Tại bến xe buýt Cầu Giấy (Hà Nội) em gái tôi lên xe trước, em rể tôi bế đứa con 2 tuổi và đeo túi hành lý choàng qua cổ bước lên tiếp lên xe. Vẫn còn đứng chưa vững, một bàn tay đã lần túi quần trước, em rể tôi chặn bàn tay đó lại thì nó lại thò đến túi quần sau…
>Kẻ móc túi tại bến xe buýt bị quật ngã/ Bức xúc của sinh viên về nạn móc túi trên xe buýt
Khi khuyến khích, kêu gọi người dân đi xe buýt tham gia giao thông để giảm tải tắc đường, văn minh đô thị… có lẽ ngoài những chính sách hỗ trợ, theo tôi cần phải kèm theo cả những biện pháp bảo vệ tài sản và tính mạng của những hành khách xe buýt. Câu chuyện mà tôi muốn kể ở đây liên quan trực tiếp đến những người thân của tôi và xảy ra ngày 18/7, ngay tại trung tâm Hà Nội - bến xe buýt ĐH Giao thông Vận tải.
11h trưa ngày 18/7, sau khi cho con đi chơi ở Công viên Thủ Lệ, em gái và em rể tôi lên xe buýt số 38 tại bến xe buýt ĐH Giao thông Vận tải (Cầu Giấy) để về nhà. Em gái tôi lên xe trước, em rể tôi bế đứa con 2 tuổi và đeo túi hành lý choàng qua cổ bước lên tiếp lên xe. Vẫn còn đứng chưa vững, một bàn tay đã lần túi quần trước, em rể tôi chặn bàn tay đó lại thì nó lại thò đến túi quần sau, thậm chí khi em rể tôi vòng tay giữ túi sau thì bị cậy tay ra một cách thô bạo.
Để bảo vệ tài sản, bằng phản xạ tự vệ em đạp gã ra. Thế là từ kẻ móc túi, trộm cắp ngay lập tức gã thanh niên và 3 tên đồng bọn ở cửa phía trước xông lên đã biến thành một lũ cướp ngày thực sự. Chúng nhảy xổ vào em rể tôi đấm đá, cố sức giằng lấy cái túi mà em rể tôi đã quàng qua cổ, hai tên kéo dúi về phía trước để hành hung, hai tên vẫn cố gắng giật nắp túi ra để lấy tài sản.
Tay phải che chắn đỡ con, tay trái thì giữ cái túi, em rể tôi phải hứng chịu những cú đấm, cú đạp vào người, cháu bé sợ quá khóc thét lên. Em gái tôi ngay khi phát hiện chồng con bị hành hung đã kêu cứu và xông vào gỡ tay bọn côn đồ khỏi quai túi để chồng không bị kéo ngã, cũng bị đấm vào mặt và đạp vào ngực.
Vài năm nay, đạo chích ở nhiều bến xe buýt của Hà Nội nhưng vẫn không được xử lý triệt để. Ảnh: Khánh Chi. |
Nhưng điều đáng nói là trên chuyến xe như thế này, chuyện kể trên dường như đã trở thành chuyện riêng của mỗi người. Trên xe chỗ ngồi đã kín, có cả một người nước ngoài nhưng không một ai đứng lên tranh đấu, bảo vệ các em tôi và cháu bé, tài xế và phụ xe cũng chỉ đứng nhìn. Chỉ khi bọn chúng tẩu thoát và phải đợi một lúc tài xế mới cho xe chạy. Lúc đó những người xung quanh mới dám đưa khăn cho em tôi cầm máu.
Thật hoảng sợ và căm giận! Hoàn toàn có thể thấy ở đây là từ thủ đoạn lén lút để trộm cắp, móc túi, những đối tượng xấu đã công khai chuyển sang thành hành vi cướp của một cách có tổ chức, trắng trợn.
Với 4 mũi khâu và nhiều vết bầm tím trên cơ thể, những câu hỏi đặt ra từ phía các em, gia đình tôi cũng như của toàn xã hội về vấn nạn này là chính quyền, công an, đội trật tự phường có biết không, tài xế có biết không? Tại sao lũ đầu trộm đuôi cướp đó vẫn thản nhiên cướp của, đánh người ở nơi đông người giữa ban ngày ban mặt như vậy? Liệu đã có và còn bao nhiêu nạn nhân của những thủ đoạn như vậy nữa?
Học sinh, sinh viên và những người phải sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại đang ngày ngày phải đối mặt với bọn tội phạm này mà hoàn toàn không có ai bảo vệ họ. Một sự việc như thế có thể xảy ra với một người, một gia đình, nếu không kịp thời ngăn chặn chắc chắn sẽ xảy ra với nhiều người, nhiều gia đình.
Nếu muốn xe buýt còn là phương tiện đi lại của người dân, Công an TP Hà Nội và Công an quận Cầu Giấy cần phải ra quân trấn áp tội phạm ở các bến xe trên địa bàn và nhất là trạm trung chuyển xe buýt liên tục xảy ra các vụ móc túi, cướp giật.