[justify]Theo thống kê chưa đầy đủ, từ khởi thủy đến nay, Việt Nam (tính cả phim của Việt kiều) đã làm được khoảng 700 phim điện ảnh, trong đó có gần 20 phim có cốt truyện, chủ đề, thể loại… kinh dị, ly kỳ, rùng rợn - tạm gọi chung là phim ma. Vì sao người Việt vốn thích nghe và kể chuyện ma, thích xem phim ma… nhưng lại ít sản xuất phim ma là một câu hỏi rất khó để trả lời.
Lịch sử dài, nhưng thưa vắng
Quay đi ngoảnh lại, phim ma cũng đã có lịch sử gần 75 năm. Theo những ý kiến chưa có chung cuộc về lịch sử điện ảnh Việt Nam thì cuối tháng 11/1937, An Nam nghệ sĩ đoàn đã ký một một hợp đồng với The South China Motion Pictures Company (Công ty Điện ảnh Nam Trung Hoa) để sản xuất bộ phim rùng rợn đầu tiên là Cánh đồng ma (Kịch Bản: Đàm Quang Thiện, Đạo diễn: Trần Phì). Phim này theo kịch bản là để nói về lý thuyết di truyền trong y khoa, nhưng đạo diễn người Trung Quốc này đã tự ý chỉnh sửa thành phim trinh thám rùng rợn, với những ảnh máu me và yếu tố "người lớn". Nhà văn Nguyễn Tuân đã đóng một vai rất nhỏ trong phim này.
Thẩm Thúy Hằng trong phim Giỡn mặt tử thần, một phim ma
được chờ đón nhưng không có dịp ra rạp
được chờ đón nhưng không có dịp ra rạp
Mấy năm sau, Nguyễn Văn Đinh đã làm gần như từ A đến Z ba phim, gồm Cô Nga dạo thị thành (1939), Khúc khải hoàn và Toét sợ ma (1940). Phim Toét sợ ma được làm với thủ pháp khá ngô nghê, cốt hài hước và châm biếm chuyện sợ ma.
Bẵng đi mấy chục năm, phim điện ảnh Việt Nam gần như chỉ làm về hai đề tài là chiến tranh (chủ yếu ở miền Bắc) và yêu đương - tâm lý xã hội (ở miền Nam). Mãi đến Lệ đá do Hãng Cinévina sản xuất năm 1971, thì thể loại phim kinh dị mới được hồi sinh ở Sài Gòn. Phim đen trắng này có sự tham gia của Thanh Lan, La Thoại Tân, Đoàn Châu Mậu, Ngọc Phu, Phượng Trang… đã đoạt Giải Nhất tại Đại hội Điện ảnh năm 1971. Phim Lệ đá cũng là phim đầu tay của Võ Doãn Châu (sinh năm 1936 tại miền Trung), sau khoảng 12 năm du học điện ảnh ở Pháp về nước nhưng không làm nghề. Phim này vốn “phổ” từ truyện ngắn Đại úy Trường Kỳ, nằm trong tập truyện Ba người lính nhảy dù lâm nạn (1960) của Nguyễn Mạnh Côn.
Đỉnh điểm của lịch sử phim ma Việt Nam cho đến nay vẫn là Con ma nhà họ Hứa với sự tham gia của Bạch Tuyết, Thanh Tú, Dũng Thanh Lâm, Tư Rọm, Ba Vân, Năm Châu, Tâm Phan, Khả Năng, Thanh Việt, Minh Ngọc, Tùng Lâm…, hãng phim Dạ Lý Hương phát hành năm 1973. Tuy khá đơn giản về kỹ xảo nhưng phim đã “nhát ma” được rất đông khán giả thời bấy giờ, doanh thu cao ngất, giúp cho đạo diễn trở thành triệu phú. Cũng nên nhớ, những phim bình thường thời đó có mức đầu tư khoảng 4-5 triệu đồng, đạo diễn được trả 1 triệu là hiện tượng đặc biệt. Phim này nổi tiếng đến mức tên phim đã trở thành thành ngữ trong dân gian; được cải lương chuyển soạn rồi ghi hình; ngay cả đạo diễn Lê Hoàng Hoa cũng đã rục rịch làm Con ma nhà họ Hứa trở lại vào năm 2007, nhưng chưa thực hiện được vì thiếu đầu tư.
Một phim khác cũng rất được chờ đón là Giỡn mặt tử thần nhưng không thể ra rạp. Nó được chờ đón vì đây là phim ma đầu tiên có Thẩm Thúy Hằng. Sự có mặt của nữ minh tinh này (dù cát-sê rất cao, thường trên 1 triệu) là một bảo đảm về doanh thu - ít có phim nào Thẩm Thúy Hằng tham gia mà lại doanh thu thấp. Phim còn có sự góp mặt của Bảo Ân, Ngọc Đức, Hoàng Mai, Tường Vi, Phương Uyên… và các danh hài Văn Chung, Tùng Lâm, Thanh Việt, Thanh Hoài.
