Vừa qua, nhiều người trẻ tuổi ở TP.HCM đã lan truyền nhau một thông tin rằng: có hai nam thanh niên khi đi bơi đã bị một người đàn ông 30 tuổi có hành vi xâm hại tình dục và sau đó bị nhiễm HIV.
Theo lời lan truyền này, trường hợp thứ nhất là của một nam sinh đang trong độ tuổi THPT. Sự việc xảy ra vào khoảng tháng 10-2013, nam sinh này đi học bơi ở một hồ bơi trên địa bàn Q.Tân Bình, Tp.HCM. Ngay buổi học đầu tiên, khi em vào phòng thay đồ để đi về thì bị một thanh niên lạ mặt, dáng người cao to, khoảng 30 tuổi xông vào phòng, bịt chặt miệng em lại không cho la lên và có hành vi lạm dụng tình dục.
Hai buổi học tiếp theo, em cũng bị người lạ mặt này xông vào và làm chuyện tương tự. Khoảng 5-6 tháng sau khi bị lạm dụng, em bắt đầu có biểu hiện ốm yếu, sốt, ho nên gia đình đưa đi khám và phát hiện em có HIV.
Đến nay, gia đình em vẫn chưa báo với nhà trường biết về việc con mình bị lạm dụng khi đi học bơi và đã bị nhiễm HIV.
Nạn nhân thứ hai là sinh viên nam 19 tuổi bị nhiễm HIV và cũng cho biết bị lạm dụng tương tự như vậy ở một hồ bơi tại Q.12. Một lần, khi bơi xong, hồ bơi rất vắng, em vào phòng thay đồ và bị một thanh niên cao lớn, ở độ tuổi ngoài 30 bất ngờ xông vào phòng bịt miệng và cũng có hành vi lạm dụng tình dục. Năm tháng sau, thanh niên này đi xét nghiệm, kết quả dương tính HIV.
Để tìm hiểu rõ hơn sự việc, chúng tôi quyết định xâm nhập thực tế bằng cách… theo chân một người quen tên H. (là một người đồng tính nam), 25 tuổi tại một số hồ bơi và đã phát hiện những sự thật gây sốc.
Đàn ông đến hồ bơi không hẳn để bơi
H. khẳng định: “Thực tế có nhiều nam giới, thậm chí là đã đeo nhẫn cưới, đến hồ bơi không chỉ để bơi mà chủ yếu là để dòm ngó, tìm bạn đồng tính”. Tuy nhiên H. vẫn chưa nghe tin nào về một người đồng tính lây HIV như thế.
Chúng tôi theo chân H. đến hồ bơi N. - nơi tập trung khá nhiều dân đồng tính đến bơi vào mỗi chiều. Tại đây chúng tôi thấy có nhiều nam giới đứng, ngồi trước phòng thay đồ, như đang chờ đợi ai đó. H. giải thích: “Họ ở đây để “địa hàng”, tức là tìm người đồng giới vừa mắt, hoặc chỉ đi ra đi vào nhìn những người đang thay đồ, đang tắm chứ không hẳn là vô bơi”.
Đến hồ bơi chưa hẳn là đi bơi
Chúng tôi bước vào một phòng thay đồ của nam. Y như rằng: hễ một người bước vào thì có đến 50% nam giới đang đứng trong đó đều nhìn chằm chằm, dò xét xem người này thuộc “hệ” gì, đẹp xấu ra sao.
Chúng tôi xuống hồ bơi và ngồi yên ở một góc. H. giải thích cách thức gạ tình ở hồ bơi bằng cách thị phạm “trực quan sinh động”. H. bơi bằng các kiểu quẩy đạp lóng ngóng. Ít phút sau một người đàn ông bơi lại gần hỏi han: “Mới đi bơi hả?” - “Dạ” - “Để anh dạy cho”. Không cần đợi H. đồng ý, người đàn ông liền áp sát, dùng tay nâng H. lên và hướng dẫn.
Tay của “huấn luyện viên” này đưa lên đưa xuống và cố tình đụng chạm nhiều lần vào chỗ nhạy cảm của “học viên”. Sau này H. giải thích: Nếu mình im lặng đồng nghĩa với việc là đồng ý.
Khi chúng tôi lên bờ vào phòng thay đồ, người đàn ông cũng theo sau, đẩy cửa phòng tắm của H. xin vào tắm chung.
