Càng được vợ “nhồi” đủ thứ thuốc và rượu bổ dương, anh Thiện càng không “làm ăn” được gì vì cảm thấy như đang bị bà xã chê bai, cảnh cáo.
>>'Mất điện' trên giường vì tự ti trước nàng
>>'Mất điện' vì vợ đi 'buôn chuyện' phòng the
Ảnh minh họa
Khách nam đến nhà anh Thiện (41 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) đều khâm phục khi thấy một dãy bình rượu lớn ngâm nào tắc kè, hải mã, nào ngọc dương… Khi biết tất cả đều do vợ anh ngâm cho chồng uống, họ càng nể và thầm ước có người vợ tâm lý như vậy. Chẳng ai biết mấy bình rượu làm Thiện stress đến mức nào.
Những bình rượu ấy xuất hiện cấp tập từ mấy tháng nay, khi Thiện bắt đầu "xuống phong độ" trên giường do việc "làm ăn" không như ý. Vợ anh không phàn nàn về những “trận chiến” thất bại, mà chăm sóc “phần đàn ông” cho chồng một cách cực kỳ sốt sắng. Chị lên mạng đọc tài liệu, đến gặp ông lang cắt thuốc trợ dương ngâm rượu cho chồng, sau ít hôm thấy chưa cải thiện lại mua thuốc khác.
“Cá ngựa này quý hiếm anh ạ, không phải loại vẫn bán tràn lan rẻ như bèo ấy đâu, em phải mua đến bạc triệu đấy, chắc chắn là chữa được bệnh của anh”, chị hồ hởi nói. Thiện giật mình, hoá ra mình có bệnh sao? Vốn cho rằng phong độ lên xuống là chuyện thường, nay anh đâm ra hoang mang, lo lắng. Chẳng lẽ cô ấy nghĩ mình bị bất lực thật sao? Tuy chạnh lòng nhưng cách nói của vợ khiến anh không thể không uống. Anh Thiện nghĩ trong đầu: "Mình làm cô ấy thất vọng, cô ấy đã bỏ cả đống tiền ra mua thuốc cho mình khắc phục yếu kém, nếu không uống chả hoá ra không biết điều?".
Hôm nào chị cũng tự tay rót rượu đưa cho anh, đợi chồng uống hết mới nói chuyện khác, khiến anh thấy mình như đứa trẻ ốm bị mẹ bắt uống thuốc. Rồi Thiện đâm ra lo lắng: Uống bao nhiêu rượu bổ thế này mà lát nữa vẫn không làm nên trò trống gì thì xấu hổ biết để đâu cho hết! Thế nên khi “vào cuộc”, anh hồi hộp ra mặt. Chị động viên ngay: “Anh yên tâm, món rượu đấy hiệu nghiệm lắm, kiểu gì cũng hiệu quả”. Câu nói đó càng khiến Thiện bị áp lực, “chiến đấu” chuệch choạc, rồi muốn chui xuống đất khi thấy vẻ ngạc nhiên của vợ rằng rõ ràng là thuốc xịn rượu xịn, sao lại như thế được.
Rồi Thiện bảo thôi không cần uống nữa, để một thời gian sẽ ổn. Nhưng chị không đồng ý: “Anh đừng chóng nản lòng như vậy. Cứ chịu khó bồi bổ, thể nào cũng trở lại bình thường”. Chị không biết rằng cứ nhìn thấy dãy rượu là Thiện căng thẳng như đang đối diện với lời chê trách, cảnh cáo của vợ về việc không làm tròn bổn phận trên giường. Chị thất vọng thấy chồng phụ công mình. Mình đã không hề tỏ ra giận dỗi sau mỗi lần hẫng hụt, dù trong lòng rất buồn, vẫn vui vẻ động viên anh chữa trị, lại còn mua đủ thứ thuốc, có ai nhiệt tình bằng mình không? Thế mà anh đã chẳng tiến bộ thì chớ, giờ rượu bổ cũng chẳng thèm uống nữa, thế là phụ lòng vợ và vô trách nhiệm rồi.
Còn Thiện thì nghĩ, vợ mình thật tốt, nhưng giá cô ấy nghĩ đến thể diện đàn ông một chút, đừng nói thẳng là chồng bị bệnh, đừng có sồn sồn giục uống đủ thứ thuốc như vậy. Điều đó như đay đi đay lại một thực tế rằng anh đang liệt dương, đang có lỗi với cô ấy, rằng uống rượu bổ là nghĩa vụ của anh để xứng đáng với sự cao thượng của vợ.
