Từ xưa, kỹ nữ luôn bị coi thường và khinh miệt trong xã hội của nhiều nền văn minh. Phần đông cho rằng đây là nghề nghiệp thấp hèn, “buôn phấn bán hương” để kiếm sống.
Ít ai biết rằng có những xuất thân từ những chốn ấy, bằng sắc đẹp của mình đã làm khuynh đảo cả xã hội đương thời… Cùng điểm lại cuộc đời đa đoan của một vài kỹ nữ trong lịch sử Việt Nam.
1. Mối tình éo le giữa đào nương - tiến sĩ
Trong xã hội phong kiến, đào hát luôn bị xem là nghề mua vui. Và tất nhiên, những đào nương và kép hát chẳng mấy khi được người đời xem trọng.
Thế nhưng, có một đào nương Việt đã khiến lịch sử phải nể trọng với mối tình ngang trái cùng ông tiến sĩ. Đó là cô đào Diễm Hương.
Hình ảnh các đào nương Việt thời xưa.
Cô Diễm Hương khi ấy là đào hát có tiếng nhất xứ Kinh kỳ. Tại hội làng Dịch Vọng năm ấy, khi Diễm Hương đang hát thì có một chàng trai nghèo đứng lẳng lặng bên cột đình ngắm cô.
Đó chính là Vũ Khâm Lân - chàng thư sinh sau này trở thành tiến sĩ năm 1727. Diễm Hương bất chợt quay ra nhìn Khâm Lân và họ yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Vũ Khâm Lân và cô đào Diễm Hương đã gặp nhau trong một lễ hội như thế này.
Sau đó vài hôm, Diễm Hương tìm đến nơi trọ của Khâm Lân, trao cho ông 10 quan tiền để lo chuyện ăn học. Diễm Hương cũng mạnh bạo thổ lộ tình cảm của mình cho chàng thư sinh nghèo và mong một ngày chàng đỗ đạt vinh quy.
Tình yêu của hai người thắm thiết và vô cùng lãng mạn. Dù là đào hát nhưng Diễm Hương vô cùng chính chuyên. Có lần Khâm Lân muốn Diễm Hương chiều chuộng mình nhưng nàng một mực cự tuyệt, quyết giữ phẩm giá của mình. Từ đó, nàng chỉ gửi tiền đến cho Khâm Lân và không gặp mặt chàng nữa.
Vũ Khâm Lân bị cho là đã bội bạc cô đào Diễm Hương sau khi đỗ Tiến sĩ.
Được sự giúp đỡ của Diễm Hương, Khâm Lân sau này đã đỗ tiến sĩ. Tuy nhiên, vị tiến sĩ này đã cưới con gái của một phú ông khác. Hay tin, Diễm Hương tìm gặp người tình cũ. Khi Khâm Lân giải thích là do bị cha mẹ ép buộc, Diễm Hương vội cắt ngang: “Ông đừng nói nữa. Tôi đã rõ tâm địa kẻ phản bội”.
Cái kết đau lòng đến khi đào nương Diễm Hương ở vậy tới suốt đời. Hơn 20 năm sau, Khâm Lân có tìm lại được cô, nhận nuôi Diễm Hương và mẹ cô. Song, sau khi mẹ mất, Diễm Hương nhất quyết ra đi, coi như đoạn tuyệt với vị tiến sĩ bội bạc.
2. Lý Lệ Hà - người tình của vua Bảo Đại
Vốn xuất thân từ một cô gái nông thôn nghèo ở Hải Phòng nhưng từ năm 1932, Lý Lệ Hà trở thành một kỹ nữ hành nghề “buôn phấn bán hương”.
Nhờ sắc đẹp của mình, cô lên Hà Thành vài năm sau đó, đạt danh hiệu Hoa khôi đầu tiên ở Việt Nam. Sau đó, cô tiếp tục làm vũ nữ cho một vũ trường ở phố Khâm Thiên của Đốc Sao - một vũ nữ lừng danh đất kinh kỳ.
Vua Bảo Đại.
Lý Lệ Hà nổi tiếng khắp nơi với "tài" làm điêu đứng biết bao tay chơi, đại gia cho tới khi gặp ông hoàng đa tình Bảo Đại. Với kinh nghiệm tình trường dày dạn, Lệ Hà liên tục quyến rũ và "hạ gục" ông hoàng Bảo Đại. Nhanh chóng, cô vũ nữ Hà thành chính thức trở thành người tình của hoàng đế.
Trong suốt thời gian Bảo Đại sống ở Hà Nội với tư cách cố vấn tối cao của chính phủ lâm thời Việt Nam, hai người dính chặt nhau như sam.
Một góc phố Khâm Thiên - nơi Lý Lệ Hà từng "buôn phấn bán hương".
Song, Lý Lệ Hà cuối cùng đã bị bỏ rơi. Bảo Đại tiếp tục thú vui ham chơi với những người tình ở Hồng Kông, Trung Quốc…
Còn về phần Lệ Hà, đây là cô vũ nữ hiếm hoi có kết thúc may mắn. Người thời đó kể lại, Lệ Hà sau khi chia tay Bảo Đại đã sang Pháp, kết hôn với một người Pháp và sống tại ngoại thành Paris cho tới cuối cuộc đời.
3. Vũ nữ Cẩm Nhung - nữ hoàng vũ trường Sài Gòn
Không được may mắn như Lý Lệ Hà, Cẩm Nhung - mỹ nhân số 1 Sài thành trước năm 1975 lại có một số phận éo le bi đát. Sở hữu một khuôn mặt đẹp, làn da trắng hồng của con gái xứ Bắc, đôi mắt lẳng lơ cùng thân hình quyến rũ và đôi chân điệu nghệ nhất trong các vũ điệu cuồng say, Cẩm Nhung được rất nhiều công tử đua nhau cung phụng tiền bạc và chiều chuộng.
Song, cô vũ nữ chỉ muốn trở thành trung tá phu nhân. Cẩm Nhung đã cắt đứt mọi quan hệ tình ái phức tạp rồi trở thành bồ nhí của trung tá Thức Công Bình. Ít ai ngờ, tấn bi kịch cuộc đời cô cũng bắt đầu từ đây.
Đường Lê Lợi ở Sài Gòn - nơi Cẩm Nhung thường xuyên đi qua cũng như là nơi bà ngồi ăn xin sau khi gặp tai nạn.
Trước đó, Thức Công Bình đã có một người vợ chính thức. Do đó, Cẩm Nhung đã trở thành nạn nhân của vụ đánh ghen động trời miền Nam thuở ấy.
Ngày 18/07/1963, đồng loạt các báo Sài Gòn đăng tin về việc nữ hoàng vũ trường Cẩm Nhung bị tạt axit vào mặt. Đây chính là vụ tạt axit đánh ghen đầu tiên tại Việt Nam.
Từ một nữ hoàng vũ trường, cuộc đời của Cẩm Nhung xuống dốc không phanh.
Sau vụ việc, Cẩm Nhung được đưa đến bệnh viện Đô Thành (bệnh viện Sài Gòn ngày nay) chữa trị. Nhưng vì vết thương quá nặng, dung nhan của cô đã hoàn toàn bị phá hủy, đôi mắt mù lòa.
Cẩm Nhung từ cuộc sống xa hoa và sung sướng, đã trở nên nghèo hèn và tủi nhục. Giữa năm 1970-1971, người ta thường thấy Cẩm Nhung ngồi bên vệ đường, trên ngực có đeo bức chân dung chụp chung với Thức Công Bình và ăn xin từ người qua đường.