Nghệ thuật sống 2012-09-18 07:54:27

Nghệ thuật bắt cá bằng tai của ngư phủ mù hai mắt


Ông Nguyễn Dê ở thôn Trung Hưng (xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) là người mù đã mấy chục năm nay. Mặc cho hai mắt bị mù không thấy đường đi lối lại, ông Dê vượt qua tất cả chỉ để được làm các công việc như một người bình thường. Nhưng chỉ có vậy thôi thì ngư dân làng chài nhỏ chưa thể gọi ông là “quái kiệt” vùng biển.


Quả thực, mắt ông mù chứ đầu ông không hề mù đi chút nào, máy móc trên đò có gì hư hỏng ông đều tự mình mở ra sửa hết chứ không cần thợ, ông đánh cá trên biển, trên phá bằng cách dùng đôi tai nhạy bén để nghe âm thanh.

Học cách nghe âm thanh

Nguyễn Dê sinh ra trong một gia đình đông anh em, cái nghèo cái khổ cứ như con ma đeo đuổi bám riết quanh năm suốt tháng. Tuổi thơ của cậu gắn chặt với sông nước phá Tam Giang, giỏi tay chèo hơn thành thục viết con chữ.

Năm lên 8 tuổi, cậu bé Nguyễn Dê bị mắc bệnh đậu mùa, khắp thân thể nổi những mụn nước xanh đỏ. Quê nghèo, điều kiện khó khăn, hạn chế hiểu biết nên cứ tưởng uống vài thang thuốc lá cỏ hái trên rừng về là sẽ lành lặn như thường.

Hàng ngày ông Dê vẫn lặn ngụp dưới dòng nước đục ngầu của Tam Giang để kiếm ăn từng con tôm cái tép, đỡ đần gia đình, chăm sóc đàn em thơ mà có đến 5 đứa ở phía sau. Thật không ngờ căn bệnh quái ác ấy khiến cho đôi mắt ông mờ dần rồi mù hẳn.




“Quái kiệt” vùng biển, Nguyễn Dê luôn lắng nghe âm thanh để mưu sinh như người bình thường.



Ông Dê nói: “Lúc đầu tôi buồn bã vô cùng, nghĩ đời mình xong om rồi, chẳng có chi hy vọng nữa. Nghề sông nước nguy hiểm ngay cả với những kẻ lành lặn khoẻ mạnh, huống chi người mù như tôi, xuống nước là hết thấy ngoi lên”.

Tuy đau buồn chuyện đôi mắt mù hẳn nhưng Nguyễn Dê cố gắng xem đó như là số phận vô tình gán vào đời mình, bắt buộc mình phải chấp nhận lấy, vượt qua mà sống. Ông Dê chia sẻ “Tôi bắt đầu bước đi trên đôi chân của mình, mắt mù không nhìn thấy đường nên nhiều lần vấp ngã, trầy xước mặt mày.

Bùn đất dính đầy mặt, nhưng có điều dễ nhận thấy là khi hướng ra phía bờ phá đều nghe tiếng gió thổi mạnh vào tai. Con người tôi mỗi lần ra phá, cảm nhận cái nắng, cái gió mát thổi vào như quên mọi thứ nhọc nhằn của cuộc sống”.

Trong xuyên suốt câu chuyện cuộc đời, ông Nguyễn Dê cứ mãi ám ảnh về khoảng thời gian đầu đôi mắt bị mù, đó là lúc ông Dê đối diện khủng khiếp với sự cô độc và nỗi cô đơn. Cuộc sống là một màn đêm đen tối, ngày cũng như đêm, ông Dê nghĩ mình sẽ mãi bị giam hãm trong cái tù ngục ấy.

Niềm vui của đứa trẻ là ngày ngày đến trường vui chơi của chúng bạn, học con chữ của thầy cô và tìm đến tương lai. Nhưng với Nguyễn Dê lúc ấy được đi ra phá Tam Giang là vui mừng lắm rồi, chuyện đến trường xa vời như con nước đổ xô ra biển Đông.

Nguyễn Dê bắt đầu quá trình luyện tập của mình để có thể sống như cách của một ngư phủ bình thường của làng ông. Khi hai con mắt trở nên vô dụng thì đôi tai của ông trở nên nhạy bén vô cùng.

Thỉnh thoảng ông Dê lại ngồi yên lặng nghe tiếng âm thanh của những bà buôn cá ngoài chợ, tiếng các thợ chài gõ mái chèo đánh cá trên nước, tiếng tôm cá nhảy tanh tách trên rổ…




Hai vợ chồng ông Dê vẫn ngày ngày đánh bắt cá trên phá Tam Giang.



