bừng như mùa hè, tôi đắp áo khoác rồi ngủ thiếp đi.
Phòng tác giả ở KTX. Thời gian: Đến Nhật 3 tháng. (Trong hình này, TV, máy tính, ghế, nồi cơm điện là đi nhặt về)
Sau này nhặt được đồ, tôi “trang hoàng” phòng với thảm, ti-vi, mắc áo, ghế, tủ lạnh, máy tính… tất cả đều nhặt từ bãi rác về hết. Tôi rất thích phòng KTX ở chỗ tuy bé nhưng biệt lập mỗi người một phòng, cửa kim loại kiên cố (có vẻ rất khó phá), giá lại rẻ chỉ có khoảng 100 USD mỗi tháng tính cả điện nước. Bọn bạn tôi ở trên thành phố lớn như Tokyo bảo KTX của tụi nó ở phải mất 300-400USD một tháng, nhưng cũng còn rẻ bằng nửa so với giá thuê ngoài. Thảo nào SV nào cũng muốn vào KTX. Trường giới hạn mỗi người được ở tối đa 2 năm, sau này tôi chuyển sang nhà trọ thường cũng mất 400 USD một tháng.
Ăn.
Trong phòng tôi có rất ít thứ không xuất thân từ bãi rác. Một trong số những cái đó là bộ đồ nấu ăn: nồi niêu xong chảo bát đũa mà tôi mua từ cửa hàng 100 yen. Lúc mới sang chưa quen ăn đồ Nhật, bọn tôi toàn đi chợ mua đồ ăn về nấu mà. Nói là chợ, chứ làm gì có. Toàn siêu thị thôi, thịt thà rau cải, cà rốt đều được đóng gói tử tế. Rất may cho người chưa bao giờ biết mặc cả như tôi, cứ nhìn giá mà chọn thôi.
Ở Nhật này trong các loại thịt rẻ nhất là thịt gà. Cánh gà chặt ra bán khoảng 80 yen/ lạng, cánh trên (trông như cái đùi đấy) cũng thế. Siêu rẻ là lườn gà (chỗ người ta làm xé phay ấy): 50 yen/ lạng. Tỷ giá 100 yen = 17.000 nhé. Tim lợn, lưỡi lợn cũng rẻ: tầm 100 yen / lạng. Có mấy loại thịt rẻ đấy thôi, bọn tôi cứ thế diễn đi diễn lại, hết xào lại luộc.
Phòng sinh hoạt chung trong trường DH CN Nagaoka. Thời gian: Đến Nhật 3 tháng. (Tác giả và sinh viên Nhật tự nấu món Okonomiyaki)
Các loại nước uống thì siêu rẻ so với mặt bằng thực phẩm, bọn tôi chẳng bao giờ uống nước trắng cả. Coca cola 180 yen/ chai 1.5 l. Các loại nước cam, nước táo cũng tầm 100 yen- 200 yen/ chai 1.5l. Đặc biệt là sữa. Ở Nhật có 2 thứ đồ ăn rẻ hơn Việt Nam: trứng và sữa mà. Sữa thì tầm 100 – 300 yen / chai 1.5l tùy chất lượng, trứng thì cũng 100 – 200 yen/ vỉ 12 quả.
Siêu thị gần nhất cũng cách KTX cũng phải 3 – 4 km. Sau khi có xe đạp bọn tôi thường rủ nhau đạp xe đi chợ sau khi tan học. Cả nhóm 3 – 4 đứa vừa đổ dốc vèo vèo vừa la hét ầm ĩ. Chỉ khổ lúc về, dắt xe lên dốc với cái giỏ xe nặng trĩu đồ ăn thức uống đứa nào cũng thở phì phò. Phép tính đơn giản, mua 6 chai nước 1.5l là cũng gần 10kg rồi mà. J Ở Nhật các loại thịt, rau đều có dán hạn sử dụng. Thường sau khi thái ra, thịt chỉ có thời hạn sử dụng 2 – 3 ngày. Hết hạn mà không bán được là nhân viên siêu thị đem vất đi, không thương tiếc. Khoảng 8h tối trước hôm hết hạn sử dụng, người ta thường dán mấy cái tem “giảm giá 20%”, “giảm giá 30%” hay “giảm giá một nửa”. Nhìn thấy cái tem đỏ chót là bọn tôi sướng rơn, quơ vội. Chợ xa đi khó nên mỗi lần bọn tôi đi thường mua đồ ăn phần cả tuần, về tống vào ngăn đá để quá hạn cả tuần ăn vẫn không sao (chắc vậy?). Mùa đông tuyết ngập đến nửa tầng 1 bọn tôi nói đùa nhau mở cửa sổ đút đồ ăn vào tuyết luôn, khỏi cần bật tủ lạnh chi cho tốn điện!
