Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai hiện đang điều trị cho bệnh nhân Vũ Thị T (Nam Định), 19 tuổi, bị rối loạn cảm xúc sau khi thi đại học năm thứ 2.
T là học sinh khá giỏi 12 năm liền, nên em là niềm hi vọng cho cả gia đình vốn làm ruộng ở Nam Định. Do đó, khi trượt đại học năm thứ nhất, đây là cú sốc không chỉ cho T mà cho cả gia đình T.
![]() |
Bệnh nhân tâm thần. Ảnh minh họa. |
Theo người nhà, T cũng ít bạn và rất ngại tiếp xúc với người xung quanh. Bởi vậy, khi lên Hà Nội thuê trọ thi ĐH, T đã rất hoảng hốt khi bị các bạn khác trêu chọc vì sự rụt rè của mình. Đặc biệt, khi một người bạn ở trọ cùng tâm sự việc mình bị ung thư nhưng vẫn thi ĐH cho vui thì T thực sự hoang mang. Trước khi vào phòng thi, T năn nỉ bố cho đi chữa bệnh trầm cảm sau khi thi xong.
Đỉnh điểm của việc rối loạn tâm lý của T là khi đọc đề toán, T đã khóc nức nở vì đề quá khó. Em chỉ ôm lấy đề thi mà không làm được chữ nào. Thấy vậy, bố mẹ T đã khuyên con gái thi tiếp cao đẳng để tương lai ổn định hơn. Trước sự thúc ép của gia đình, T đã phát bệnh và vào đêm sau kì thi đợt 1 bốn ngày, T bỏ nhà ra đi.
Theo BS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng Điều trị tâm thần nam & Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai, khi vào viện, T rất gầy và luôn miệng la hét, cho mình là thần tiên. Đây là hệ quả của việc tạo dựng ý chí là phấn đấu tối đa, tự lực học tập, không cần phải tốn kém gì cho gia đình. Khi bị sang chấn tâm lý vì không làm được bài thi ĐH, T bị mất ngủ, rối loạn, bỏ ăn uống và dẫn tới rối loạn cấp cảm xúc.
“Đây là trường hợp học khá giỏi nhiều năm, cả gia đình tạo cho cháu một niềm tin mình là điểm sáng của cả nhà, khiến T không thể lùi được. Sau 1 năm trời “tu nghiệp”, giam mình vào phòng, T đã bị sang chấn tâm lý. Trường hợp này càng kỳ vọng quá càng khó chữa bệnh. T có thể chữa khỏi nếu gia đình để cháu thư giãn, nghỉ ngơi và không ép cháu phải học cao hơn nữa” - BS Dũng khẳng định.