Anh Thiện không phải trường hợp duy nhất đau đầu vì cảm giác vừa mắc lỗi vừa mang ơn vợ, và vì sự nhiệt tình của vợ khiến sự “yếu kém” của họ bị lộ ra. Anh Hợp, 43 tuổi, đã có phen đỏ mặt khi nghe vợ gọi điện “tư vấn” cho bạn: “Bà cứ mua ngẩu pín về hầm thuốc bắc cho ông ấy ăn. Ông xã nhà tôi cũng đang dùng món ấy đấy… Ừ, cũng bị như chồng bà. Hôm nào tôi cũng chịu khó nấu nhiều món bổ thận tráng dương khác nữa, rồi cho uống cả thuốc Đông y… À, cũng chưa thấy biến chuyển gì, nhưng lão ấy có vẻ ngán rồi. Ngán tôi cũng bắt ăn, phải chịu khó mới khỏi được”.
Nghe vợ “buôn dưa” tràng giang đại hải, Hợp chóng cả mặt. Anh bất mãn vì chuyện ấy mà vợ cũng kể được, nhưng không có cớ phàn nàn vì chị cũng chỉ tư vấn cho cô bạn cùng cảnh thôi. Vả lại nếu cằn nhằn thì sẽ phải nhắc đến “vấn đề” của mình, điều mà anh muốn lảng tránh.
Đùng một cái, chị bảo: “Mai anh đến gặp bác sĩ nam khoa nhé, em đặt hẹn rồi. Em sẽ đi cùng anh”. Hợp thấy sốc. Anh biết là có thể phải đi khám, nhưng vì ngại nên chưa chuẩn bị tinh thần. Nghĩ đến việc hôm sau sẽ bị vợ áp tải đến bác sĩ, anh chỉ muốn chạy trốn. “Mai anh bận, để lần khác, mà anh cũng chưa chuẩn bị gì”. “Không được, em hẹn bác sĩ rồi, mai là ngày nghỉ của anh mà. Anh cũng có cần chuẩn bị gì đâu”. Cuối cùng, Hợp vẫn kiếm được cớ để từ chối, khiến vợ giận không thèm nói chuyện. Sự giận dỗi ấy càng khiến anh thêm xấu hổ, tự ti.
Theo chuyên gia tâm lý Hương Trà, những người vợ trong hai câu chuyện trên đều có ý thức giúp chồng vượt qua khó khăn. Họ không trách móc mà còn nhiệt tình giúp anh điều trị. Nhưng hiệu quả được không như ý, thậm chí còn phản tác dụng vì sự thiếu tế nhị.
“Động viên chồng đi khám là đúng, mua các món ăn, thuốc thang cho anh ấy cũng đúng, nhưng cách làm quá 'hùng hổ' của các chị làm chồng thấy sợ, khiến họ càng mặc cảm hơn. Việc ép chồng đi khám hay uống thuốc bổ dương khiến các đấng lang quân cảm thấy một áp lực là phải ‘khoẻ’ lại ngay để đáp ứng yêu cầu của vợ. Vì thế, họ càng căng thẳng và tình trạng yếu sinh lý càng tệ thêm, bởi khả năng tình dục của đàn ông phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý, nhất là những người đang sẵn có vấn đề”, chuyên gia Hương Trà nói.
Do đó, các bà vợ nên ý tứ trong việc chăm sóc chồng, nên tạo sự hiểu biết, cảm thông ngầm giữa hai vợ chồng thay vì vô tư nhắc đi nhắc lại về bệnh tình của anh ta. Nếu muốn chồng đi khám, cũng nên để anh ấy có sự chuẩn bị tinh thần. “Có lẽ là do anh làm việc mệt mỏi, căng thẳng quá thôi. Khi nào rảnh, anh đến chuyên gia tư vấn một chút cũng hay, họ sẽ biết ngay là do vấn đề gì và hướng dẫn khắc phục luôn, mình khỏi phải mò mẫm, anh nhỉ. Biết đâu chỉ là do những chuyện nhỏ như cái móng tay thôi”, những câu nói ngọt kiểu này sẽ dễ dụ ông xã hơn so với thông báo đanh thép của vợ anh Hợp về cái hẹn với bác sĩ, dù tình yêu và sự nhiệt tình dành cho chồng là như nhau.
Theo Đất Việt