Với nhiều người, việc nhìn những con đuông dừa to bằng ngón tay ngọ nguậy là đã thấy lạnh sống lưng. Nhưng với người dân miền Tây thì đó là một tặng vật của thiên nhiên, một đặc sản mà không phải lúc nào cũng có. Ở miền Tây, đuông dừa có nhiều nhất ở Bến Tre, nơi có các cánh rừng dừa bạt ngàn. Tuy là loại vật có hại, vì cây dừa nào bị chúng đục khoét thân đều bị chết, nhưng đuông dừa là nguồn nguyên liệu để chế biến nên nhiều món ăn thơm béo, ngon miệng.
Hàng năm, cứ vào mùa mưa là những con bọ rầy bắt đầu đục khoét vào ngọn dừa để sinh trứng. Khi nở thành ấu trùng, chúng bắt đầu ăn hủ dừa đến khi cây dừa héo úa cũng là lúc những con đuông dừa đã to béo. Khi đó, người dân chỉ cần đốn hạ cây dừa là có thể bắt đuông để chế biến thành những món ăn.
Đuông thường sống trong các ngọn cây dừa, chúng to bằng ngón tay út, có màu trắng, béo tròn. Ảnh: Tiêu Phong. |
Bên cạnh đó, đuông dừa còn được chế biến khá nhiều món như: đuông dừa chiên bơ thơm nức, béo ngậy khi ăn rồi vẫn còn thèm. Món đuông dừa nướng ăn kèm với các loại rau sống xà lách, càng cua, húng quế… Khi ăn, chỉ cần cuốn đuông đã nướng với các loại rau, chấm vào chén mắm me chua rồi thưởng thức. Vị chua của me, hương thơm nồng của các loại rau hòa với vị béo bùi đặc trưng của đuông khiến người ăn thích mê khi thưởng thức.
Đuông dừa ngâm nước mắm là món ăn dễ chế biến nhưng được nhiều người ưa thích vì sự ngon miệng của nó. Ảnh: Tiêu Phong. |
Ngoài đuông dừa khá phổ biến, người miền Tây còn có hai loại đuông khác khá hiếm là đuông đủng đỉnh (sống trên cây đủng đỉnh) và đuông chà là (sống trên cây chà là). Theo kinh nghiệm của người dân xứ này, đuông đủng đỉnh ngon nhất là nấu cháo, riêng đuông chà là, chỉ có khi nướng thì người ăn mới cảm nhận trọn vẹn hết hương vị thơm ngon của món ăn mang lại.