Già dặn trước tuổi
Cô bạn thân của tôi kể trên Facebook câu chuyện về cháu gái 8 tuổi (con bà chị ruột). Chuyện thường ngày thôi, giả dụ như mượn laptop của cô ấy, lên mạng, tra Google thông tin về các ca sĩ nước ngoài mà cháu gái thần tượng, sau đó, vào website các công ty, nhà sách tìm truyện thiếu nhi, lên danh sách để mẹ và dì mua. Xong đâu đó, cháu gái đọc cho dì nghe một bài báo về tình trạng “phim hoạt hình đen”, dặn dì cẩn thận không là mua nhầm phim hoạt hình cho em (con gái 2 tuổi của dì).
[/justify]
Ảnh minh họa
Đọc đến đấy, tôi và các bạn trên Facebook không khỏi ngạc nhiên về sự phát triển tâm lý, hành vi của một cháu bé 8 tuổi. Nói thêm, chúng tôi - các mẹ các dì các cô - đều thuộc thế hệ 8X.
Một người bạn khác của tôi có cô con gái cũng 8 tuổi. Anh cưng con lắm, điều ấy khỏi bàn, phải tội, lúc nào cũng thích bé để tóc dài và mặc áo dài vào những dịp lễ trang trọng. Trong một đám cưới, khi anh nói rằng: Con xem, các bạn cùng tuổi mặc áo dài đẹp không? Mình là người Việt Nam thì nên mặc áo dài chứ! Cháu phản ứng ngay, bố có thấy con mặc bộ váy này đẹp không? (Lúc đó cháu mặc bộ đầm màu xanh viền đen trông rất bắt mắt). Con tự tay chọn, con thích nghĩa là bộ này đẹp và hợp với con! Con gái nói thế thì ông bố nào cũng phải đuối lý.
Khi tôi bắt chuyện, cô bé tỏ ra hứng khởi, và tâm sự rằng ở lớp rất khó chơi với bạn vì “cháu thấy các bạn ấy trẻ con quá, nghịch ngợm quá, học kém, cái gì cũng bắt chước nhau, chính vì thế mà cháu ngoan, cháu nghe lời cô giáo, cháu học sao cho giỏi nhất lớp để khác biệt!”. “Thế giả dụ như trong lớp các bạn đều ngoan và học giỏi thì sao?”, tôi hỏi. “Vậy mà cô cũng hỏi được, cháu trề môi chê tôi, nếu thế thì tất nhiên cháu sẽ quậy, sẽ nghịch, sẽ bướng…!”.
“Các bạn ở lớp có gì mà cháu không thích nữa?”, tôi hỏi tiếp. “Ở tuổi này mà chúng nó còn nghe nhạc teen!”, cô bé trả lời. Trời hỡi, 8 tuổi mà còn nghe nhạc teen nghĩa là… trẻ con và lạc hậu? Trước khi ra về, cô bé viết vào sổ tay tôi địa chỉ blog (có khoảng ba, bốn cái) dặn: Cô muốn biết cháu viết gì, nghĩ gì thì cô vào đây nhé, nhưng đừng cho bố mẹ cháu biết, cháu không thích!
Sốc
Tuy nhiên, chuyện đó thì “quá nhỏ” so với những chuyện gây sốc thực sự do các “anh chị” thuộc thế hệ cuối 9X gây ra. Lần đầu tiên vào một diễn đàn teen, tôi không khỏi “tim đập chân run” khi đọc một lá thư của một học sinh lớp 6 (11 tuổi) được post công khai (lá thư này bị một giáo viên phát hiện, không hiểu sao lại được chụp ảnh và phát tán rộng khắp), nội dung (nguyên bản) như sau: “Tối qua, chồng hok đến gặp em như đã hẹn, có fải chồng đi chơi với con khác hok? Em bắt đền chồng, tối thứ 7 tuần này chồng fải đền cho em nhìu hơn đấy nhé! Mà lần này hok ra bụi chuối hôm nọ nữa đâu, ở đó bẩn lắm lại nhìu muỗi nữa. Chồng cố chơi lấy con lô để cuối tuần hai vợ chồng mình đi nhà nghỉ cho nó máu nhé! Vợ chồng cái Thương nó toàn đi nhà nghỉ…”.
Còn thư của một học sinh lớp 4 (sai nhiều lỗi chính tả) gửi cho bạn gái thì: “Mặc dù 2 chúng ta chưa quen nhau nhưng từ cái nhìn đầu tiên anh đã biết trái tim mình đã dành chọn trong trái tim. Nụ cười rạng rỡ của em chưa nói cho anh biết tên em là gì? Mái tóc óng mượt với khuôn mặt tươi tắn của em đã nói cho anh biết em là của anh. Hằng đêm anh thức trắng nhớ em(…) Người yêu”.
Nhưng đấy chỉ là thư, mới dừng ở câu chữ, còn hình ảnh mới đáng sợ, các em nhỏ (các năm cuối 9X lẫn 10X) đều thích khoe ảnh (tự chụp) với đủ tư thế khêu gợi, hoặc là các video clip quay lại cảnh các em cùng bạn trai (bạn gái) “yêu” nhau (nhiều khi là “xử” nhau: chân đá, tay đấm, cào mặt, lột áo…). Gần đây nhất là loạt phóng sự trên một tờ báo dành cho tuổi trẻ về các em học sinh nữ lớp 6, lớp 7, muốn tránh “đòn oan” của các bạn cùng khóa, phải (hoặc muốn, hoặc như phong trào) cặp kè, hầu hạ, phục dịch, dạ thưa… với các anh “đầu gấu” cùng trường.
Ngày nay, các bạn trẻ 9X “vui hớn hở” khi thấy thế hệ mình tự tin hơn, mạnh dạn hơn, “thông thoáng” hơn (không thấy đề cập về việc hơn về trí tuệ, hiểu biết, nhân tâm?) thế hệ anh chị 8X, thế rồi, 10X “lên ngôi” trong sự cổ vũ “nhiệt liệt” của 9X.
Buổi tối, đi làm về, thấy tôi mặt mày rầu rĩ, anh nhà lại gần hỏi han. Sau khi nghe tôi kể hết câu chuyện (mà tôi vừa “hầu” quý vị ở trên), anh nhà nhìn thằng con 2 tuổi đang ngồi trên ghế - một tay gõ phím lách chách, một tay di con chuột loằng ngoằng, cặp mắt trong veo say sưa ngắm nghía mấy cái game trồng cây, nuôi gà, nuôi vịt trên Facebook - mà không giấu được sự lo lắng..
Theo Thanh Niên