(TT&VH Cuối tuần) - “Râu hùm, hàm én, mày ngài”, dáng vẻ phong trần, bụi bặm - đạo diễn Lưu Trọng Ninh được coi là một người đàn ông bạo liệt. Bạo liệt cả trong tác phẩm và cuộc đời với nhiều giai thoại trong giới điện ảnh. Ngô Hương - vợ cũ của anh - từng gọi anh là “ngựa hoang”, là người đàn ông không phải của gia đình. Vậy mà đã ba năm nay, Lưu Trọng Ninh mua hơn trăm mét vuông đất và rút lui về “ở ẩn” tại Đà Lạt. Rồi lấy vợ, sinh con trai Đan Việt nay đã hai tuổi. Gặp anh ở Hà Nội khi đang làm hậu kỳ cho phim 13 nữ tù
, thấy đôi mắt anh dường như “dịu” hơn, thấy vẻ ngoài của anh cũng “hiền” hơn và câu chuyện với anh không khỏi khiến người ta đâm ra băn khoăn, hình như “ngựa hoang” đã mỏi gối rồi?
Khi đã yêu thì chẳng cần biết vì sao
* Vì sao anh “biến mất” khỏi hãng phim truyện Việt Nam trong nhiều năm liền và quay sang “đánh thuê” cho truyền hình?
- Vì tôi không muốn thỏa hiệp nữa, trước đây, để được làm phim tôi đã từng nhiều lần thỏa hiệp. Kể cả Bến không chồng, kịch bản bị người ta sửa mình cũng phải chấp nhận. Giờ tôi chỉ muốn làm phim theo kịch bản của riêng mình. Những kịch bản tôi đưa ra đều không được Hãng duyệt nên không có phim để làm.
* Vậy sao anh lại nhận lời làm phim theo kịch bản Mùi cỏ cháy?
- Vì Cục Điện ảnh giao phim trực tiếp cho tôi. Giờ nó được mang tên Mãi mãi tuổi hai mươi rồi.
* Anh thấy sao khi được tin tưởng như vậy?
- Tôi thấy bình thường. Tất nhiên là tôi thích được làm phim theo kịch bản của mình hơn.
* Phải chăng việc làm phim truyền hình chỉ là một “giải pháp tình thế” còn “hồn vía” anh vẫn gửi vào phim nhựa?
- Làm phim truyền hình là để kiếm sống, nhưng phim của tôi bao giờ cũng có cái mới. Quan điểm của tôi là đã làm phải có cái gì mới, dù là làm phim để kiếm tiền tôi cũng tôn trọng điều đó.
* Từ bộ phim đầu tiên Hoa cỏ may đến bộ phim 13 nữ tù đang phát sóng, phim của anh có những gì mới?
- Thời tôi làm Hoa cỏ may người ta không kể những chuyện tình riêng biệt, không có phim nào chỉ kể về tình yêu mà lúc nào cũng phải lồng trong một câu chuyện khác nhưng sau phim của tôi, người ta chấp nhận và đi theo hướng đó. Bây giờ thì có nhiều bộ phim như vậy. Còn 13 nữ tù có kịch bản rất độc đáo, khi hãng Thiên Ngân đưa tôi xem kịch bản, tôi đã thấy hứng thú làm phim.
* 13 nữ tù đang bị nhiều khán giả chê, anh có quan tâm đến phản ứng của khán giả không?
- Phim ảnh chính là hàng hóa, vì thế nó cũng có quy luật riêng của nó. Đã là hàng hóa thì nó chỉ đáp ứng được một bộ phận nào đó, không có bộ phim nào đáp ứng được tất cả mọi tầng lớp khán giả. Trên thế giới cũng như vậy thôi. Với tôi thì một bộ phim khi chiếu không ai nói gì mới là vô vị.
* Vậy phim của anh hướng tới đối tượng khán giả nào?
- Những người trẻ. Vì họ có sức sống mạnh mẽ, họ sẽ làm xoay chuyển và thay đổi thế giới này. Họ tiếp nhận tất cả mọi thứ mà không hề định kiến. Vì thế tôi thích tác động đến họ. Người lớn thì hay thích phân tích vì sao nhưng thanh niên thì không, cũng như tình yêu ấy, khi người ta đã yêu thì chẳng cần biết vì sao.
* Nó có vẻ giống như tính cách của anh?
- Đúng, tính cách tôi là như thế. Tôi thích sống theo cách mà tôi muốn, ai thích hay không thì tùy. Tôi cũng không bận tâm về những điều người ta nói hoặc viết về mình. Tại sao mình có quyền bắt người ta phải thích mình?
Không ai dũng mãnh mãi được
* Nghe tin anh mua nhà rồi lấy vợ ở Đà Lạt, sau đó sống cuộc sống “nông nhàn”. Thật khó mà tưởng tượng được anh đi trồng bắp cải ra sao?
