Lê Văn Hiếu. |
Đó là ngày định mệnh 7/2/2010 khi gia đình chú ruột tổ chức đám cưới cho con, Hiếu đến phụ giúp. Đang ăn uống, Hiếu nhận được tin đứa em bị trai làng bên vây đánh. Sẵn hơi men, Hiếu chạy về nhà lôi chiếc kiếm vốn là quà tặng của đồng nghiệp từ miền núi về chơi để làm kỷ niệm, chạy sang giải cứu.
Thấy đứa em đang bị đấm đá túi bụi, Hiếu vứt xe, cầm kiếm xông vào đâm thấu ngực đối thủ. Tối cùng ngày, nạn nhân tử vong. Hiếu được bố mẹ đưa đến công an xã đầu thú về hành vi giết người. Lúc này, men rượu đã hết, Hiếu mới sực tỉnh, sợ hãi và hối lỗi nhưng tất cả đã muộn.
“Thú thực, khi hành động như vậy, tôi đã bị men rượu làm cho tê dại. Đời tôi chưa bao giờ cầm nổi con dao để cắt tiết gà, nhưng lại mang án giết người, đó là bi kịch lớn của đời người”, Hiếu cúi đầu.
"Mấy ngày sau khi bị bắt giam, vợ ôm con đến thăm và ngậm ngùi cho biết, phòng giáo dục đã có quyết định cho tôi giữ chức Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Đức Thành, nhưng tất cả đã muộn". Hiếu kể thêm. Án tù 11 năm được tuyên sau đó không lâu là mức án thấp nhất mà pháp luật dành cho Hiếu.
Những ngày mới thụ án tại Trại giam số 6 (Bộ Công an), tinh thần Hiếu suy sụp và bi quan. Được người nhà động viên, cán bộ quản giáo an ủi, dần dà Hiếu quen với môi trường, gắng cải tạo để sớm được trở về nhà.
Hiếu tâm sự những ngày dài nằm trong trại giam, nhớ nhất là những ánh mắt thơ ngây của học trò. Hiếu thèm cảm giác được cầm viên phấn trắng đứng trên bục giảng, nhớ mái trường đã cùng bản thân đi qua những năm tháng khó khăn trong từng năm học.
Trong một bài tự sự về bản thân, Hiếu trải lòng: "Tôi là kẻ sát nhân. Đêm đêm tôi giày vò ân hận và đau đớn. Tôi đã làm tan nát không chỉ một gia đình. Tôi muốn cất lên một lời xin lỗi nhưng thật khó bởi nó quá muộn màng. Hai chữ "xin lỗi" sao cứ lặng câm mà không thể thốt ra. Đêm từng đêm tôi chỉ ước ao giá như lúc đó tôi biết kiềm chế. Giá như lúc đó tôi biết suy nghĩ vững vàng. Giá như lúc đó tôi bình tĩnh”.
Biết Hiếu nguyên là giáo viên tiểu học, lại có tinh thần cải tạo tốt, trại đã giao công việc dạy chữ cho các phạm nhân mới vào nhưng không biết đọc, biết viết. Hiếu cho biết, dạy phạm nhân khó hơn dạy các em học sinh rất nhiều, bởi những học trò quái biệt này luôn nghĩ ra đủ chiêu trò để đối phó. Với kinh nghiệm của một người có nhiều năm đứng lớp, Hiếu "bắt" đúng bệnh, tỉ mẩn dạy cách đọc, cách viết cho các phạm nhân tối dạ.
Từ ngày gắn bó với công việc này, Hiếu cảm thấy yêu đời hơn rất nhiều. Công việc tuy không bận rộn nhưng gần như chiếm mất gần hết quỹ thời gian của Hiếu trong trại giam. Những khi không có “học trò” để dạy, Hiếu lại ra thư viện phạm nhân, đọc sách báo, nghiên cứu thêm “giáo án” để làm sao dạy tốt nhất, giúp phạm nhân đọc hiểu được văn bản pháp luật, đó cũng là cách để Hiếu tri ân với cán bộ quản giáo.
Gần 4 năm sống cảnh cơm tù áo số, gần như dịp thăm nuôi nào vợ con Hiếu cũng đến. Đó là nguồn động viên, an ủi rất lớn để Hiếu gắng cải tạo tốt, sớm trở về đoàn tụ gia đình.