Tâm sự - chia sẻ 2012-02-13 04:26:56

Lạnh lẽo nghề làm đẹp cho người cõi âm


Không ai tự lựa chọn, như một sự sắp đặt của số phận, cuộc sống mưu sinh đã vô tình đưa những con người ấy đến với cái nghề quanh năm gắn với thi thể của những người vừa lìa khỏi dương gian.

[justify]
Thương kẻ “sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan”

Họ được thiên hạ gọi với cái tên là “nhân viên nhà tang lễ” - một cách gọi mềm mại hơn nhiều so với cách gọi cũ: nhân viên nhà xác. Không kể đêm ngày, không phân biệt lễ Tết, họ đón nhận, chăm sóc tử thi, tắm rửa bằng rượu, nước gừng, thay quần áo, đánh chút son cho người chết trước khi nhập quan.[/justify]
[justify]
Đưa người đã khuất từ nhà bảo quản thi hài ra
[/justify]
[justify]8 năm trong nghề, anh Thắng (nhà tang lễ BV Thanh Nhàn – Hà Nội) cho biết, một trong những trường hợp ám ảnh các anh nhất là một chàng trai 19 tuổi, to cao, nặng chừng 80kg, bị chết đuối.

Nạn nhân phình to như một cái bàn, trọng lượng phải lên đến hơn 100kg, việc khiêng vác vô cùng vất vả. Mẹ nận nhân ngất lên ngất xuống, lo không có cái quan tài nào đựng vừa. Đã thế, lớp da đã hoại tử, chỉ cần chạm nhẹ vào là nứt ra.

“Tôi rợn hết cả người, suýt ngất vì cái mùi nồng nặc của khối thịt khổng lồ đó, buộc phải chạy ra ngoài cho đỡ chóng mặt. Người mẹ ấy chạy theo tôi, chị khuỵ xuống nhưng không còn sức để nói lời nào. Giờ phút ấy, tôi hiểu, nỗi khiếp sợ của tôi chỉ đau một, nhưng người phụ nữ kia thì đau gấp trăm lần. Chúng tôi phải dùng thủ thuật chích, hút để hơi trong người chết thoát ra”-anh Thắng nhớ lại.

Với anh Anh Việt (cùng làm với Thắng) thì không thể quên ca đầu tiên mình khâm liệm cho một cô gái trẻ, khoảng 21 tuổi, người Thái Nguyên, bị tàu hoả chặt đứt làm ba khúc.

Với những ca tai nạn như vậy, các anh phải ghép các phần cơ thể khớp làm một bằng cách quấn băng. “Tay tôi run run, mồ hôi toát ra ướt sũng áo quần, nhưng nước mắt lại đầm đìa ướt cả chiếc khẩu trang. Cháu chỉ tầm tuổi con gái tôi, lại không có người thân thích bên cạnh”-anh Việt nhớ lại.

Lúc ấy, anh chỉ nghĩ rằng phải khâm liệm làm sao để ngày mai, khi cha mẹ cháu đáp tàu xuống Hà Nội, những mái đầu bạc ấy phần nào nguôi bớt nỗi đau xót trước cái chết thương tâm của con.

“Khổ nhất là những người “sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan”. Nhiều khi gặp những thi thể không được thừa nhận, không phải chi tiền tang lễ vì đã có thành phố lo, nhưng chúng tôi cũng bỏ tiền túi mua ít hoa quả, thắp mấy nén nhang, cho họ đỡ tủi thân, lạnh lẽo”, anh Việt nói.

Sinh nghề tử nghiệp!

Đa số gia đình những người chết vì HIV đều giấu bệnh, không nói cho các nhân viên biết. Gặp những trường hợp này, các anh phải tự quan sát và đoán biết, tự đề phòng bằng việc đi găng tay dày hơn.

Thắp một nén nhang cho người đã khuất
[/justify]

[justify]Nhưng không phải lúc nào cũng lường được hết. Anh Nguyễn Đăng Yên (51 tuổi), người làm việc lâu năm nhất tại nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn đã không dưới một lần hút chết vì “tai nạn nghề nghiệp” kiểu này.

Anh Yên được xem là chuyên gia trong việc khâu những vết thương do tai nạn gây ra.