Những người đồng tính dễ dàng nhận ra nhau nơi hồ bơi.
Đến một số hồ bơi khác, chúng tôi cũng bắt gặp những mô-típ tương tự thế: những ánh mắt "địa" nhau ở khắp nơi, tắm/thay đồ chung hoặc tắm cạnh nhau, chờ nhau ở trước phòng thay đồ, nhà xe để xin số điện thoại của nhau.
Thậm chí số điện thoại được ghi sẵn lại trên nhà vệ sinh của hồ bơi, kèm lời mời gọi và hình vẽ nhạy cảm.
Với vai trò là người tìm hiểu về an ninh tại các hồ bơi, chúng tôi thẳng thắn trò chuyện với một vài người đi bơi. Lâm là sinh viên năm 3 ĐH Hồng Bàng, người gốc Sài Gòn. Lâm đã đi bơi từ 4 năm nay ở nhiều hồ bơi khác nhau. Anh nói về cấu trúc trong các nhà tắm: “Đa phần các nhà tắm đều có phần vòi tắm lộ thiên. Bên cạnh đó là một dãy phòng tắm riêng. Các phòng này có màn che bằng vải hoặc các cửa, thường đã hư chốt, che được tầm ngang gối đến ngực”.
Riêng hồ bơi Tản Đà (Quận 5) hoàn toàn không có phòng tắm riêng mà chỉ có những vách ngăn tách biệt, mỗi ngăn vừa vặn cho một người đứng cùng vòi hoa sen. Bảo vệ của hồ bơi giải thích với chúng tôi: “Con gái thì ý tứ và cần sự kín đáo, ít khi nào họ chịu “khoe thân” tắm chung như con trai nên không có phòng riêng thì họ không chịu tắm đâu. Còn đàn ông con trai với nhau thì thường tắm qua loa và nghĩ “ai cũng như ai” nên tắm thế nào cũng được".
Đó cũng là “địa lợi, nhân hòa” để những người đồng tính tìm đến.
Phòng tắm nam không có cửa và được che bằng một tấm rèm mỏng
Nói về lịch sử bị quấy rối, Lâm kể: “Cũng nhiều lần có người đẩy cửa, kéo màn xin vào tắm chung, nhưng nếu mình cương quyết đẩy ra thì không ai dám làm liều xông vô. Trừ khi mình dễ dãi.”
Hỏi về vai trò của bảo vệ và nhân viên giữ đồ, một người bơi khác cho biết: “Có những nơi nhân viên giữ đồ không ở ngay phòng thay đồ, như vậy những người đồng tính tha hồ tắm chung với nhau. Hoặc nhân viên ở ngay đó, nhưng họ cũng không thể cứ nhìn vào các chàng trai đang tắm, thi thoảng họ lơ đi, hoặc ngồi đọc báo”.
Một người đồng tính tên K. cho biết về cách thức tìm bạn tình: “Khi đã thấy ưng mắt nhau và đối phương cũng bật tín hiệu lại thì hai đối tượng sẽ vào tắm chung để sờ mó hoặc thỏa mãn nhau bằng tay. Nếu muốn xa nữa thì ra ngoài, đi khách sạn hoặc xin số điện thoại để liên lạc về sau. Chỉ khi nào ở chỗ có phòng tắm kín, che được cả phần đầu và chân, họ mới đi quá xa. Nhưng phòng tắm dạng vậy rất ít”.
Về khả năng bị xâm hại trong phòng thay đồ đến mức bị nhiễm HIV, K. thẳng thắn: “Trong phòng tắm rất trơn trợt, không dễ gì mà níu giữ ai đó. Thêm nữa cách quan hệ giữa nam - nam không phải dễ như giữa nam - nữ. Tuy nhiên với lối sống bừa bãi thì sớm muộn gì cũng nhiễm HIV”.
Anh Tân - bảo vệ Hồ bơi L. cho biết: “Chúng tôi vẫn đi kiểm tra thường xuyên để đảm bảo an ninh xung quanh. Với những người mắc bệnh ngoài da, hoặc lở loét lộ liễu, chúng tôi lịch sự nhắc nhở họ nên cân nhắc việc nên xuống hồ bơi hay không”.