Phim Mười khi chiếu ở Việt Nam lại bị cắt 4-5 đoạn rùng rợn, nên càng mờ nhạt hơn
Sau 1975 khoảng 15 năm, Việt Nam không làm một phim ma nào, Ngôi nhà oan khốc (ĐD: Nguyễn Chánh Tín - Triệu Vũ) và Chiếc mặt nạ da người (ĐD: Nguyễn Chánh Tín) là sự trở lại nhẹ nhàng của thể loại phim này vào đầu thập niên 1990. Từ đó đến nay, khoảng 20 năm, Việt Nam (tính cả hải ngoại) có các phim ma: Oan hồn và Tình yêu bất diệt (ĐD: Victor Vũ, 2005), Người yêu ma (ĐD: Thái Trí Hân, 2007), Mười (ĐD: Kim Taek Gyung, 2007), Đêm trong căn nhà hoang (2007), Suối oan hồn, Ngôi nhà bí ẩn (2007), Chết lúc nửa đêm, Bốn thí nghiệm đêm tân hôn (2008, ĐD: Nguyễn Chánh Tín), và cả phim Rh108 đang làm của Bùi Thạc Chuyên.
Ngôi nhà bí ẩn (2007)
Có thể nói, trong khoảng 20 phim ma, kinh dị của Việt Nam, nổi tiếng và thành công nhất đến nay vẫn là Con ma nhà họ Hứa. Những phim chưa chiếu hoặc đang làm thì chưa biết kết quả thế nào.
Cách làm và những định kiến
Trên thế giới, phim ma nói chung đã bén gót đến với nhiều thể loại phim, ngay cả phim tài liệu, nên phim truyền hình ma cũng không còn xa lạ. Với thủ pháp thắt nút và mở nút, phim ma có rất nhiều cao trào, nên rất phù hợp với tính chất “hạ hồi phân giải” của phim truyền hình nhiều tập, sự tò mò thường ở cuối mỗi tập. Thế nhưng, với quan niệm làm phim truyền hình phải có hình ảnh “đẹp hơn, lý tưởng hơn” thực tế, nên tại Việt Nam chưa có một bộ phim nào về chủ đề này. Phim ma, dù có làm đẹp đến đâu, làm để tuyên truyền rằng ma là bịp bợm thì cũng bị kì thị, vì định kiến sẵn có rằng: đó là mê tín dị đoan.
Giải thích những lý do yếu kém và thưa vắng của phim ma, nhà biên kịch kỳ cựu Sâm Thương cho rằng Việt Nam chưa có đủ 5 yếu tố chính là: tiền, kỹ xảo, kịch bản hay, đạo diễn hay và sự kiểm duyệt thông thoáng. Năm lý do này khiến cho các nhà sản xuất không dám đầu tư cho thể loại này, vì sợ thua lỗ; nhiều kịch bản mới ở dạng bản thảo đưa đi kiểm duyệt đã bị cắt xén tùm lum, thành ra ai cũng ngại.
Nhìn lại nội dung của khoảng 20 phim ma đã làm, phần lớn vẫn làm theo công thức: có một câu chuyện, một tình huống được cho là ma, là kinh dị… nhưng rốt cuộc thì không phải, mà là do người làm. Ngay cả Con ma nhà họ Hứa cũng không phải là ma thật sự, mà là chuyện một cô gái bị bệnh phong hủi, trông ghê rợn. Chỉ có 2-3 phim thật sự là “ma” hoặc lấy yếu tố ma quái là trung tâm, ví dụ như phim Mười. Phim này vốn được đầu tư công phu, quay đẹp, nhưng kịch bản mờ nhạt, nên không mấy thành công, khi chiếu ở Việt Nam lại bị cắt 4-5 đoạn rùng rợn, thành ra càng mờ nhạt hơn.
Mười khi chiếu ở Việt Nam lại bị cắt 4-5 đoạn rùng rợn, thành ra càng mờ nhạt hơn
Lịch sử phim ma trên thế giới cho chúng ta thấy chủ đề này đã thành một thể loại riêng biệt, có nhiều thành tựu, với nhiều thủ pháp và cách làm, chứ không chỉ có “nhát ma” hay “rùng rợn”. Riêng ở ta, không những ít phim và thiếu nhân lực chuyên làm thể loại này, mà quan niệm và cách quản lý cũng còn nhiều lúng túng, thiển cận, nên có lẽ với câu hỏi tại sao Việt Nam ít sản xuất phim ma thì còn lâu mới được trả lời xác đáng.[/justify]