Ở nhà không được, lại cho đi học
3 tháng hè là khoảng thời gian học sinh có thời gian để giải trí, thực hiện các kế hoạch chơi hè của riêng mình… Thế nhưng đây cũng là lúc các bậc phụ huynh đau đầu vì không có thời gian dành cho con.
Thời gian bị đảo lộn
Một tuần sau khi nghỉ hè, vợ chồng anh Nguyễn Tấn Trường - ngụ ở Q.Tân Bình, TP.HCM phờ phạc cả người vì vừa đi làm vừa trông con. Hữu Trí - con anh mới vừa học xong lớp 7, đang chuẩn bị lên lớp 8, được nghỉ 3 tuần, đến giữa tháng 6 thì bắt đầu đi học hè. Thế nhưng chỉ trong tuần đầu tiên, anh Trường đã chịu hết siết với cậu con trai đang thời “ăn chơi nghịch phá”.
Với nhiều bạn, hè đến đơn giản là được ngủ nhiều hơn!
Ngày đầu tiên nghỉ hè, Trí như được "sổ lồng". Suốt từ sáng đến chiều, cậu ngồi suốt ở tiệm net đầu ngõ chơi game. Thấy con ngồi cả ngày trên máy tính, hai vợ chồng quyết định cho con về quê (ở Bạc Liêu) nghỉ hè nửa tháng thăm ông bà.
Sau gần một ngày vất vả, cả nhà mới về tới nhà nội, ở với con được hai ngày, hai vợ chồng quay về TP.HCM tiếp tục công việc. Anh Trường kể: "Mình tính sau hai tuần đi chơi vui vẻ sẽ cho con đến trường, ai dè mới 3 ngày, Tuấn điện thoại kêu ba về quê đón con, ở quê buồn lắm. Công việc khá bận rộn nhưng vì nhớ con nên mình cũng tranh thủ cuối tuần về quê đón nó lên. Thế là bao nhiêu kế hoạch bị đảo lộn".
Chị Liên vợ anh Trường tiếp lời chồng "kể tội" con: Ở nhà một mình, cu cậu bày ra không biết bao nhiêu trò chơi, tối về dọn nhà muốn khùng luôn.
Chưa hết, có chuyện gì là cậu gọi điện thoại. Đang làm việc mà nghe điện thoại "con có việc" là phải lo tranh thủ chạy về giải quyết… Và suốt hơn 1 tuần qua, vợ chồng anh Trường thực sự rối vì thời gian bị đảo lộn. Hai người phải thay phiên nhau đưa con sang nhà người chị gửi, rồi đưa đến cơ quan, nhưng tất cả những nơi họ gửi con chỉ một ngày đều từ chối không nhận vì quá "choáng" bởi tính hiếu động của cậu bé.
Nhiều bạn vẫn phân vân chưa biết chọn hoạt động nào
Lại… đến trường
Hầu như phụ huynh nào cũng hiểu rằng hè là nghỉ ngơi, giải trí, nhưng do nhiều lý do khác nhau mà các em lại tiếp tục… đến trường với thời khóa biểu dày đặc không kém học kỳ thực thụ. Chị Lê Thị Phương Anh (P.6, Q.4) bắt đầu lo lắng về thời khóa biểu của đứa con gái chuẩn bị lên lớp 1.
Trong suốt năm học, ban ngày bé tới trường, buổi tối chuyển qua học thể dục nhịp điệu, chờ đến 20 giờ ba hoặc mẹ thay nhau đi làm về ghé đón.
Lịch trình này cứ lặp đi lặp lại từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần, bởi gia đình chị không có người ở nhà trông bé. Hè này cũng như các hè trước, vẫn tiếp tục đến trường học vào ban ngày.
Ngoài ra, các buổi tối và cuối tuần vẫn học thêm đàn, thể dục nhịp điệu, duy khác một điều là năm nay phải luyện thêm tiếng Anh để chuẩn bị thi vào lớp 1 tiếng Anh tăng cường. "Ba mẹ đi làm tới tối mới về nên phải cho bé đến trường vì không có ai ở nhà. Nghĩ cũng thương con vì phải đi học cả năm nhưng không còn cách nào khác", chị Phương Anh tâm sự.
Cùng hoàn cảnh với chị, anh Võ Hà Duy sắp xếp một "học kỳ 3" cho đứa con gái học lớp 4 với nhiều môn học. Từ thứ hai đến chủ nhật ngày nào cũng có môn học: 2 buổi học đàn, 3 buổi tập võ, 2 buổi học vẽ, 2 buổi học Anh văn và 1 buổi tham gia sinh hoạt CLB Sao Bắc Đẩu. Bên cạnh đó còn 10 buổi học luyện chữ trong kỳ nghỉ hè và đi du lịch xa một vài tuần trước khi vào học chính thức.
Thể thao, dã ngoại và học ngoại ngữ là một gợi ý. Ảnh: Trọng Tài
Thời gian vui chơi chính là ở nhà nhưng cũng chỉ được xem ti vi 2 giờ mỗi ngày vì sợ ảnh hưởng không tốt tới mắt. Thấy chúng tôi "ngán" thời khóa biểu của bé, anh Duy giải thích thêm: "Tôi cố gắng tìm các môn mang tính chất vui chơi và phát triển năng khiếu chứ không học các môn văn hóa, đặc biệt là học trước chương trình".
Tuy nhiên, để có thể đầu tư khoảng 5 triệu đồng tiền học phí cho con vui chơi và phát triển năng khiếu một cách chất lượng như gia đình anh Duy thật không dễ.
Tp HCM: Làm gì ngày chủ nhật?
Bắt đầu từ ngày 7.6 đến 30.8, vào các chủ nhật hằng tuần tại Nhà thiếu nhi TP.HCM cũng sôi nổi diễn ra nhiều hoạt động hè. Các sân chơi: Em yêu thiên nhiên, Khoa học vui, Khéo tay… là các hoạt động vui chơi tìm hiểu về các loài vật, các hiện tượng thiên nhiên, tập làm các đồ chơi và cả những buổi dã ngoại.
Bạn sẽ được gần gũi hơn với sách qua sân chơi Mở kho tàng kiến thức, hội thi Bạn cùng sách, và có cơ hội thi tài qua các cuộc thi, hội diễn như thi cờ vua, cờ tướng, cờ vây, ca, múa, nhạc…
Nguồn: Thanh Niên