Hỏi về “nạn” người đồng tính phá rối phòng tắm, anh bực bội nói: “Còn chuyện trong phòng tắm nếu họ phản ánh chuyện bất ổn thì chúng tôi mới can thiệp. Chúng tôi vẫn ở ngay đây (cửa phòng thay đồ) chứ đâu xa. Còn như họ thích quá, họ thỏa hiệp với nhau thì chúng tôi biết làm sao?!”.
Nhiều hồ bơi mở cửa đến tối và đó là thời điểm thích hợp để kẻ xấu lộng hành
Phòng tắm nữ, kín đáo nhưng dơ bẩn
Ngoài việc thâm nhập phòng tắm nam, chúng tôi cũng đã ghi nhận những chia sẻ của người đi bơi là nữ.
Nhà vệ sinh nữ tuy kín đáo hơn nhưng vấn đề vệ sinh lại cực kỳ kinh khủng. Cứ đến tầm 3-4 giờ là thùng rác trong nhà vệ sinh bắt đầu đầy khăn giấy, vỏ bao dầu gội, dầu xả thì vứt tứ tung, ngay cả… "món đồ của chị em" cũng không gói lại cẩn thận mà được "phô" ra ngay trong nhà tắm. Nhiều người vào nhà tắm, vệ sinh qua loa xong ra ngay vì không chịu được những cảnh tượng dơ bẩn trong đó. Có người ngán ngẩm bảo: "Thật không thể hiểu nổi nhiều người tới tháng mà cũng xuống hồ làm gì, vừa ô nhiễm mà còn dễ bị nhiễm bệnh vùng kín cho bản thân và người khác nữa".
Người đồng tính nữ có quấy rối đối phương? Chị Ngọc Nga (Q.Phú Nhuận) đánh giá: “Đôi khi tôi nhận diện được đó là người đồng tính nữ. Đôi khi tôi không biết trong số đông này có bao nhiêu les. Nhưng nhìn chung, tôi thấy họ rất lịch sự và hành vi rất đúng mực”.
Tuy niên, “tai nạn” nơi hồ bơi đôi khi vẫn xảy ra. Nhắc lại buổi đi công viên nước cùng cả lớp, một nữ sinh giấu tên trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh) sợ hãi kể lại: "Ngày lễ nên học sinh, sinh viên các trường kéo nhau đi công viên nước nhiều lắm. Lúc đó em và nhóm bạn bơi ở dòng sông lười thì một nhóm đông thanh niên cũng ùa xuống hồ đó. Rồi bất ngờ em bị một bàn tay thô bạo bóp ngay vùng dưới rất đau. Em hoảng hốt quay lại nhưng chỉ thấy một nhóm thanh niên đang đùa giỡn, té nước, nên không biết thủ phạm là ai. Em cũng không dám la lớn vì sợ bạn bè chọc nên lủi thủi đi lên chứ không dám tắm tiếp".
Kinh nghiệm của nữ sinh này sau tai nạn đó là: Không đi bơi một mình, chỉ bơi trong làn nước có nhiều nữ và ở những hồ bơi có nhân viên cứu hộ thường xuyên đứng quan sát.
Có rất nhiều thành phần đến hồ bơi, bạn cần có thái độ kiên quyết và mạnh dạn để tự bảo vệ mình.
Theo những gì PV ghi nhận trong những ngày có mặt tại bể bơi, hầu hết những người đến bơi đều cho biết, cũng có nhiều trường hợp bị quấy rối tuy nhiên việc bị nhiễm HIV vì bị lạm dụng tình dục ở bể bơi thì họ chưa hề nghe thấy. Tuy nhiên, bể bơi là nơi xuất hiện rất nhiều thành phần, bất cứ ai khi tới đây cũng nên đề cao cảnh giác, có thái độ kiên quyết và mạnh dạn để tự bảo vệ bản thân.
Người đồng tính bày cách đối phó đồng tính quấy rối. - Nếu hồ bơi đó có quá nhiều người đồng tính, bạn thấy không an toàn thì nên đến hồ bơi khác có bảo vệ đông và thường xuyên kiểm tra an ninh. - Nếu không có nhu cầu tìm bạn tình bạn không nên dòm ngó, đưa đẩy để đối phương hiểu lầm. - Thái độ cần dứt khoác trước những đụng chạm, xin tắm chung, hoặc xin số điện thoại. - Đi với bạn bè nếu thấy mình yếu ớt. |