- Chuyện mua đất thì đơn giản lắm, xưa nay tôi mua đất rất dễ dàng, lần này thấy rẻ thì mua thôi. Có ông già muốn bán miếng đất ấy mãi mà không được, tôi gặp thấy thế mua luôn, đất lại có sẵn cái nhà cũ cứ việc ở. Mua xong rồi cũng muốn tạo quan hệ tốt với hàng xóm bèn nghĩ ra kế trồng bắp cải để tạo công ăn việc làm cho họ. Tất nhiên là có một cậu làm trợ lý cho tôi, nhưng mà tính không ra, mua hạt giống đúng lúc giá đắt, rồi thu hoạch lúc giá rau hạ. Đầu tư mất 12 triệu, vừa bán ba xe tải bắp cải được 2 triệu. Anh Hưng (đạo diễn Vũ Xuân Hưng) cười mãi rồi bảo không phải tại mình mà tại cái thằng làm phó đạo diễn cho mình nó kém.
* Cuộc sống ở Đà Lạt có hợp với anh không?
- Sôi động mãi thì cũng phải đi tìm chốn yên tĩnh, tôi coi đây như chốn nương thân. Cuộc sống ở đây bình yên vô cùng. Có những lúc cũng thấy mệt mỏi, thấy cuộc sống đáng sợ, không ai dũng mãnh mãi được.
* Chắc hẳn anh cũng nhớ Hà Nội chứ? Nơi ấy cũng rất bình yên…
- Đó là nơi mình sinh ra, lớn lên nên vẫn có một khoảng ruột thịt. Có bạn bè, có những góc phố thân quen, có lối sống gắn bó với mình như một thói quen. Tôi nhớ nhất một trò rất thú vị là đi lang thang với bạn bè nơi góc phố rồi tạt vào đâu đó ngồi trò chuyện. Sài Gòn thì không thế, ở đấy giản dị quá thì thành úi xùi nhưng ở Hà Nội, giản dị lại hóa ra thơ mộng. Nhưng người Sài Gòn thì phóng khoáng hơn, không đố kỵ , dòm ngó, đồn thổi…
Tôi vẫn thấy mình sống hợp với Hà Nội nhất. Nếu có tiền, sống ở Hà Nội thích nhất nhưng ở Hà Nội lại kiếm tiền khó nhất.
* Ở vào tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” rồi, anh thấy điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống của mình?
- Trước kia tôi chẳng bao giờ nghĩ đến điều này, giờ thì đôi khi cũng nghĩ phải để dành một khoản nào đó để phòng thân, nhưng rồi lại quên luôn. Cứ có việc là tôi lao vào làm như điên, có lẽ công việc là quan trọng nhất.
* Vậy còn gia đình thì sao?
- Quan trọng chứ, nó vẫn được gọi là hậu phương vững chắc mà. Nhưng nơi này vừa yên hàn lại vừa nguy hiểm. Nó là nơi dễ gây sợ hãi cho tôi nhất vì tôi ít chịu thỏa hiệp lắm. Sự quan tâm quá cũng gây sợ hãi, tính tôi càng quan tâm tôi càng sợ, rồi nhiều thứ khác nữa. Khi có gia đình, trách nhiệm là tất nhiên rồi nhưng tôi rất sợ sự nhăn nhó, cãi vã, va chạm. Về đến nhà mà vợ nhăn nhó là tôi lại lên xe đi luôn. Kể cả ngoài xã hội cũng thế, cứ có va chạm là tôi chạy. Bất cần là một chuyện nhưng quan trọng hơn là tôi ngại cãi vã. Việc lớn thì tôi không thỏa hiệp nhưng những việc nhỏ tôi thường cho qua.
* Trước kia anh từng nói thích sống cuộc sống du mục, nay có vẻ như anh không nghĩ thế nữa rồi?
- Cuộc đời nhiều khi không như mình hình dung, quan niệm của con người còn thay đổi, huống chi là một quyết định. Nhưng giờ tôi cũng đang sống du mục đấy chứ. Đà Lạt chỉ là nơi ở thôi, còn làm phim phải ở Hà Nội, TP.HCM. Từ Tết đến giờ tôi toàn sống ở Hà Nội.
* Bây giờ quan niệm của anh về hôn nhân có khác xưa không?
- Không, 17 tuổi tôi đã hình thành cá tính và nhân cách rồi. Có thay đổi chỉ chút ít thôi.
* Một người đàn ông đào hoa như anh có đặt một hình mẫu gì cho vợ mình không?
- Không, tôi chả có hình mẫu gì.
* 37 tuổi anh mới lập gia đình nhưng chỉ 3 năm sau đã ly hôn, giờ đây vừa lập gia đình lần nữa ở tuổi ngoại ngũ tuần, anh có thấy thỏa mãn với lựa chọn của mình?
- Tôi không lựa chọn mà toàn bị đàn bà lấy. Vì trách nhiệm, rồi thì chép miệng, thế là bị trói luôn.
Hồng Vân (thực hiện)