Trời lấy đi của ông Dê đôi mắt thì bỗng dưng đôi chân cũng trở nên tinh anh đến lạ thường, quen với từng đường làng ngõ xóm, từng trảng cát dài hay đơn giản cảm nhận được con thuyền mục nước của gia đình mình.

Hồi tưởng về quá khứ tuổi thơ đầy bất hạnh, ông Dê tâm sự: “Mình đi lại được đã là một thành công lớn, tuy nhiên cái nghèo khó cứ mãi làm tương lai đời ngư phủ mờ mịt, mình nghĩ cần phải học cách đánh bắt cá được dù là kẻ mù loà.

Chỉ có cách đó mới có thể cứu cả cuộc đời mình, tôm cá trên phá Tam Giang thì phong phú, muôn đời không cạn kiệt. Mình phải sống bằng cách đó thôi”.

Trong khi chúng bạn đồng trang lứa tung tăng đến trường, thạo mặt chữ con số tính toán thì Nguyễn Dê lại thành thục tay chèo, tay bủa lưới. Năm lên 10 tuổi, bố mẹ bắt đầu mang theo Nguyễn Dê lên thuyền lênh đênh trên phá để đánh bắt cá.

Ông Dê nói: “Lúc đầu bố mẹ làm nghề nhưng luôn phải để mắt tới mình kẻo sợ rơi xuống phá chết đuối. Họ lấy lưới chài cá vây lại xung quanh thuyền, cho mình chơi và đan lưới ở trong đó”.

Với trí nhớ tài tình đến lạ, lại thêm cái nghiệp cha ông vốn có từ trong máu, không bao lâu sau đó cậu bé Nguyễn Dê đã thuộc mọi ngõ ngách của phá Tam Giang như lòng bàn tay. Giữa mênh mông sông nước Tam Giang, Nguyễn Dê có thể đoán định được hướng gió thổi và khua thuyền về bến nước nhà mình.

Ông có thể im lặng trong hàng tiếng đồng hồ để nghe luồng cá chạy dưới nước. Hỏi vì sao ông có thể làm được điều tài tình đến thế? Nguyễn Dê lắc đầu nói, chịu, không biết, trời lấy đi đôi mắt của mình thì bù lại cho đôi tai nhanh nhạy, thế thôi!

Ông Nguyễn Dê nói năm lên 18 tuổi, ông đã là chàng thanh niên trẻ tuổi có bề dày kinh nghiệm trên sông nước. Đó là một ngư phủ thực thụ có nghề, làn da rám nắng mang vị mặn mòi của nước biển khơi.

Người làng chài nằm bên phá Tam Giang khi ấy cứ ngỡ như Nguyễn Dê từ kẻ mù loà đã sáng mắt trở lại, có thả cả ngày trên phá cũng kiếm được nhiều mớ tôm cá, ăn bữa cơm qua ngày.

Năm đó, quê hương ngập chìm trong khói lửa chiến tranh, vùng Nguyễn Dê ở là căn cứ cách mạng nằm trong lòng địch. Ba người em của ông tham gia cách mạng, ông hàng ngày chèo thuyền vận chuyển lương thực, vũ khí và nuôi giấu cán bộ những nơi bí mật.

Một ngày đau buồn, cũng trong khi làm nhiệm vụ cách mạng, bốn anh em ông Dê thực hiện nhiêm vụ chuyển tải đạn qua bên kia phá Tam Giang, máy bay giặc quần thảo trên bầu trời.

Ông Nguyễn Dê nhớ lại: “Bom thả rơi trúng thuyền làm ba người em hy sinh, còn thuyền của tôi trong phút chốc trở thành ngọn lửa dữ giữa sóng nước”. Tình thế cấp bách buộc ông Dê phải nhảy xuống nước, mất gần 2 tiếng đồng hồ nghe ngóng đoán định hướng gió, ông Dê mới bơi vào bờ được.

Ông Nguyễn Dê nói đó là cái ngày đau buồn nhất cả cuộc đời, mỗi lần nhớ lại là nước mắt rỉ ra từng dòng trong hỏm mắt mù loà. Còn với những lần thoát chết trong gang tấc dưới họng súng của kẻ địch thì ông cũng không nhớ xuể; có lẻ ông… cao số.

Mưu sinh trên phá Tam Giang

Sau ngày đất nước giải phóng, sông nước bình yên lại như ngày thường, Nguyễn Dê lại thui thủi đánh bắt cá mưu sinh trên sông. Một ngày của lão ngư mù bắt đầu từ sáng sớm mờ sương. Ông đi chân trần từ nhà ra phá Tam Giang cứ phăng phăng như người sáng mắt, trên vai chất đầy ngư lưới cụ.

