>> Kỳ dị 200 bà bầu ‘ngậm thai’ nhiều năm
Xin sinh được thiên thần
Hai vợ chồng chị N. vốn là những nông dân hiền lành chất phác. Ngoài trồng cấy mấy sào ruộng chia theo khẩu, lúc nông nhàn, hai anh chị túc tắc đi làm thuê, làm mướn. Cuộc sống đạm bạc nhưng hạnh phúc. Sau khi sinh cháu gái đầu lòng được vài năm, anh chị “kế hoạch” rồi mới tiếp tục đẻ.
Nhưng, cái thai thứ hai bị sẩy. Hai lần sau liên tiếp cũng tương tự…
Những ngôi nhà bình dị ở xã Nghĩa Thắng. |
Nghe như thế và cũng sợ điều không may mắn lại tiếp tục xảy ra với cái thai lần thứ tư, chị N. vào miền Nam một chuyến - cũng là nhân thể thăm người bà con, họ hàng trong đó.
Rồi, chuyện chị vào đó cầu khấn cũng chỉ giản dị trong suy nghĩ: tôi đi lễ lạt, cầu khấn cũng chỉ xin những điều may mắn, tốt đẹp… chứ tịnh không uống thuốc thang gì cả. Chừng mươi phút thì lễ xong, sau đó chị N. trở về Bắc.
Chợ cá nơi cửa sông xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định. |
“Thiên thần tái thế” mà người ta nhắc đến là bé gái gần 6 tuổi. Năm nay, cháu sẽ đi học lớp 1, và là con gái út của chị N. Bé da trắng, tóc đen nhánh, và có vài lọn tóc xoăn xoăn ở sau ót, xinh ngoan như bất kỳ bé gái dễ thương nào ở cái độ tuổi “búp trên cành”.
Chị N. được “hội bà bầu” nhìn vào với sự thán phục và thèm muốn, vì họ ngỡ rằng, bé gái mà chị có được, đó là kết quả sau chuyến đi cầu nguyện ở miền Nam và chị lại là trường hợp “sinh nở” theo đúng quy luật “9 tháng 10 ngày”. Còn lại, hầu hết những “bà bầu” X, Y, Z… khác, mấy chục tháng trời đã trôi qua mà vẫn “lặc lè ôm bụng”… chờ đẻ!?
Những “truyền kỳ” kể trên giống như một màn sương bao phủ những làng quê ven biển của Nghĩa Hưng, Trực Ninh… trong một thời gian dài. Chúng tôi chỉ mong muốn được “mắt thấy, tai nghe” ngõ hầu lý giải được phần nào những kỳ bí, khi biết được những lời “đồn đại” ấy cũng không khỏi bàng hoàng…
“Em bé ngoan lắm…”
Những ngày đầu hạ. Nắng chói chang phủ trùm lên vùng biển Nghĩa Hưng. Nghe trong gió biển, có mùi mằn mặn của muối – thứ gió ẩm ướt và đặc trưng của vùng biển. Từ Nghĩa Hưng xuôi hướng Nam thông với vùng biển của Ninh Bình, ngược lên hướng Bắc là cửa Ba Lạt giáp với Thái Bình. Con sông Ninh Cơ như một con đường vành đai, muốn sang các xã khác của huyện Trực Ninh, Hải Hậu… người ta phải đi đò.
"Hai em bé" gần 30 tháng tuổi đang chờ… ngày chào đời của bà N.T.H. |
Mỗi làng xóm ở đây nằm riêng biệt ở một xứ đồng. Từ làng nọ sang làng kia không chỉ nối nhau bằng những con đường trải đá rộng chừng ba mét, mà còn liên tiếp bằng những vạt lúa xanh trù phú cùng những nóc nhà thờ bình yên.
Ngôi nhà cấp bốn nhỏ bé và khá già nua, cũ kỹ, lớp vữa tường nhiều chỗ tróc xuống làm lộ những hàng gạch xây vài chục năm trước, nay đã chuyển thành màu gạch cua. Con ngõ nhỏ dẫn vào nhà men theo con mương chật chội.
Người đàn ông trung tuổi ngồi trước cổng nhà thờ chỉ rành rẽ: đi vào nhà đang kéo bạt xanh! Đó là nhà bà N.T.H – người đàn bà luống tuổi đang cùng một lúc có mang “một em bé trai, một em bé gái” hơn 30 tháng tuổi trong bụng.
Gia đình bà H. vừa có trở. Ba ngày liên tiếp, chiếc bạt được dựng lên ở sân, ông bà phải túc trực ở nhà để lo chè, nước… cho bà con xóm giềng tối đến tụng kinh trong ba đêm liền. Đó là lý do bà H. còn ở quê, và tôi mới may mắn được gặp, nếu không, lúc này rất có thể bà H. đang đi cầu khấn ở đâu đó!
Sau một quãng chừng 30 phút, khi đã hết bận rộn với các cuộc điện thoại, mà nghe qua trao đổi của bà H., tôi lờ mờ đoán được bà đang tiếp chuyện với một “bà bầu” nào đó - bà H. bắt đầu dành thời gian cho tôi.
Người phụ nữ gần 60 tuổi, khuôn mặt xương xẩu, dáng người tầm thước và khá nhanh nhẹn, mặc bộ quần áo ở nhà - chính là “bà bầu” mà tôi tìm kiếm. Vẻ thân thiện nhanh chóng xuất hiện trên gương mặt của bà, khi chúng tôi giới thiệu mình cũng đang cùng “cảnh ngộ” hiếm muộn, muốn có được một lời khuyên từ bà.
Đây là chiếc bụng bầu… 30 tháng tuổi… |
Để chứng minh “đức tin” của mình đã được linh hiển, bà H. chỉ luôn vào bụng mình tự hào: cô có mang hai em bé từ cuối năm 2008 đến nay. Hai em bé ngoan lắm. Hai em bé rất muốn chơi với mọi người… Rồi, “nói có sách, mách có chứng”, chiếc bụng của bà H. dần dần to lên, mắt thường có thể nhìn thấy, hoặc có thể thấy sự thay đổi này từ chiếc… vạt áo của bà cũng bắt đầu… “cựa quậy”, căng lên như người ta bơm một… quả bóng.
Được một lát, vẫn giọng nựng nịu, chiếc bụng của bà xẹp xuống khi bà nói vội: “Em bé ngoan, em bé đi chơi đi mẹ nói chuyện với anh chị…”.