Giữ kỷ lục Guinness thế giới về khả năng nhớ một dãy 500 con số chỉ sau một lần đọc, đã có hơn 1.700 buổi thuyết trình ở nhiều nước với sự tham gia của hơn 200.000 người về đề tài trí nhớ, “siêu nhân” đến từ Israel có tên là Eran Katz.
Buổi “ra mắt” công chúng Việt Nam của kỷ lục gia thế giới về khả năng ghi nhớ Eran Katz ngày hôm qua 9.3 tại Hà Nội được khởi động bằng vài trình diễn nhỏ, nhưng cũng làm không ít khán giả phải “choáng”.
Đọc xuôi đọc ngược và đọc theo số thứ tự bất kỳ của 20 đồ vật ngẫu nhiên được khán giả đưa ra, nhập tâm và đọc lại một dãy số gồm 20 chữ số từ đầu đến cuối và từ cuối đến đầu… dường như là chuyện vặt với Eran Katz.
Eran Katz chia sẻ bí quyết về trí nhớ - Ảnh: Trường Sơn
E.Katz chia sẻ rằng ông hoàn toàn là một người bình thường và bẩm sinh không phải là người có trí nhớ xuất sắc. "Tôi không hề có năng khiếu đặc biệt nào cả và tất cả những gì tôi có được ngày hôm nay đều là kết quả của một quá trình luyện tập mà bất cứ ai đều có thể thực hiện được.
Qua các buổi nói chuyện, tôi không chỉ muốn chia sẻ rằng ai cũng có thể luyện tập để có một trí nhớ tốt hơn mà còn muốn giúp mọi người nhận ra khả năng của họ", E.Katz nói.
Không "lưu lại" bộ não sẽ quên hết
Mượn tờ 100.000 đồng từ một khán giả, E.Katz đề nghị mọi người trong phòng cùng miêu tả hình vẽ ở hai mặt đồng tiền. Điều đáng ngạc nhiên là hầu hết mọi người chỉ nhớ được mặt có hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn mặt còn lại thì không ai nhớ cụ thể là hình gì. "Các bạn không nhớ được cho dù đây là thứ các bạn sử dụng hằng ngày và điều này là rất phổ biến", E.Katz nhận xét.
Theo ông, lý do rất đơn giản là vì con người có xu hướng không để ý đến những gì quen thuộc và ngay từ đầu đã không ghi nhớ. Cũng giống như máy tính, nếu chúng ta không bấm phím “lưu lại” thì bộ não sẽ nhanh chóng quên hết mọi thứ.
"Chúng ta quên bởi vì phần lớn chúng ta đều chỉ nghe mà không nghe thấy, nhìn mà không quan sát, tóm lại do chúng ta tiếp nhận thông tin một cách bị động, chính vì vậy chúng ta thường hay quên những điều tưởng như dễ nhớ nhất", E.Katz nói.
Theo kỷ lục gia này, cách thức đơn giản nhất để ghi nhớ là phương pháp liên tưởng. Ông chia sẻ: hãy chọn các liên tưởng càng bất thường càng tốt vì những gì lạ lùng, ấn tượng sẽ giúp bộ não dễ dàng lưu lại hơn.
Nếu không biết các ghi nhớ, khi đọc sách, học bài
bạn cũng sẽ chóng quên. Ảnh: Trọng Tài
Hãy biết ngạc nhiên như trẻ nhỏ
"Học một ngôn ngữ mới bao giờ cũng là điều khó khăn và ngán ngẩm với tất cả mọi người. Nào ngữ pháp, nào từ vựng… quá nhiều thứ phải ghi nhớ. Nhiều người Nhật Bản hoặc Hàn Quốc mà tôi đã gặp cho biết họ rất sợ phải nói tiếng Anh, lý do đơn giản là họ sợ sẽ nói sai.
Hãy đừng sợ sai, nếu các bạn muốn sử dụng ngoại ngữ, hãy cứ nói, cứ sống trong ngôn ngữ đó. Nghiên cứu của Viện ngôn ngữ Washington cho thấy chỉ cần nắm được khoảng 600 từ căn bản trong mỗi ngôn ngữ là chúng ta có thể giao tiếp với nhau.
Nhưng hãy nhớ phải học cách phát âm chuẩn ngay từ đầu. Và đừng quên rằng ngôn ngữ chính là âm nhạc, bạn muốn học ngoại ngữ tốt thì cũng nên học nhạc. Tôi mới đến Việt Nam được vài ngày và tôi thấy tiếng Việt cũng giống như một thứ âm nhạc rất lôi cuốn", E.Katz hóm hỉnh gợi ý.
"Các ông bố bà mẹ vẫn thường phàn nàn rằng lũ trẻ không chịu nhớ những công thức này kia hoặc những kiến thức cần cho cuộc sống, thế nhưng trên thực tế là bọn trẻ lại nhớ rất tốt tên các đội bóng, các cầu thủ nổi tiếng hoặc các nhân vật trong truyện tranh hoặc phim ảnh. Lý do đơn giản là trẻ em cũng giống như chúng ta chỉ nhớ những gì chúng ta thích thú, quan tâm. Và quan tâm hơn đến mọi việc cũng là một cách để ghi nhớ", Katz nói tiếp.
Con người chỉ nhớ những gì mà họ quan tâm
Trước câu hỏi làm thế nào để có thể ghi nhớ được gương mặt, tên tuổi của hàng chục người mà chúng ta gặp mỗi ngày, Katz cho biết bí quyết thực ra vô cùng đơn giản. Con người chỉ nhớ những gì mà họ quan tâm, chính vì vậy nếu chúng ta thực tình quan tâm đến người khác chúng ta sẽ dễ dàng nhớ được họ.
Tất nhiên cũng cần phải có vài thủ thuật, ví dụ như nhắc tên của người đó vài lần khi chúng ta nói chuyện với họ và liên tưởng những người bạn muốn nhớ với một sự vật nào đó.
Theo E.Katz, một điều rất tệ hại mà cuộc sống hiện đại đã mang đến cho con người, đó là sự lười nhác trong thể chất cũng như tinh thần. "Giờ đây phần lớn mọi người đều không thể nhớ được số điện thoại của người thân vì quá phụ thuộc vào chiếc điện thoại di động", E.Katz nói.
"Và thông điệp mà tôi muốn gửi đến các bạn, đó là hãy yêu quý và tận hưởng cuộc sống của chúng ta từng phút giây, hãy biết ngạc nhiên trước mọi điều như trẻ nhỏ. Lúc đó các bạn sẽ thấy cuộc đời đáng yêu và đáng ghi nhớ như thế nào. Và đó cũng chính là bí quyết sẽ giúp các bạn không quên điều gì!".
Theo Thanh Niên