Bọn tôi cứ tưởng tự nấu ăn là bọn tôi tiết kiệm, ai dè nghe lỏm ngườiNhật nói chuyện nhiều đứa còn tiết kiệm gấp mấy lần bọn tôi. Có lần tôi ngồi cùng với nhóm bạn Nhật, có đứa nói: “Tao ngày ăn 2 bữa ở nhà ăn SV, cả tháng mất tầm 3 vạn yen (300 USD) tiền ăn”. Đứa thứ hai bảo “Tao chỉ mua thịt giảm nửa giá thôi, tự nấu cơm, ăn với thịt, với súp miso (loại súp truyền thống của Nhật làm từ đậu). Mỗi tháng mất 2 vạn”. Nghe như phần mở đầu của truyện cười đấy nhỉ hihi. J Đến thằng thứ ba, nó bảo: “Tao đang cố gắng giảm tiền ăn mỗi tháng xuống còn 1 vạn.” Cả bọn tròn mắt hỏi nó: Làm sao thế được. Nó bắt đầu tính toán: “Này nhé ngày nấu 2 bữa mang đến trường mỗi bữa 150 yen. Gạo khoảng 200 g là tầm 60 yen, 2 quả trứng là 40 yen, tiền gas để nấu là mất 15 yen, còn thừa 35 yen thì thêm thắt món phụ như rong biển, đồ rán…” Tôi chịu, tôi chẳng bao giờ tính toán được chi li từng yen như vậy.
Trước ngày tới Nhật tôi cứ tưởng đất nước giàu như thế này thì mọi người dân đều giàu, tiêu xài thoải mái. Gặp SV Nhật mới thấy phục ý chí của họ. Nhiều người thà vay học bổng trợ cấp (sau này đi làm phải trả lại), ngủ 4 tiếng một ngày, ngày đi học ban đêm đi làm thêm đứng quầy bán hàng ở các của hàng Tiện lợi để kiếm đủ tiền ăn ở chứ nhất quyết không chịu nhận tiền gia đình. Mà con gái hẳn hoi nhé. SV Nhật còn nhìn bọn tôi như những “người giàu”, vì dân lưu học sinh phần lớn nhận học bổng không phải trả lại như họ, đủ tiêu xài thoải mái không phải so đo tính toán.
Ở lâu cũng quen, sau này tôi ăn được tất cả các thể loại đồ ăn của Nhật, thành ra lười, ngày 2 bữa trưa tối ăn ở nhà ăn SV luôn. Tuy các món lặp đi lặp lại nhưng được cái rẻ, 400 yen một bữa. Có mấy món đặc trưng của Nhật như sushi (cá sống để trên 1 miếng cơm), sashimi (cá sống), ban đầu tôi cố nhắm mắt nhắm mũi đưa vào miệng, nhai như ăn cao su, nhưng về sau quen thì dân lưu học sinh chúng tôi ăn gấp đôi người Nhật. Nói không phải đua đòi, nhưng giờ khi đói thì sashimi là món quyến rũ tôi nhất!
Tắm ofuro.
Phòng KTX của tôi có toilet nhưng không có nhà tắm bên trong. Cứ 10 phòng thì có 2 nhà tắm chung. Tắm thì miễn phí, nhưng muốn có nước nóng thì phải bỏ tiền vào máy. Cứ 100 yen được 10 phút nước nóng. Đúng ra là như vậy, nhưng mấy tay Trung Quốc hack kiểu gì mà không cần bỏ tiền vào vẫn có nước nóng. Trường sửa hôm trước bọn họ lại hack hôm sau. Thế mà trường chịu thua họ đấy, để cho dùng chùa. Dân VN bọn tôi không biết nên cảm ơn hay nên tức mấy anh TQ.
