[size=4]Nghề gián điệp[/size]
Tình báo có thể là một nghề sôi động, nhưng cũng đầy nguy hiểm như John Andre, Nathan Hale và Mata Hari đã từng trải qua!
Có bao giờ bạn mong ước trở thành một gián điệp, chuyên lẩn lút ở các góc tối, tiếp nhận những bản tài liệu mật từ những người mặc đồ đen bí ẩn chưa? Dĩ nhiên, nghề tình báo sôi động và hấp dẫn thật đấy nhưng ta phải tính đến những gian khổ và cả nguy cơ bị tóm cổ luôn sờ sờ trước mặt.
Quốc gia này luôn thuê mướn gián điệp để dòm ngó nội bộ quốc gia khác. Khi chiến tranh nổ ra giữa hai hay nhiều nước, ngành tình báo và điệp viên trở nên vô cùng quan trọng. Đối phương có những loại vũ khí bí mật nào? Kế hoạch tấn công mới của chúng là gì? Khi nào chúng tấn công? Điệp viên luôn phải giải đáp được những câu hỏi dạng này bằng cách lẩn sâu vào hàng ngũ đối phương để moi tin tức.
Trong suốt cuộc chiến tranh giành độc lập cho Hoa Kỳ đã có rất nhiều điệp viên hoạt động. Có lẽ điệp viên nổi tiếng nhất làm việc cho quân Anh là một sĩ quan kém may mắn tên là John Andre. Cùng với một viên tướng tư lệnh Hoa Kỳ phản bội - Benedict Arnold - Andre đã lập mưu đánh úp đồn quân Hoa Kỳ ở cầu West. Đêm 21 tháng 9 năm 1780, Arnold gặp Andre bên dòng sông Hudson. Họ vô cùng sửng sốt khi đụng phải binh lính Hoa Kỳ ở đó. Andre đã trốn chạy và thay bộ quân phục bằng bộ quần áo dân thường. Đây là một lỗi lầm tai hại mà anh ta phải trả giá đắt!
Binh lính Hoa Kỳ đã chặn Andre trên đường và tìm thấy trong mình anh ta những giấy tờ của Arnold. Anh ta bị kết án làm gián điệp và ngay lập tức bị đem đi treo cổ. Nếu Andre giữ nguyên bộ quân phục, anh ta chắc sẽ không bị kết tội làm gián điệp nếu chiếu theo luật quốc tế và chắc sẽ thoát chết. Trong thời gian từ lúc bị bắt đến lúc chết, Andre, 29 tuổi, đã để lại một ấn tượng sâu đậm cho những người bắt giữ vì sự duyên dáng và lòng quả cảm của mình.
Nathan Hale cũng đã nêu một gương kiên cường tương tự khi đối diện với cái chết. Là một giáo viên ở bang Connecticut, Hale đã nhập ngũ trong một đạo quân anh dũng được mọi người biết đến với cái tên Rangers - quân cảm tử. Anh tình nguyện trà trộn vào hàng ngũ địch để thu thập tin tức. Anh bị quân lính Anh bắt quả tang khi đang trên đường đem tin tức trở về. Bị kết tội làm gián điệp, anh chàng Hale 21 tuổi đi đến giá treo cổ với câu: "Chỉ tiếc một điều là tôi có mỗi một cuộc đời để hiến dâng cho Tổ quốc".
Mata Hari, một nữ gián điệp của quân Đức trong Đệ nhất Thế chiến lại chẳng biểu hiện lòng trung thành cho một quốc gia nào cả. Cô làm gián điệp chỉ vì tiền - vô cùng rõ ràng và đơn giản. Trước khi tham gia vào mạng lưới gián điệp, Mata Hari chỉ là một vũ nữ nổi danh mà người ta đồn cô có nguồn gốc từ phương Đông (thật ra cô là người Hà Lan chính gốc). Chính người Đức, những kẻ mà cô đã phục vụ, phản bội và báo cho quân Pháp bắt cô. Một trong những bạn trai của cô thề rằng sẽ cứu cô thoát chết bằng cách lái máy bay đến phá hủy nơi xử tử cô. Nhưng anh ta đã đến nơi quá muộn, sau khi cô đã bị hành quyết.
Ngày nay, dù thời chiến hay thời bình, gián điệp vẫn cài ở khắp nơi bởi những tin tức thu lượm được rất quan trọng. Nhưng khi một gián điệp bị bắt, hình phạt được khoan dung hơn: anh ta bị trục xuất khỏi quốc gia mà anh ta đang do thám và đất nước của anh ta có thể trả đũa bằng cách cũng trục xuất một gián điệp của đối phương ra khỏi nước mình.
Những gián điệp ngày nay dùng cách nào để tuồn tin tức thu lượm được về nước mình? Nếu đó là những tài liệu mật liên quan đến an ninh và quốc phòng của một quốc gia, họ thường chụp lại vào một microfilm. Những microfilm này nhỏ đến nỗi chúng dễ dàng được giấu trong những khoảng trống của một thỏi son, trong khuy măng-sét hay ngay cả trong những đồng xu. Nếu nhân viên hải quan nghi ngờ một người làm gián điệp hay chuyển tin tức cũng sẽ rất khó khăn mới tìm được cuộn phim.
Càng không thể tưởng tượng nổi nếu cuộn phim nằm dưới dạng microdot. Việc chụp microdot có thể thu cả một trang tài liệu thành một điểm nhỏ có kích thước của dấu chấm câu! Một điệp viên có thể gắn mẩu tin đó vào một cái dấu chấm bất kỳ trong một lá thư thường và gửi về quê nhà. Cơ hội cho nước bị do thám phát hiện ra dấu chấm ấy là số 0. Tuy vậy, vấn đề nan giải cho việc chụp phim microdot nằm ở chỗ thiết bị cần thiết để thực hiện. Thiết bị này to lớn, kềnh càng và rất khó ngụy trang. Vì thế nhiều điệp viên vẫn sử dụng loại microfilm tuy lạc hậu nhưng tiện lợi.
Và thế giới tình báo có thể tóm gọn trong những từ: thú vị, sôi động và… nguy hiểm.