Hướng tới kỉ niệm Ngày Quốc tế NCT, vừa qua, Hội nghị khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Mạng lưới Hỗ trợ NCT Quốc tế (HelpAge) năm 2014 được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 4/9/2014 tại Chiềng Mai, Thái Lan với sự hỗ trợ của Tổ chức Dân số Thế giới (UNFPA) và Liên Ủy ban Châu Âu (EC) nhằm nâng cao nhận thức của các nước về NCT, tác động chính sách và các hành động kinh tế, xã hội cho NCT…
Thời gian qua, nhiều Chương trình của Liên Hợp Quốc (LHQ) đều có chủ đề về NCT, thế nhưng ở Việt Nam vẫn không có nhiều người quan tâm tới vấn đề này, bởi suy nghĩ các tác động của già hóa dân số còn rất xa vời và không có gì đáng bàn về NCT. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn chuyển tải một số thông tin về già hóa dân số và quan điểm của quốc tế về lực lượng NCT trong xã hội hiện nay cùng với cách nhận thức và giải quyết vấn đề sao cho hợp lí.
Tại sao lại phải bàn về già hóa dân số?
Năm 2009, số NCT trên thế giới chiếm 11%. Còn Việt Nam chính thức bước vào thời kì già hóa dân số với số NCT chiếm 10% từ năm 2011. Năm 2013, tỉ lệ NCT Việt Nam lên tới 10,5% tổng dân số, đến năm 2050, tỉ lệ này sẽ tăng gần gấp 3. Khoảng thời gian Việt Nam quá độ từ cấu trúc dân số “già hóa” sang “dân số già” dưới 20 năm, ngắn rất nhiều so với các nước phát triển.
Trong bối cảnh của một gia đình, khi có nhiều NCT trong nhà (ông, bà, cha, mẹ…) thì gia đình đó phải tạo điều kiện sống phù hợp cho cả ông bà lẫn con cháu. Con cháu vừa phải nhờ vả bố mẹ, ông bà giúp đỡ (việc nhà, chăm cháu, tiền của…), vừa phải quan tâm chăm sóc, hỗ trợ khi họ mệt mỏi, ốm đau… Đối với một xã hội cũng vậy, một xã hội thịnh vượng là một xã hội mà mọi công dân, ở mọi lứa tuổi đều được bảo đảm cuộc sống nhờ tăng trưởng kinh tế, phát triển y tế, giáo dục, đẩy mạnh an sinh xã hội. Bất kì ai bước vào giai đoạn cao tuổi đều có những niềm vui, nỗi buồn, có nhu cầu được làm việc, sống an toàn, khỏe mạnh và được thỏa mãn các nhu cầu về tinh thần, vui chơi, giải trí, được chăm sóc… Chính vì vậy mà già hóa dân số là thành tựu của nhân loại, mang đến những cơ hội cũng như thách thức, đòi hỏi các phương thức tiếp cận mới về y tế, tuổi nghỉ hưu và lương hưu, bảo đảm môi trường xã hội và hòa đồng giữa các thế hệ.
NCT là gánh nặng hay nguồn lực?
Rất nhiều người cho rằng: Sau khi nghỉ hưu (về già) NCT chỉ cần ở nhà để mọi người chăm sóc. Thế nên đa số không coi trọng những nhu cầu cần được quan tâm, giao tiếp, giải trí… của bố mẹ, thậm chí cản trở khi NCT muốn được làm việc theo sở thích của mình; coi bố mẹ có nghĩa vụ phải hỗ trợ con cái (cung cấp tiền, trông con, làm việc nhà…). Cách nhìn quan liêu, lệch lạc này khiến NCT sống không vui vẻ, là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu sự hiểu biết giữa các thế hệ, hạn chế sự hỗ trợ lẫn nhau trong gia đình và không phát huy được sự đóng góp quý báu của NCT cho xã hội. NCT chia thành nhiều nhóm theo độ tuổi khác nhau và có đặc điểm khác nhau. Đa số những người trong độ tuổi 60 – 70 còn khỏe mạnh, vẫn tiếp tục hoạt động xã hội, người làm kinh doanh, hỗ trợ con cháu lao động sản xuất… Khi bước sang tuổi 70, sức khỏe phần nào giảm sút, nhưng hầu hết NCT vẫn là những chỗ dựa cho con cháu, cộng đồng. Chỉ sau tuổi 80, NCT mới là đối tượng cần chăm sóc. Do vậy, nếu biết tạo điều kiện cho NCT phát huy năng lực một cách phù hợp, thì gia đình, xã hội sẽ có thêm những nguồn lực quý báu.
Quan điểm của quốc tế về NCT
Để cụ thể quan điểm và sự đánh giá về NCT của LHQ và nhiều tổ chức trên thế giới, xin trích dẫn 4 điểm trong diễn văn của bà Ritsu Nacken, Phó Trưởng đại diện Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) tại Việt Nam như sau:
Đầu tiên, NCT khẳng định muốn tiếp tục là một thành viên tích cực và được kính trọng của xã hội, vẫn có thể đóng góp, tiếng nói được lắng nghe và bản thân họ là một nguồn lực kinh tế quan trọng cho phát triển.
Thứ hai, nhu cầu chăm sóc cho NCT đang ngày càng lớn. Để đáp ứng nhu cầu này và bảo đảm quyền lợi của NCT, các dịch vụ chăm sóc của tư nhân và của công là cần thiết để NCT được sống khỏe mạnh, hiệu quả và tận dụng hết những kĩ năng và khả năng của họ.
Thứ ba, sự phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và tổ chức xã hội là thiết yếu để giải quyết hiệu quả các nhu cầu của nhóm dân số NCT dễ bị tổn thương.
Cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng là lớp trẻ hôm nay sẽ trở thành NCT trong tương lai. Vì vậy cần thắt chặt đoàn kết giữa thanh niên và NCT để cả hai bên cùng có lợi và tích cực khuyến khích đối thoại và hợp tác liên thế hệ.
Theo: duonglaodienhong. vn