Anh Yên kể: "Có lần, một nam thanh niên tử vong vì tai nạn giao thông được chuyển đến. Tôi đã phải cẩn thận, tỉ mỉ ngồi khâu những vết thương suốt 2 tiếng đồng hồ. Nhưng đến phút cuối, lại vô tình đâm chiếc kim xuyên qua găng tay, chớm vào ngón tay trỏ. Rồi khi tổ chức đám tang, tôi nghe những người đưa tiễn nói nạn nhân bị HIV!".

“Ngay lập tức, tôi đi thử máu. 3 tháng chờ đợi đằng đẵng, cũng là 3 tháng tôi không ăn, không ngủ, cũng không dám nói chuyện cho người nhà biết. Tôi tránh ăn cơm với mọi người, để riêng bát đũa của mình. Nhưng có lẽ các linh hồn phù hộ, tôi nhận được tờ kết quả âm tính” -Nói xong anh nở nụ cười tươi trên khuôn mặt khắc khổ như thể niềm vui "thoát chết" vẫn còn.[/justify]
[justify]
Lần đó, anh Yên được người nhà nạn nhân bồi dưỡng 200 nghìn đồng.

Không dám nói thật nghề của mình với con

Người đời vẫn thường kỳ thị những người làm nghề này bị âm khí lạnh của người chết bám vào nên lúc nào cũng lạnh lùng. Nhưng không phải các anh không bao giờ biết sợ.

Vào quan
[/justify]

[justify]Khó khăn lớn nhất là phải vượt qua sự sợ hãi của bản thân. Không phải ngẫu nhiên mà đa số các nhân viên nhà tang lễ đều là những người đàn ông tóc đã muối tiêu.

Anh Việt tâm sự: “Hồi đầu, mỗi khi làm xong, về đến nhà, nâng bát cơm ăn là hình ảnh của những tử thi, máu me và thối rữa, lại ùa đến. Rồi trong chiêm bao, tôi cũng lại thấy những xác người. Mới thế mà 8 năm đã trôi qua, cái nghề này vẫn giúp tôi nuôi vợ và 2 con ăn học đại học”.

Thế nhưng, vượt qua nỗi sợ của bản thân mình thôi chưa đủ mà nhiều khị bị sự kỳ thị của người đời. Ánh mắt nhìn xa xăm, anh Việt nhớ lại ngày mới vào nghề, tan ca trực, khi mấy anh em bước vào quán ăn là tự nhiên khách cứ đứng lên hết.

Bà chủ không nói gì, nhưng có lẽ cũng mong “người nhà xác” đứng lên càng sớm càng tốt. Nghẹn cả cổ họng lại mà không nói được gì, mấy anh em nhịn đói, đứng lên trả tiền.

Anh Thắng (54 tuổi), với thâm niêm 8 năm trong nghề, đến giờ cũng chỉ dám cho vợ biết công việc của mình, còn thì tuyệt nhiên giữ bí mật với các con. “Đến chết tôi cũng phải giấu kín không cho chúng biết! Tôi chỉ bảo với chúng là tôi quét dọn, trông xe trong Nhà tang lễ”.

“Từ khi gắn bó với cái nghề này, anh em đều trở nên trầm lặng, ít nói hơn và chẳng mấy khi cười. Cũng không ít người độc địa bảo chúng tôi là những kẻ dở người”, anh Việt buồn buồn nói.

Tết năm nào mấy anh em làm nghề này cũng tụ tập chúc tết lẫn nhau, chẳng dám đến nhà họ hàng, bạn bè, vì mọi người sợ cái âm khí của người chết sẽ ám vào nhà họ, đen đủi cả năm.

Những đêm mùa đông lạnh giá, mưa gió căm căm, các anh thay nhau thức để trực, nhưng nhiều đêm, mấy anh em không ngủ được, thức trắng với nhau. Bên ấm trà, các anh nói chuyện để đêm bớt dài và người bớt lạnh, thỉnh thoảng lại đi một vòng, thắp một nén nhang cho những người quá cố. “Mình còn thấy lạnh, chắc những linh hồn sắp về thế giới bên kia còn lạnh hơn”…
[/justify]
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)