Ông Dê bảo cái gì làm miết thành quen thôi, đi mấy chục năm trên con đường cũ hỏi làm sao mà không quen cho được. Từng dấu chân trần in hằn lên vất cát khắc tên con người của nghị lực và ý chí phi thường.

Gia tài người đàn ông sau quãng đời bươn chải, lăn lộn trên sông không có gì khác ngoài đôi tai cùng chiếc thuyền chài bé nhỏ là chỗ che nắng mưa. Mỗi chuyến đánh bắt cá ngoài việc mưu sinh qua ngày ông Dê còn đưa ra chợ để bán, kiếm tiền thuốc thang cho cha mẹ nay đã già yếu.

Người làng càng nể phục ông hơn nhiều bởi chỉ cần nghe người ta mô tả là ông có thể đoán định được lượng cá nhiều hay ít.

Tò mò hỏi ông, ông Nguyễn Dê nói nếu mình bằng tất cả tinh thần tập trung vào hai con mắt sẽ nhìn thấy chút ánh sáng linh thiêng ở hai hỏm mắt. Có lẽ khi nhìn con nước ông Dê cũng vận dụng cách thức kỳ diệu này!?

Ngồi bên cạnh ông là người vợ tần tảo – bà Nguyễn Thị Dưỡng. Hỏi bà vì sao duyên số gắn chặt với cuộc đời của lão ngư phủ mù nhưng đầy biệt tài? Bà huơ tay nói tại mình thương cái tính thật thà, chịu khó và đôi khi trở nên cù lần của chồng.

Mới đầu chuyện tình yêu tình đương gặp nhiều trở ngại. Cha mẹ bà Dưỡng cho rằng hết người lấy sao lại yêu kẻ mù loà, con cái sau này tính sao? Bà Dưỡng gạt phăng, nói: “Mù mắt mà có tài, thanh niên trong làng có ai đánh cá giỏi như anh ấy đâu”.

Vậy là họ lấy nhau, sinh con đẻ cái, sống êm ấm qua ngày bằng nguồn lợi tôm cá trên Tam Giang. Mặc dầu ngày sau giải phóng, cuộc sống vô cùng thiếu thốn, nhà cả chục miệng ăn. Chúng tôi cùng ông Nguyễn Dê và vợ đi ra phía phá Tam Giang để mục sở thị cận cảnh ông hành nghề.

Quả thực nhìn cách ông chống thuyền, quay máy rồi bung lưới, gỡ từng mớ cá đã cất săn, không một ai nghĩ đó là lão ngư phủ mù hai mắt. Tất cả đều làm bằng đôi tay nhanh nhẹn, đôi tai thỉnh thoảng cà giật lên xuống như nghe ngóng âm thanh.

Ông Dê dừng tay chèo, nói với vào trong bờ với chúng tôi, hôm nay thời tiết khá thuận tiện để ra khơi, gió Đông thổi nhè nhẹ, con nước êm ả, không đi đánh hôm nay thì để khi nào. Nói rồi Nguyễn Dê cười một tràng dài, tiếng cười lướt trên mặt sóng nước, vang dội không gian.

Ông Dê bảo thời buổi bữa ni khó khăn, chắc đánh cá không thôi e không có tiền để phòng lúc tai nạn ốm đau. Nên vừa đánh cá, ông Nguyễn Dê còn thể hiện luôn cả biệt tài lặn ngụp dưới sông.

Một ngày chịu khó dầm mình dưới làn nước lạnh, ông Dê và vợ cũng kiếm được chục ký sò, trìa, nghêu, hến đủ loại… Trong quãng đời gắn bó với nghề ngư phủ, có khi nào ông phải đối diện với nguy hiểm của sông nước hay chưa?

Ông Dê nói to, giọng nói vang dội trong lồng ngực đúng chất dân miền sông nước: “Có chứ chú, nghề chi cũng có nguy hiểm hết, nhất là nghề kiếm miếng cơm manh áo từ miệng của Hà Bá. Đó là lần hai vợ chồng mải mê chạy theo luồng cá, gặp cơn dông bất chợt, thuyền như chiếc lá tre nghiêng ngả giữa biển nước.

Thuyền lật, chồng một đường, vợ một nẻo, ai nấy đều phải tự bơi vào bờ hàng tiếng đồng hồ để cứu mình. Rứa mà vẫn sống, thiệt là ông trời không dồn ép ai vào đường cùng bao giờ”.

Phong Nhã


Nguồn : Phunutoday
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)