Phòng tắm ở KTX thì cũng vòi hoa sen thôi, ở đâu chả thế. Nhưng mà người Nhật họ cực thích ngâm mình trong bồn nước nóng (họ gọi là ofuro). Đặc biệt Trong KTX nam SV Nhật có xây hẳn một bể nước nóng to lắm (sento), phải 30m2, trong khi ký túc xá nam Quốc tế thì không có, bất công quá. Hôm toàn bộ SV khóa mới nhập học đi du lịch ra mắt, khách sạn cũng có bể nước nóng. Tôi mới sang không tài nào quen nổi cái cảnh tồng ngồng khỏa thân cùng với mấy chục thằng con trai khác trong 1 bể nước nóng, phải đợi thật khuya mọi người đi ngủ hết rồi mới lén vào thử cảm giác. Nghe lời dặn, sau khi cởi hết quần áo, tôi mang vào trong độc một cái khăn bé tí màu trắng – để che những chỗ cần che khi cần thiết (đó là nam, nữ tôi không biết họ mang vào cái gì). Bên trong, ngoài mấy cái bể nước nóng (mỗi cái có nhiệt độ khác nhau thì phải), xung quang có bài trí hơn chục cái vòi hoa sen thấp để người ta ngồi kỳ cọ người trước khi vào. Tắm xong, tôi thử nhón chân xuống cái bể nước đang bốc khói ngùn ngụt. Nóng giẫy! Tôi rút chân lại ngay. Nóng thế này tắm sao được? Thế nhưng tôi quyết thử bằng được! Đầu tiên là đến đầu gối. Nóng xuýt xoa. Rồi đến hết chân, bụng, ngực. Bể nước nóng có bậc thang đi xuống, chắc để ngồi đợi 1 lúc cho quen dần dần với cái nóng. Cuối cùng tôi cũng ngâm được cả người vào, chừa mỗi cái đầu. Ồ cũng dễ chịu đấy chứ. Nó không nóng như lúc đầu nữa, chỉ thấy hơi nóng thôi. Nhưng mà áp lực nước ép vào làm tôi hơi khó chịu. Nghe lời các anh dặn không được ngâm quá 10 phút, tôi bước lên. Thế là đã biết thế nào là ofuro của Nhật. Sau này tôi quen, tôi tồng ngồng chẳng thấy ngại gì giữa chốn đông người, bọn tôi còn bày đủ thứ trò tinh nghịch trêu đùa nhau nữa.
Dân Nhật họ thoải mái vể cái khoản này. Họ không ngại che giấu hình thể, không ngại nói về các chủ đề nhạy cảm. Nói chuyện với các cô gái, thỉnh thoảng tôi lại xấu hổ vì họ tỉnh bơ đề cập đến những vấn đề tế nhị. Ấy nhưng mà đừng tưởng bở là cô ta thích “ấy” với bạn mà làm bậy nhé, có ngày tra tay vào còng đấy. Họ chỉ nghĩ là đó là hành động bình thường không phải né tránh, chứ không phải là “miễn phí” cho mọi người ai cũng được đâu.
Trường tôi có truyền thống làm album tốt nghiệp mỗi năm để các sinh viên ra trường mang đi làm kỷ niệm. Mỗi phòng thí nghiệm có 2 trang, nếu như có phòng thí nghiệm đưa ảnh tử tế nghiêm túc như giáo sư và sinh viên ngồi xếp hàng chụp ảnh tập thể, thì cũng có phòng thí nghiệm đưa toàn ảnh khỏa thân của các anh chàng (đã được “che mờ” một số chỗ), hoặc ảnh làm các hành động kỳ quặc vào như tấm ảnh này. Thế mà các thầy giáo chẳng ý kiến gì. Tôi thật sự lo lắng không biết các SV nữ khi xem album này nghĩ gì.