Cuộc hôn nhân của nhân vật nam chính bắt đầu xảy ra mâu thuẫn khi bà vợ phát hiện những mẩu tin trên trong điện thoại của chồng. Rất nhiều người dân TQ xem xong bộ phim đó bắt đầu “dị ứng” với điện thoại di động chụp hình (ĐTDĐCH).
Trên thực tế, chuyện trong phim không phải là mới ở TQ, kể từ khi việc sở hữu ĐTDĐCH không còn là điều khó khăn đối với người dân TQ. ĐTDĐCH bắt đầu được tung ra ở thị trường TQ vào năm 2002, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã có hiện tượng bị chụp lén dẫn đến ẩu đả, kiện cáo nhau.
Theo Tuổi Trẻ, mọi việc trở nên nghiêm trọng hơn khi tháng ba năm nay, anh Long ở Quảng Châu phát hiện trên một website có nhiều hình chụp lén rất giống bạn gái anh. Sau đó phóng viên của tờ Dương Thành Buổi Chiều (Quảng Châu) còn tìm thấy có nhiều website lưu hành các ảnh chụp lén phụ nữ. Nhân vật chính thường là những người ăn mặc hở hang, bị chụp lén tại các nhà tắm công cộng, khu thương mại, xe buýt, máy rút tiền…
Mục "Bàn tròn pháp luật" của tờ Thanh Niên Bắc Kinh vào đầu tháng tư này đã đặt vấn đề “Có nên kết tội những kẻ chụp lén bằng ĐTDĐCH?”. Trong đó vấn đề được quan tâm đầu tiên là những người chụp hình ngoài đường bằng ĐTDĐ có bị xem là phạm pháp không.
Lý do là trước đó một giáo sư Trường đại học Pháp chính TQ cho rằng nếu chỉ chụp hình những bộ phận mà người dân tự khoe ra trước bàn dân thiên hạ thì không thể xem là chụp lén. Luật sư Tống Thiệu Phú cho rằng chụp hình mà không có sự đồng ý của người khác chính là chụp lén, mà chụp lén để kinh doanh trục lợi chính là hành vi phạm pháp xâm phạm đời tư cá nhân.
Các chuyên gia TQ cho rằng sự thịnh hành của ĐTDĐCH đang thách thức việc bảo vệ đời tư cá nhân. Ở một số nước như Nhật, Anh,Ý, Australia… đã bắt đầu nhận thấy mức độ nghiêm trọng của việc chụp lén, nên có qui định không được mang ĐTDĐCH hay các thiết bị chụp hình vào các nơi như phòng tập thể dục, nhà tắm công cộng, vũ trường khỏa thân, trường học…
Khi các nhà sản xuất điện thoại di động xem chức năng chụp hình là chiêu thu hút khách hàng thì ngày càng có nhiều điểm công cộng nghiêm cấm sử dụng ĐTDĐCH. Vấn đề phải có sự hợp tác giữa các nhà sản xuất và cơ quan quản lý được đặt ra.
Mới đây Hàn Quốc đã ban hành quyết định các ĐTDĐCH sản xuất từ năm 2005 phải phát ra âm thanh trên 65 decibel mỗi khi bấm máy, tức là đủ để những người xung quanh phát hiện có người đang chụp hình. Còn Malaysia thì ngay từ năm 1998 đã có qui định rõ trong điều luật về công nghệ truyền thông là không được chuyển phát hình ảnh dung tục.
Có lẽ tạm thời phải đồng ý với kết luận của luật sư Vương Tống Ngọc: “Khoa học công nghệ (KHCN) là một con dao hai lưỡi. Sự phát triển của KHCN chính là để phục vụ con người, chúng ta hưởng thụ thành quả của KHCN nhưng không được xâm hại lợi ích xã hội và người dân. Khi có người lợi dụng sự tiến bộ của khoa học xâm hại lợi ích của xã hội và người dân, pháp luật nhà nước phải kịp thời sửa đổi để can thiệp”.
JayMii