Nhạc 2009-02-15 07:26:00

Làng giải trí Trung Quốc vẫn đầy nghiệp dư?


(TT&VH)
- Sự căng thẳng ầm ĩ giữa các nghệ sĩ và công ty trong làng giải trí Trung Quốc không phải là điều mới mẻ, song sự việc này đã lên đến đỉnh điểm khi ca sĩ Trần Sở Sanh, người chiến thắng trong cuộc thi Super Boy, đã tự ý bỏ trình diễn trong đêm hòa nhạc mừng Năm mới (31/12).


>> Nghệ sĩ Trung Quốc tham gia các sự kiện được trả bao nhiêu?
>> 10 sự kiện chấn động giới văn nghệ sĩ Trung Quốc 2008

Các nhà phê bình cho rằng, sở dĩ như vậy là bởi làng giải trí Trung Quốc vẫn chưa có những quy định chặt chẽ, điều cho thấy nó vẫn còn thiếu một trình độ chuyên nghiệp.


* “Tức nước vỡ bờ”

Trần Sở Sanh “mất tích” luôn trong 15 ngày, đến ngày 14/1 mới xuất hiện để đâm đơn kiện nhằm kết thúc hợp đồng với E.E. Media, công ty lớn trong nền công nghiệp giải trí Trung Quốc và là nhà bảo trợ cho các cuộc thi tài năng ca hát Super Boy và Super Girl chiếm tỷ lệ khán giả cao trên truyền hình.


Trần Sở Sanh, ca sĩ vừa “châm ngòi” khiến sự căng thẳng giữa nghệ sĩ và các công ty giải trí lên tới đỉnh điểm

Tại buổi họp báo tại Bắc Kinh vào ngày 15/1, Trần đã xin lỗi người hâm mộ vì hành động hấp tấp của mình, nhưng đã cố gắng thanh minh vì việc muốn chấm dứt hợp đồng với E.E.Media. Trần nói rằng công ty đã “nuốt” lời hứa khi không để cho anh thể hiện ca khúc chủ đề trong phim Họa bì, không tạo dựng cho anh một studio riêng. Ngoài ra, trong thời gian anh bận bịu thực hiện phần hậu kỳ cho album của mình thì E.E.Media lại “ép” anh tham gia quá nhiều màn trình diễn thương mại. “Đây là một sự tức nước vỡ bờ. Tôi đã dành trọn vẹn năm 2008 để thương thảo với công ty, nhưng tất cả đều tuyệt vọng”.

* Không còn là sự việc mới lạ

Tháng 4 năm ngoái nữ ca sĩ kiêm diễn viên Hong Kong Lương Lạc Thi cũng đã có một cuộc đối đầu với Tập đoàn Giải trí Anh Hoàng khi công ty này đâm đơn lên Tòa án Tối cao kiện Lương Lạc Thi phá vỡ hợp đồng kéo dài 10 năm mà mẹ cô đã ký khi Lương mới 12 tuổi. Một tháng sau Lương kiện lại công ty này và đến tháng 11/2008, cuộc chiến về luật pháp đã chấm dứt ở ngoài tòa án và kết quả là ngôi sao “được tự do theo đuổi sự nghiệp của mình”.

Trương Tịnh Dĩnh và Châu Bút Sướng, hai gương mặt đã giành chiến thắng trong các cuộc thi Super Girl, cũng từng “hục hặc” với các công ty quản lý của mình hồi năm 2005, nhưng cuối cùng vụ việc cũng được giải quyết êm thấm mà không phải nhờ đến tòa án.

Ông Wang Xudong thuộc công ty giải trí Cosmos Media, cho biết những vụ tranh chấp về hợp đồng không phải là điều mới mẻ trong nền công nghiệp giải trí. “Do ngành giải trí luôn là tâm điểm nổi bật nên bất cứ sự việc gì xảy ra cũng lập tức thu hút được sự quan tâm của công chúng”.

* Các công ty giải trí vẫn “ăn xổi”

Zhou Wei, Tổng biên tập một tờ báo tin tức giải trí online có tiếng của Trung Quốc, cho rằng nhiều công ty quá háo hức tìm lợi nhuận nhanh chóng và do vậy đã gây nên một số vấn đề. “Họ chỉ coi các ngôi sao như cỗ máy kiếm tiền. Ví như, họ thường bố trí cho các ngôi sao tham gia trình diễn thường xuyên nhưng chỉ hát đi hát lại một ca khúc, có những nhạc phẩm xuất hiện tới cả vạn lần tại đủ các loại sự kiện, chứ các công ty không hề đào tạo hay lên kế hoạch lâu dài cho sự phát triển của các nghệ sĩ”.

Trong nền công nghiệp âm nhạc đang trì trệ của Trung Quốc hiện nay, chỉ có album của các nghệ sĩ hàng đầu mới có thể tiêu thụ được khoảng 100.000 bản, mỗi đĩa CD có giá 30 NDT/đĩa (4,4 USD). Còn hầu hết các ca sĩ khác, thì chỉ ở mức 30.000-50.000 bản. Tuy nhiên, nếu tham gia chương trình hòa nhạc thương mại thì mức thù lao có thể cao hơn. Đối với ca sĩ hạng B, nếu trình bày 2-3 ca khúc họ có thể nhận được 50.000 -100.000 NDT (14.700 USD). Còn với những ca sĩ hàng đầu như Châu Kiệt LuânLưu Đức Hoa thì số tiền “bồi dưỡng” lên tới 500.000 NDT/show.

Tuy nhiên, nhà phê bình lâu năm kiêm nhà văn Tan Fei lại cho rằng các công ty giải trí cũng có lý của họ. “Hành vi của Trần Sở Sanh đã nêu lên một ví dụ xấu. Tôi không nghĩ là hành động đó lại xứng đáng được ủng hộ tích cực. Nói gì thì nói, các công ty làm sao dám đầu tư tiền bạc và tiềm năng vào các diễn viên hay ca sĩ mới nếu rủi ro quá lớn”, ông Tan nói và khuyên các ngôi sao có tham vọng nên cân nhắc một cách thận trọng trước khi gia nhập làng giải trí.

* Cả hai bên cùng thiệt

Tóm lại người thì phê phán các công ty, người thì trách các nghệ sĩ. Ai đúng ai sai, rất khó phân định. Đơn giản là vì nền công nghiệp giải trí Trung Quốc vẫn còn thiều những quy định chặt chẽ để xử lỹ những trường hợp nêu trên.

Đó là điều cả 3 nhà phê bình kể trên đều nhất trí và theo họ làng giải trí của Trung Quốc còn lâu mới đạt được đến trình độ chuyên nghiệp. Theo ông Wang: “Nền công nghiệp giải trí Trung Quốc mới có 2 thập kỷ phát triển, trong khi Mỹ đã qua chặng đường 100 năm, nên chưa có những quy định thỏa đáng”.

Nhưng ông Tan cho rằng những cuộc chiến pháp lý nêu trên chẳng có lợi gì, mà chỉ gây thiệt hại cho cả hai bên: “Trong nền công nghiệp giải trí đang trưởng thành, mọi người nên hạn chế thu hút công chúng bằng các cuộc tranh cãi gây ảnh hưởng tới cả các nghệ sĩ lẫn nền công nghiệp. Nền giải trí chỉ có thể phát triển khi tính trung thực và sự toàn vẹn được phục hồi”.

Lương Tuấn Vĩ
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)