Tổng khối lượng sinh vật sống bên dưới mặt đất có thể bằng tổng khối lượng sinh vật sống bên trên. Ảnh: scrapetv.com. |
“Khu vực có sự sống của trái đất trải dài xuống tận độ sâu hàng trăm hoặc hàng nghìn met. Rất có thể những sinh vật sống trong môi trường không có ánh sáng có tổng khối lượng tương đương sinh vật sống trên bề mặt trái đất. Chúng có thể giúp con người tìm ra những biện pháp giải quyết các vấn đề môi trường, nông nghiệp và công nghiệp”, nhà sinh học Katrina Edwards của Đại học Southern California, phát biểu.
Để hiểu rõ hơn cuộc sống bên dưới bề mặt trái đất, các nhà địa chất hải dương Mỹ sẽ khoan những hố khổng lồ dưới đáy biển và đặt những thiết bị quan sát vào những hố đó. Những thiết bị được kết nối với các phòng thí nghiệm trên mặt đất bởi dây cáp tín hiệu và vệ tinh nhân tạo.
“Chúng ta sẽ có rất nhiều dữ liệu để nghiên cứu”, Andrew Fisher, một nhà địa vật lý thuộc Đại học California tại Mỹ, nhận định.
Fisher cho hay ông và các nhà khoa học sẽ hoàn thành việc lắp đặt mạng lưới gồm 6 trạm quan sát dưới đáy Thái Bình Dương vào mùa hè năm nay.
Những chất lỏng có màu sẽ được bơm vào một số vị trí để các nhà nghiên cứu có thể theo dõi dòng chảy của nước và vi khuẩn trong các tầng ngậm nước dưới đáy đại dương. Các nhà khoa học cho rằng các tầng ngậm nước đó chứa lượng nước tương đương các dòng sông trên bề mặt trái đất.
Một trong những mục tiêu của các nhà khoa học là tìm hiểu xem liệu những hóa chất dưới đáy biển, như hydro và sulfur, có thể nuôi dưỡng các vi sinh vật hay không. Những hóa chất này không phụ thuộc vào ánh sáng mặt trời nên có thể tồn tại rất lâu dưới mặt đất. Ngoài ra, họ cũng muốn tìm hiểu xem liệu vi sinh vật dưới đáy Đại Tây Dương có khác biệt so với vi sinh vật dưới đáy Thái Bình Dương hay không.