“Nếu Thủ tướng yêu cầu chỉnh sửa, Bộ sẽ sửa lại mẫu in ra, không ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai”. – Ông Vũ Xuân Dung nói trên Vnexpress.net như vậy.
Theo ông Dung, trước mắt sẽ vẫn thực hiện nghiêm việc hướng dẫn, tiếp tục cấp chứng minh có ghi tên cha mẹ. Nếu Thủ tướng yêu cầu sửa Nghị định 170 và 05, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp làm một nghị định theo quy trình rút gọn để sửa.
Mẫu chứng minh thư cũ (trái) và mới (phải). Ảnh: VNE
Thẻ chứng minh chỉ là đầu ra, toàn bộ các dữ liệu đã được cập nhật, khi có yêu cầu sửa bỏ tên cha mẹ, Bộ Công an chỉ sửa lại mẫu và in ra cấp cho công dân, không ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai.
Trước đó, thông tư 27 quy định về mẫu CMND mới với nhiều thay đổi do Bộ CA ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngay 1/7. Tuy nhiên, sau một tháng nhìn lại, điều khoản về việc ghi rõ họ tên cha mẹ ở mặt sau CMND mới vẫn đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
CMND mới sẽ là thẻ nhựa, ngoài cùng của hai mặt có phủ lớp màng nhựa mỏng trong suốt. Hai mặt của CMND in hoa văn màu xanh trắng nhạt. Kích thước áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế (giống thẻ ATM), có mã vạch 2 chiều và nhiều đặc điểm bảo mật khác.
Hình của công dân được in màu trực tiếp lên CMND. Về nội dung, số CMND sẽ có 12 số thay vì 9 số như trước.
Mặt trước CMND ghi thông tin về họ tên khai sinh, họ tên gọi khác, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, quê quán, nơi thường trú và thời hạn hết hạn của CMND. Mặt sau CMND ghi đặc điểm nhân dạng, họ tên cha, họ tên mẹ.
Được cho là có nhiều điểm thuận tiện hơn, nhưng nhiều người dân lại tỏ ra khá băn khoăn trước thông tin này, đặc biệt là về điều khoản ghi rõ tên cha mẹ ở mặt sau CMND. Luật sư Cao Bá Trung, Giám đốc Học viện Doanh nhân INCIP cho biết, ông đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với điều khoản này từ cách đây 6 năm.
Ông cho rằng, việc ghi tên cha mẹ trên CMND sẽ gây ảnh hưởng mạnh với nhóm đối tượng trẻ em không có cha mẹ, hoặc cha mẹ là người vi phạm pháp luật, khiến các em dễ cảm thấy mặc cảm, tự ti về bản thân. Hoặc trong trường hợp, nếu cha mẹ là các quan chức thì có thể dẫn tới trường hợp có người lợi dụng điều này để né tránh, gây áp lực với cơ quan công quyền trong quan hệ hành chính.
Đồng thời, việc ghi tên cha mẹ là điều không cần thiết vì mục đích chính của CMND vẫn là giấy tờ tùy thân, chứng minh thông tin bản thân người đó trong các giao dịch.
Ở góc độ quyền trẻ em, ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cũng nhấn mạnh, việc làm này tất yếu sẽ gặp khó khăn, và còn vi phạm điều 16 của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, vì gây ảnh hưởng tới nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bị khiếm khuyết về gia đình như mồ côi cha mẹ, hoặc vì lý do nhạy cảm không thể có đầy đủ cha mẹ, cha mẹ vi phạm pháp luật…
"Theo tôi, CMND là xác định nhân thân để nhận dạng, tạo thuận lợi cho quá trình quản lý, do đó cần đưa vào những dấu hiệu, chỉ số nhận dạng như vân tay, vết sẹo, màu tóc, mẫu máu, màu da… Còn thông tin về cha mẹ nên đổi thành mã vạch và không được thể hiện ra bên ngoài, vì muốn quản lý được đã có sơ yếu lý lịch và các văn bản khác” – ông An nhấn mạnh.
Được biết, tính đến thời điểm này, Bộ đã cấp được gần 30.000 chứng minh nhân dân mới ở 3 quận, huyện của Hà Nội và cũng nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều về việc ghi tên cha mẹ trên chứng minh nhân dân.
Trước những ý xung quanh việc bỏ tên cha mẹ, ông Dung cho hay Bộ Công an cũng đã rất thận trọng vấn đề này. Bộ đã báo cáo với Chính phủ về việc chuẩn bị triển khai dự án và ý kiến của dư luận, xin ý kiến Thủ tướng về việc triển khai thí điểm.
Sau khi nhận được ý kiến của Thủ tướng về việc "vẫn tiếp tục triển khai, nghiên cứu về việc cấp chứng minh theo công nghệ mới, trong đó có nghiên cứu mẫu có ghi tên cha mẹ", Bộ đã thực hiện thí điểm.
"Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã họp và thống nhất có văn bản báo cáo với Chính phủ, trong đó kiểm điểm lại toàn bộ quá trình xây dựng văn bản quy phạm liên quan đến nội dung chứng minh nhân dân, xin ý kiến Thủ tướng về việc để tên nhưng hiện vẫn chưa nhận được ý kiến của Thủ tướng", ông Dung cho biết.
Khánh Trung (Tổng hợp)
Nguồn : Phunutoday